Bộ GD&ĐT phê duyệt chương trình phát triển ngành Sư phạm

14/12/2011 12:55
Thu Hòe
(GDVN) - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận vừa ký quyết định phê duyệt “Chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020”

Chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020, nhằm mục tiêu: Phát triển ngành sư phạm Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở các bậc giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và trung cấp chuyên nghiệp giai đoạn 2011-2020.

Xây dựng các trường ĐH sư phạm trở thành các trung tâm sáng tạo, đổi mới căn bản và toàn diện của ngành sư phạm cả nước.

Tăng cường sự gắn kết giữa hệ thống các trường, khoa sư phạm với hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và các cấp quản lý giáo dục để bảo đảm sự đồng bộ trong việc xây dựng và triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới và chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015.

Củng cố mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất của các trường sư phạm là mục tiêu chiến lược của ngành sư phạm và các trường sư phạm giai đoạn 2011- 2020
Củng cố mạng lưới cơ sở đào  tạo giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất của các trường sư phạm là mục tiêu chiến lược của ngành  sư phạm và các trường sư phạm giai đoạn 2011- 2020

Nội dung của Chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020 đã được Bộ trưởng phê duyệt tập trung các nội dung:

Thứ nhất, cần nhanh chóng củng cố mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên; tăng cường cơ sở vật chất của các trường sư phạm.

Cần đáp ứng đủ yêu cầu về giáo viên ở tất cả các bậc học
Cần đáp ứng đủ yêu cầu về giáo viên ở tất cả các bậc học

Thứ hai, đặt nhiệm vụ phát triển, nâng cấp  đội ngũ giảng viên ở các trường, các khoa đào tạo sư phạm trong các trường ĐH, CĐ làm nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2011 -2020. Mục tiêu đến năm 2015, 100% giảng viên ĐH sư phạm đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó ít nhất 20% đạt trình độ tiến sĩ; năm 2020, ít nhất có 45% giảng viên ĐH sư phạm đạt trình độ tiến sĩ.

Đến năm 2015, 50% giảng viên cao đẳng sư phạm đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó ít nhất 5% đạt trình độ tiến sĩ; đến năm 2020, ít nhất 80% đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó ít nhất 25% trình độ tiến sĩ. Tỷ lệ sinh viên/giảng viên các trường ĐH, CĐ sư phạm không quá 20/1 vào năm 2020.

Bên cạnh đó, cần cung cấp và đáp ứng đủ số lượng, cơ cấu giảng viên tại các trường, khoa sư phạm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục trong thời kỳ mới.

Thứ ba, đổi mới công tác quản lý và điều hành các cơ sở đào tạo giáo viên  cũng được xác định là nhiệm vụ quan trọng cần giải quyết triệt để trong giai đoạn 2011 – 2020, nhằm: Nâng cao chất lượng công tác quản lý các cơ sở đào tạo giáo viên thông qua việc tiến hành đồng bộ đổi mới quản lý ở cả 3 cấp học: trung ương, địa phương và cơ sở đào tạo giáo viên.

Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, trưởng khoa, phó trưởng khoa các trường ĐH, CĐ sư phạm phải qua chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục trước khi được bổ nhiệm hoặc trong vòng một năm sau khi bổ nhiệm.

Thứ tư, nâng cao vai trò của các trường sư phạm trong công tác phát triển đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên.

Đến năm 2020, cơ bản giáo viên mầm non, tiểu học có trình độ CĐ trở lên; giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông có trình độ ĐH, trong đó ít nhất 30% giáo viên trung học phổ thông có trình độ thạc sĩ trở lên, 100% hiệu trưởng các trường mầm non, phổ thông, giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên được bồi dưỡng nghiệp vụ theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đến năm 2020, cơ bản giáo viên mầm non phải có trình độ từ CĐ trở lên
Đến năm 2020, cơ bản giáo viên mầm non phải có trình độ từ CĐ trở lên

Tăng cường vai trò của các trường sư phạm trong công tác bồi dưỡng hiệu trưởng trường mầm non, phổ thông và giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên và công chức sở, phòng giáo dục và đào tạo (gọi chung là cán bộ quản lý giáo dục)

Với nhiệm vụ này, đến năm 2020, 100% cán bộ quản lý giáo dục phải có Chứng chỉ bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý giáo dục theo chương trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt; trên 20% hiệu trưởng, hiệu phó các trường mầm non, phổ thông và giám đốc, phó giám đốc các Trung tâm giáo dục thường xuyên có bằng Thạc sĩ quản lý giáo dục.

Một nhiệm vụ trọng tâm được Bộ trưởng phê duyệt là tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế của các trường sư phạm. Theo đó, cần đưa hoạt động nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học giáo dục, trở thành nhiệm vụ chính của các cơ sở đào tạo giáo viên.

Chiến lược phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm giai đoạn 2011 - 2020 coi trọng yếu tố con người
Chiến lược phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm giai đoạn 2011 - 2020 coi trọng yếu tố con người

Kiểm định chất lượng các trường sư phạm sẽ phải diễn ra thường xuyên định kỳ và có báo cáo cụ thể với Bộ.  Việc làm này nhằm, đánh giá và công bố định kỳ chất lượng các trường sư phạm, các chương trình đào tạo giáo viên, góp phần thực hiện "3 công khai", xây dựng chất lượng các trường sư phạm ngang tầm khu vực và quốc tế.

Chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020 sẽ được triển khai qua từng giai đoạn.  Cụ thể: Giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020. Mỗi một giai đoạn, ngành giáo dục sẽ tập trung để hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu đề ra trong từng giai đoạn.

Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình Phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020 được bố trí từ ngân sách nhà nước, các dự án do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý và các nguồn hợp pháp khác.

Thu Hòe