Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo:

"Bộ GD&ĐT muốn cải cách, muốn đổi mới nhưng lại rụt rè khi hội nhập"

25/09/2013 07:29
Diệu Linh
(GDVN) - TS Nguyễn Tiến Luận - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Nguyễn Trãi nhận định, đề án đổi mới của Bộ GD & ĐT chưa thật sự thuyết phục, bởi Bộ muốn cải cách, muốn đổi mới nhưng lại rụt rè khi hội nhập, thậm chí nhiều chính sách hiện tại còn đang là rào cản để học sinh Việt Nam tiếp cận với các nền giáo dục phát triển.

Bộ Giáo dục vừa tung ra đề án đổi mới toàn diện nền giáo dục, trong đó đã chỉ thẳng ra những yếu kém, tồn tại và có những hướng khắc phục tốt hơn so với các đề án trước kia. Tuy vậy, theo đánh giá chung của nhiều chuyên gia giáo dục, Bộ vẫn đang nói lý thuyết về đổi mới, chưa có điểm nhấn chi tiết cụ thể, vì vậy cần phải có những tính toán cụ thể hơn.

TS Nguyễn Tiến Luận – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Nguyễn Trãi chia sẻ, ông có nhiều năm học tập và làm việc tại nước Đức, và rất buồn khi so sánh với nền giáo dục Việt Nam với Đức.

Rất thẳng thắn khi nói về đề án đổi mới của Bộ Giáo dục, TS Luận cho hay: “Tôi thấy rằng Bộ Giáo dục còn đang khá rụt rè trong việc tiến tới hội nhập với thế giới, tức là chưa sẵn sàng đặt ra mục tiêu đào tạo các em sinh viên trở thành công dân toàn cầu, mà đây mới chính là mục tiêu quan trọng.

Chuẩn hóa hệ thống giáo dục hiện nay có đến 80% các nước phát triển đều như nhau, do đó nếu muốn đổi mới gì, phát triển gì, Việt Nam cũng phải có một hệ thống như vậy. Thí dụ bậc Tiểu học đến hết lớp 6 tuổi, Trung học đến hết lớp 10 và Phổ thông chỉ còn 2 năm thôi… rất tiếc là Việt Nam chưa có kế hoạch thay đổi cụ thể, đề án mới này mới nhắc tới chuyện xem xét thôi chứ chưa dứt khoát, mà nếu cứ nói chung chung như thế thì sau này còn rất nhiều tranh luận”.

TS Nguyễn Tiến Luận - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Nguyễn Trãi.
TS Nguyễn Tiến Luận - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Nguyễn Trãi.

TS Nguyễn Tiến Luận cho hay, sau khi xác định được sự chuẩn hóa về hệ thống, rồi mới tính tới chương trình và nên phân ra hai loại: Xã hội học và Khoa học tự nhiên. Nội dung phải thiết thực đi liền với các em nhiều năm sau này, nhưng chương trình hiện nay là cứ nói hướng nghiệp rất chung chung.

TS Luận chia sẻ: “Có người bảo rằng chúng ta đang đào tạo sinh viên theo kiểu hàn lâm, nhưng đọc đúng bản chất thì cũng chẳng phải hàn lâm. Chúng ta phải rõ ràng là có hai hướng đào tạo đó là khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng, thì việc công tác đào tạo mới có định hướng tốt, kết quả tốt, còn cứ như hiện nay là thầy đọc trò chép, toàn học lý thuyết, học để thi xong rồi quên hết, thế nên có bằng tốt nghiệp đại học vẫn thất nghiệp, vì có tý kỹ năng nào đâu, có khi viết cái đơn xin tuyển dụng cũng chẳng xong”.

Bên cạnh đó, TS Luận cũng chỉ rõ, dù đổi mới gì đi nữa thì Bộ Giáo dục cũng phải đổi mới tư duy, tức là không làm thay cả việc của các trường như hiện nay là phải kiểm soát trường thế này, thầy thế kia thì mới cho đào tạo.

“Bây giờ lớp trẻ rất thông minh, cộng với phương tiện truyền thông tiện lợi, các em hoàn toàn có thể xác định được đâu là nơi đào tạo tốt, việc này Bộ không cần phải can thiệp sâu, mà chỉ cần nắm về vấn đề chính sách, có định hướng tốt. Tôi xin lấy thí dụ, chương trình của chúng ta dùng suốt thời gian qua chủ yếu là thừa hưởng đào tạo từ các nước xã hội chủ nghĩa cũ, mà các thầy lại không chịu cập nhật, còn một số thì không có khả năng mà cập nhật cái mới, để xây dựng chương trình mới thì Bộ phải chú ý tới điểm này”, TS Luận nói.

Vị Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Nguyễn Trãi thẳng thắn cho biết, ông không ngại khi phải nói lên suy nghĩ của mình về những tồn tại đáng tiếc của nền giáo dục nước nhà, với mong muốn một ngày nào đó Việt Nam thực sự được sánh vai cùng các cường quốc.

“Với tất cả những gì còn đang tồn tại chưa có giải pháp thực tế tháo gỡ, tôi cho rằng đề án đổi mới của Bộ Giáo dục chưa thực sự thuyết phục, nó không đi vào những điểm cụ thể, để thế giới họ vào đây là phải thấy ngay sự thay đổi. Xin nêu ngay một thí dụ điển hình là nếu 100 nghìn sinh viên Việt Nam học ở nước ngoài với chi phí bình quân 30 nghìn USD/năm thì đã lên tới 3 tỷ USD rồi, nếu chúng ta tổ chức đào tạo tốt thì đâu có mất nhiều tiền đổ ra nước ngoài thế.

Ấy thế mà vừa rồi Bộ còn quy định những trường quốc tế ở Việt Nam chỉ được nhận vài phần trăm học sinh người Việt, điều đó vừa làm cản trở sự đầu tư của các nước vào giáo dục ở Việt Nam, lại vừa cản trở cơ hội học tập ở môi trường hiện đại của học sinh Việt Nam. Chẳng lẽ những người có tiền là kẻ dốt nát không biết thẩm đình trường cho con à?

Tại sao trường quốc tế, trường tư học phí cao như thế mà họ vẫn cố cho con học, mà không vào mấy trường nhà nước cho rẻ? Vì họ là sản phẩm của nền giáo dục Việt nam già cỗi, và họ không muốn những hy vọng trong tương lai là con cái cũng phải chịu đựng điều đó”, TS Luận nói.

Diệu Linh