Biết con bị đánh mà vẫn cho học thêm: Biến con từ tài thành tật

27/07/2012 06:03
Độc giả Huỳnh Anh
(GDVN) - Cách giáo viên ứng xử với học sinh trong clip thì nhà trường sẽ biến thành nhà tù, giáo viên biến thành cai tù và học sinh biến thành tử tù. Vậy không nên giữ mô hình dạy và học nữa, nếu còn tồn tại thì quả là một ý tưởng... điên rồ.
Trong thời gian gần đây, dư luận không khỏi hoang mang khi chứng kiến những clip thầy giáo thẳng tay đánh học sinh tại một trung tâm dạy thêm ở Thái Nguyên. Báo Giáo dục Việt Nam xin đăng tải bài viết của độc giả Huỳnh Anh về vấn đề này.

Thời gian qua, độc giả vô cùng phẫn nộ với clip thầy giáo bắt học sinh nằm lên bàn rồi dùng hết sức để quật roi mây lên thân thể các em. Trong clip, người thầy to tiếng:“Bây giờ, những bạn ngồi bàn đầu dồn xuống bàn dưới. Ai bị điểm dưới 5 thì chuẩn bị lên ăn đòn”. Thầy giáo cho gọi cậu học sinh lên, bắt nằm sấp lên bàn học ngay trước các bạn học sinh khác. Thầy giáo liên tục nắn chỉnh cây roi trước khi “xuống tay hành quyết”. Không mảy may xúc động, thầy giáo liên tục quất mạnh tay hơn vì tội em này không chú ý lên bảng trong giờ. Trong suốt quá trình “tra tấn”, thầy liên tục đay nghiến “Nằm thẳng xuống”, “Đừng có cãi”

Dùng hết sức lực của một người lớn, thầy quất roi đầu tiên giáng xuống mông cậu học sinh khiến em co rúm người và rên rỉ vì đau. Sau những nhát roi, thầy lại dùng tay vỗ vỗ vào mông chỉnh lại tư thế của “nạn nhân” cho gọn, sẵn sàng cho những đòn tiếp theo. Lần lượt những học sinh vi phạm được gọi lên và hứng chịu những đòn roi của thầy giáo bất kể đó là đối tượng nào thầy đều không nương tay.

Thầy giáo dùng hết sức để quật roi mây lên người bạn học sinh nữ
Thầy giáo dùng hết sức để quật roi mây lên người bạn học sinh nữ

Xem xong clip, tôi không thể tưởng tượng đây là một lớp học, lại là một lớp học thêm, mà cứ nghĩ đây là một nhà tù, chính những học sinh có khuôn mặt thơ ngây kia lại là những nạn nhân bất đắc dĩ. Được biết, tại trung tâm dạy thêm, thầy giáo đều sử dụng biện pháp sư phạm “đặc biệt” này. Thế nhưng, lớp học vẫn đông, học sinh vẫn nằm im cho thầy đánh. Tại sao cha mẹ học sinh thấy con bị đánh mà vẫn đưa vào lớp học thêm? Thật là... điên rồ.

Tại sao những học sinh bị đánh này không lên tiếng, hay không tự quay clip tố cáo mà chỉ đến khi clip được PV nhập vai quay lại và công bố thì nhiều người mới tá hỏa vì không nghĩ rằng con mình bị đánh đến mức ấy. Phải chăng, bị đánh quá lâu ngày, đàn áp quá lâu ngày nên các em đã... quen đòn, hoặc đã trở nên cam chịu và bị động. 

Còn những bậc phụ huynh đáng kính đã coi đòn roi là điều hết sức bình thường, vì thế khi được biết con mình đánh nhiều người thầm cảm ơn giáo viên vì đã... trị được con giúp họ. Thật tàn nhẫn và vô tâm. Họ không hề thấy đau xót trước cảnh con mình bị đánh đập, sỉ nhục.

Tâm lý chung của nhiều bậc phụ huynh là luôn mong muốn con mình khi đến trường là “đầu bảng”, thi lên cấp phải đạt “thủ khoa”, ở ngoài xã hội thì phải là người có quyền, có thế. Chính vì vậy, chỉ cần được giới thiệu đây là môi trường giáo dục tốt, là lò luyện thành tích cao thì cha mẹ sẵn sàng đưa con vào học mà không cần tìm hiểu kỹ lớp học. Việc làm đó không những gây tốn kém cho gia đình mà còn khiến con trẻ bị quá tải cũng như hứng chịu những mặt trái của một lớp học thêm tồi. 

“Thương cho roi cho vọt” là cái cớ khiến nhiều bậc cha mẹ coi chuyện đánh con là quyền của người lớn. “Bọn trẻ con phải đánh đòn cho khỏi hỗn” là câu nói cửa miệng của nhiều phụ huynh. Trong mối quan hệ giữa người lớn cũng dễ dẫn đến cãi vã, phải dùng tới vũ lực. Vì thế, sống trong một môi trường phân chia kẻ mạnh, kẻ yếu, trẻ con dễ dẫn đến những suy nghĩ phản giáo dục. 

Chính vì thế, đầu mối của tội ác diễn ra từ đây. Bạo lực học đường càng ngày càng trở thành một vẫn đề nghiêm trọng tại khắp mọi nơi. Như vậy, chẳng phải khi biết con bị đánh mà vẫn đưa con vào lớp học thêm nghĩa là bố mẹ đang mong muốn con thành tài...giờ lại thành tật.

Trong mọi cách ứng xử, không ngoại trừ mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh cần cân bằng được cái “cương” “nhu”. Ngoài sự nghiêm khắc giáo viên cũng cần có thái độ mềm dẻo, linh hoạt cần thiết trong việc “đối nhân xử thế”. Nếu chỉ có tình thương thì dễ dẫn đến tình trạng: “Yêu chó chó liếm mặt”. Nếu chỉ có nghiêm khắc thì người thầy trở thành vô tâm, tàn ác. Cách giáo viên ứng xử với học sinh trong clip thì nhà trường sẽ biến thành nhà tù, giáo viên biến thành cai tù và học sinh biến thành tử tù. Vậy không nên giữ mô hình dạy và học nữa, nếu còn tồn tại thì quả là một ý tưởng... điên rồ.

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Tải về ngay đáp án thi Đại học chính thức khối A, A1 2012

Điểm chuẩn HV Âm nhạc Huế cao nhất 41

Thủ khoa ĐH Quảng Nam đạt 26 điểm

Thủ khoa ĐH Dân lập Hải Phòng 2012 đạt 26 điểm

Rùng rợn clip thầy dùng hết sức "tra tấn" nhiều học sinh ở Thái Nguyên

Thủ khoa ĐH Chu Văn An đạt 23 điểm

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng


Độc giả Huỳnh Anh