Bỏ 300 triệu đồng để chạy việc - chỉ là phần nổi của tảng băng chìm

11/11/2016 12:43
Nguyễn Cao
(GDVN) - Chỉ trong vòng mấy tháng nhưng Thanh Hóa bỗng dưng “nổi tiếng như cồn” bởi có quá nhiều chuyện mà nói như nhà văn Nam Cao là “Những chuyện không muốn viết”.

Ngày 7/11/2016 Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết với tựa đề "Cựu sinh viên bị cán bộ thuế lừa phỉnh, nguy cơ mất 300 triệu đồng để chạy việc". Bài viết thông tin phản ánh của cựu sinh viên Lê Thị Tuyết (Đại học Sân khấu điện ảnh), người bỏ số tiền 300 triệu đồng để xin việc nhưng có nguy cơ bị mất trắng.

Bài viết sau khi đăng tải đã thu hút sự quan tâm, chú ý của hàng nghìn độc giả, trong đó nhiều độc giả sau khi đọc bài viết đã gửi chia sẻ, comment cho rằng cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ trắng đen sự việc, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có.

Bài viết dưới đây của tác giả Nguyễn Cao có phân tích chỉ ra tồn tại trong vấn đề xin việc, chạy việc vào hệ thống cơ quan hành chính sự nghiệp Nhà nước hiện nay.

Giấy nhận tiền của bà Đặng Thị Nhung ghi rõ, nhận từ chị Tuyết 300 triệu đồng để xin vào làm cán bộ tại UBND thành phố Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.
Giấy nhận tiền của bà Đặng Thị Nhung ghi rõ, nhận từ chị Tuyết 300 triệu đồng để xin vào làm cán bộ tại UBND thành phố Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Việc gia đình chị Lê Thị Tuyết (sinh năm 1991, trú tại 47 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, TP. Thanh Hóa), tốt nghiệp Đại học Sân khấu điện ảnh, tố cáo bà Đặng Thị Nhung, cán bộ Chi cục Thuế huyện Đông Sơn (thuộc Cục Thuế Thanh Hóa) có dấu hiệu lừa đảo tiền chạy việc với số tiền lên đến 300 triệu đồng một lần nữa nói lên nhiều điều bất ổn ở một địa phương mà trong thời gian qua đã có quá nhiều những tai tiếng.

Chỉ trong vòng mấy tháng nhưng Thanh Hóa bỗng dưng “nổi tiếng như cồn” bởi có quá nhiều chuyện mà nói như nhà văn Nam Cao là “Những chuyện không muốn viết”. Nào là một Sở có 8 phó giám đốc, nào là chuyện dư thừa hàng loạt cấp phó ở tất cả các huyện, thị, thành.

Nào là cắt hợp đồng với hơn 600 giáo viên chưa ráo mực lại xin tuyển lại hàng trăm giáo viên khác.

Rồi một chuyện tày đình là Nguyên giám đốc Sở Y tế đã qua mặt Uỷ ban tỉnh để kí hợp đồng lao động với hơn 3000 người trước khi về hưu.

Mấy ngày gần đây lại lòi ra chuyện ông Bùi Huy Hùng, Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn đồng loạt ký quyết định tiếp nhận, tuyển dụng 19 giáo viên tiểu học.

Trường trung cấp kỹ nghệ Thanh Hóa cũng “phớt lờ” lệnh cấm của UBND tỉnh ký quyết định tuyển dụng 3 viên chức (tuyển dụng đặc cách không qua thi tuyển) gồm bà Phạm Thị Loan, bà Trần Thị Yến, ông Nguyễn Văn Thạc.

Cả 3 đang là hợp đồng lao động của nhà trường. Trong đó bà Loan là con gái bà Trần Thị Vận, Trưởng phòng Tổ chức nhà trường (nằm trong Hội đồng xét tuyển); bà Yến là cháu vợ ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch Liên minh HTX Thanh Hóa.

Rõ ràng người kí tuyển dụng nhân sự là những người có chức quyền, nắm rõ được pháp luật vậy mà sao họ cứ chà đạp lên sự phẫn  nộ của dư luận mà làm bừa?

Quay lại với câu chuyện chị Tuyết, chúng ta cứ hình dung, nếu chị Tuyết được nhận vào cơ quan nhà nước để làm việc thì với trình độ đại học được hưởng lương tập sự là 85% của hệ số 2.34 nhân với 1210 000 mà còn trừ đi các loại bảo hiểm thì chỉ còn nhận chưa đến 3 triệu đồng.

Mười năm làm không tiêu pha và ăn uống thì chị Tuyết mới lấy lại vốn ban đầu.

Với điều kiện là số tiền 300 triệu ấy là tiền của gia đình chị Tuyết, không phải vay mượn ở bên ngoài, không phải tính lãi hàng ngày…

Nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi tại sao một người dân lại dám bỏ ra một lúc cả chục cây vàng để chạy việc, bao giờ thu lại được số tiền đó và đây có phải là con số cuối cùng của chuyện chạy việc được không hay vẫn còn có những người dám bỏ ra số tiền lớn hơn để có một suất hợp đồng dài hạn với một cơ quan nhà nước? Số tiền đó sẽ đi đâu, ai sẽ là người nhận?

Đi dọc các con đường trên thành phố Thanh Hóa và kể các huyện thị lân cận, chúng ta không khó để tìm những Trung tâm môi giới việc làm.

Có những con đường mà các trung tâm này mọc lên san sát.

Và, điều dĩ nhiên là muốn tìm được việc là phải qua trung gian, phải qua tay “cò” nên dù việc nào cũng đều được qui đổi bằng tiền.

Chuyện nguyên Giám đốc Sở Y tế ở tỉnh này tuyển qua mặt Ủy ban tỉnh hơn 3000 lao động chắc chắn không phải “vì nhân dân” như một quan chức ở Hải Dương mới phát biểu gần đây.

Người viết xin mạn phép ví dụ rằng nếu mỗi người được kí hợp đồng làm việc phải chi số tiền chỉ cần bằng 1/10 của chị Tuyết nhưng với chừng ấy con người thì số tiền cũng đã lên đến cả mấy chục tỉ đồng.

Và, lẽ nào chuyện tày đình như thế mà lại chỉ mình ông giám đốc Sở âm thầm tuyển dụng  hay sao?

Ồ ạt tuyển dụng, bổ nhiệm của một số ban ngành ở Thanh Hóa đã và đang làm oằn thêm gánh nặng cho ngân sách địa phương, làm nghi ngại cho niềm tin của xã hội.

Đó là chưa kể hàng loạt người đứng ra nhận mình là người quen biết rộng có thể chạy được việc như bà Đặng Thị Nhung- cán bộ Chi cục Thuế huyện Đông Sơn để lừa những người dân lương thiện phải sống trong cảnh sống dở, chết dở.

Sực nhớ câu nói của người xưa :“Thượng bất chính, hạ tắc loạn” mà ngẫm thấy chí lí thay.

Nguyễn Cao