Bộ GD&ĐT cần khẩn trương xây dựng phương án thi tốt nghiệp

07/05/2014 13:52
Xuân Trung
(GDVN)- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD&ĐT khẩn trương xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT sau 2015.
Ngày 6/5, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trên tinh thần xét đề nghị của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam về việc cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT nghiên cứu, tham khảo Đề án cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đề xuất. Tiếp đó, Bộ GD&ĐT khẩn trương xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT sau 2015 và công bố công khai vào quý III năm 2014 theo đúng Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại  cuộc họp về đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ GD&ĐT nghiên cứu, tham khảo Đề án đổi mới thi tốt nghiệp TPHT của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ GD&ĐT nghiên cứu, tham khảo Đề án đổi mới thi tốt nghiệp TPHT của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam.
Trước đó, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đã gửi bản Đề án cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT lên Chính phủ. Theo nội dung bản đề xuất này, kỳ thi tốt nghiệp THPT sau 2015 với mục tiêu cung cấp một tiêu chí quan trọng để xác nhận trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông cho mọi người học trong và ngoài hệ thống giáo dục phổ thông.

Kỳ thi này cung cấp kết quả để thí sinh dự tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Vì nhằm mục tiêu kép, kỳ thi tốt nghiệp THPT cải tiến có một số khác biệt với kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây ở chỗ:

Đối tượng không nhất thiết là học sinh đã học hết bậc phổ thông, chỉ cần ở cuối bậc phổ thông, có thể bao gồm những thí sinh tự do không học trung học phổ thông nhưng muốn được xác nhận trình độ và dự tuyển vào các trường đại học và chuyên nghiệp.

Từ đó không khống chế thời gian thi chỉ ở cuối niên khóa THPT, và có thể tổ chức thi nhiều lần trong năm.

Thí sinh được kết quả thấp ở một kỳ thi có thể đăng ký xin thi lại ở một kỳ thi sau để nâng điểm, đó là cách để tự nâng cao năng lực và được xác nhận lại, như vậy kết quả không bị cố định như ở kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trước đây.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cải tiến cũng khác kỳ thi tuyển sinh đại học trước đây ở chỗ:

Bao gồm cả mục tiêu xác nhận trình độ tốt nghiệp phổ thông; Không nhằm một ngành đào tạo cụ thể nào của trường đại học; Được tổ chức nhiều lần trong năm.

Công nghệ được sử dụng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đối với đề thi được thiết kế chủ yếu theo phương pháp trắc nghiệm khách quan (TNKQ), kết hợp một số câu hỏi  tự luận (TL) ngắn cho các môn có nhu cầu bổ sung (Toán, Tiếng Việt).

Việc phát triển ngân hàng câu hỏi, thiết kế đề thi, xây dựng các đề thi tương đương được triển khai theo theo lý thuyết và công nghệ đo lường hiện đại (Lý thuyết Ứng đáp Câu hỏi). Công nghệ phát triển ngân hàng câu hỏi, xây dựng đề thi tương đương … sẽ được trình bày cụ thể trong đề án chi tiết.

Các môn thi (môn đơn và môn kết hợp) đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT sau 2015 sẽ có điểm mới.  

Ba môn thi đơn có thể được dự kiến như sau: Toán, Ngữ văn, và Ngoại ngữ (liên quan đến một trong các thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Trung, Đức, Nhật); 2 môn thi kết hợp là Khoa học tự nhiên (bao gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội và Nhân văn (bao gồm Văn, Sử, Địa, Chính trị). 

Các đề Toán và Ngữ văn sử dụng phương pháp TNKQ kèm một câu TL ngắn (để thí sinh làm trung bình trong khoảng 30 phút). Phần TL của đề Toán nhằm đánh giá khả năng giải quyết các vấn đề toán học. Phần TL của đề Ngữ văn nhằm đánh giá khả năng viết và diễn đạt bằng tiếng Việt, sẽ hạn chế thí sinh viết không quá 400 từ hoặc một trang giấy A4. Thời gian làm bài cho mỗi đề Toán và Ngữ văn là 90 phút (60 phút TNKQ, 30 phút TL). 

Đề Ngoại ngữ (các tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung quốc, Đức, Nhật) đánh giá khả năng đọc hiểu, ngữ pháp, bằng phương pháp TNKQ, thời gian 60 phút. 

Các đề  Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và Nhân văn được ra dưới dạng kết hợp các môn tương ứng Vật lý, Hóa học, Sinh học và Văn, Sử, Địa, Chính trị, sử dụng phương pháp TNKQ. Thời gian làm bài cho mỗi đề là 60 phút.

Mọi thí sinh đều phải thi ba môn đơn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn kết hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội - Nhân văn.  

Việc đạt điểm trung bình của 5 môn thi là cơ sở để xét trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông.

Bảng điểm của các môn thi cho từng thí sinh là cơ sở để các trường đại học, cao đẳng xét tuyển thí sinh vào ngành học mà họ xin dự tuyển. Các trường đại học, cao đẳng đưa ra phương án tính tổng điểm của các môn thi để tuyển sinh vào các ngành học theo yêu cầu của trường mình (có thể tính tổng điểm các môn có hệ số).
Xuân Trung