Bộ GD&ĐT sửa đáp án thi Đại học môn Lịch sử theo kiểu chắp vá?

19/07/2012 06:15
Đỗ Quyên Quyên
(GDVN) - Theo GS.TS Đỗ Thanh Bình - Giảng viên khoa Lịch sử - ĐH Sư phạm Hà Nội thì mỗi năm số người đạt điểm 0 môn Lịch sử tương đối nhiều, lý do không phải do giáo viên dạy tồi đi mà là vì đề thi đã làm khó thí sinh, các em viết lạc hết so với đáp án chứ không phải các em để giấy trắng
LTS: Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đáp án môn thi Lịch sử hệ đại học năm 2012, Báo Giáo dục Việt Nam nhận được phản hồi của một số giảng viên dạy sử, độc giả quan tâm về sai sót trong đáp án. GS.TS. Đỗ Thanh Bình, Khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận ra sai sót, có chỉnh sửa đáp án, nhưng còn làm theo kiểu chắp vá. Vì vậy, cần được bổ khuyết để rút kinh nghiệm cho những năm sau.

Điểm 0 môn sử do... đề làm khó thí sinh

Cũng theo ý kiến của GS.TS Đỗ Thanh Bình thì mỗi năm số người đạt điểm 0 môn Lịch sử tương đối nhiều, lý do không phải do giáo viên dạy tồi đi mà là vì đề thi đã làm khó thí sinh. Theo TS, các em viết lạc hết so với đáp án chứ không phải các em để giấy trắng. TS Đỗ Thanh Bình cho rằng, cần trả lời cho thỏa đáng ở mọi đề thi. Nhìn nhận về đáp án đề thi năm nay, TS có những giải đáp sau:

Câu 1: Câu trả lời và cách cho điểm của Bộ GD&ĐT vô lý

Đề thi môn lịch sử câu 1 có hỏi: "Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp đã có tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?"

Theo GS.TS Đỗ Thanh Bình, câu này trọng tâm là phân tích ảnh hưởng cuộc khai thác thuộc địa chứ không phải là nêu cuộc khai thác thuộc địa. Vì vậy cuộc khai thác thuộc địa chỉ là đặt nền để phân tích tác động của nó. Thí sinh phải khái quát ngắn gọn về cuộc khai thác như là lời dẫn mở đầu cho câu hỏi mà thôi. Quan trọng là nêu lên được những tác động về kinh tế theo chiều hướng tích cực và tiêu cực.

Cụ thể, theo ý nghĩa thích cực thì sự tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai làm cho cơ cấu kinh tế và trình độ phát triển nước ta phát triển nhanh, mạnh hơn trước, do được đầu tư về kỹ thuật, vốn, nhân lực. Nền kinh tế tư bản Việt Nam xuất hiện dần mở rộng, chuyển biến từ kinh tế phong kiến sang kinh tế tư bản chủ nghĩa, hòa nhập với kinh tế thế giới. Về tiêu cực: Nền kinh tế Việt Nam mất cân đối, mang tính chất cục bộ, chỉ ở một số vùng, còn bao trùm lên vẫn là nền kinh tế lạc hậu, phụ thuộc chặt chẽ vào nền kinh tế Pháp.
Như vậy, điểm chính của câu hỏi vẫn thuộc về tác động của khai thác thuộc địa vào nền kinh tế nước ta chứ không phải khái quát cuộc khai thác. Điều này cho thấy, cách trả lời và phân bố điểm thi giữa các ý trong câu 1 của Bộ GD&ĐT hoàn toàn không hợp lý.
GS.TS. Đỗ Thanh Bình, Khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội
GS.TS. Đỗ Thanh Bình, Khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội
Câu 3: Đáp án vênh nhiều với kiến thức chuẩn

Đề bài nêu ra: "Cuối tháng 3 năm 1975, Bộ chính trị đã có quyết định gì để hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam? Quyết định đó được đề ra dựa trên cơ sở nào? Tóm tắt chiến dịch Hồ Chí Minh?".

Trong câu hỏi này phải đặt ra 3 vấn đề cần trả lời: Thứ nhất: Tháng 3 năm 1975, Bộ chính trị Trung ương Đảng đã có quyết định gì để hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam? Thứ hai là quyết định đó được đề ra trên những cơ sở nào? Thứ ba cần tóm tắt diễn biến của chiến dịch Hồ Chí Minh. 

Trong phần cơ sở đề ra quyết định hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam phải nêu lên: Sau chiến thắng Phước Long hoặc sau cuối năm 1974, đầu năm 1975, tình hình so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng Việt Nam, Bộ chính trị đã đề ra cách mạng giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 hoặc 1976. Nhưng tháng 3 năm 1975, Bộ chính trị lại đưa ra quyết tâm chiến lược là giải phóng miền Nam ngay trong 1975. Trên cơ sở đó giải thích được lý do tại sao Bộ chính trị đã có quyết định để hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam. 

Trước ngày 10/3, ta mở chiến dịch Tây Nguyên, liên tiếp giành thắng lợi. Ta vừa thắng lớn ở Phước Long, bây giờ lại thắng lớn ở Tây Nguyên, chuyển cuộc kháng chiến sang giai đoạn mới từ tiến công chiến lược (Tây Nguyên) sang tổng tiến công chiến lược (toàn miền Nam). Trong cơ sở này cần phải nói quá trình chiến thắng Phước Long.

Diễn biến của chiến dịch Hồ Chí Minh đòi hỏi thí sinh thuộc bài, trình bày ngắn gọn là: Sau chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Bộ chính trị cho rằng thời cơ đã đến, quyết định giải phóng Sài Gòn - Gia Định được mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ý thứ hai ta phải làm rõ là ta tiến công Xuân Lộc, Phan Rang, căn cứ phòng thủ để bảo vệ Sài Gòn, sau đó mới đến đến diễn biến:
 
Ngày 26 - 4, quân ta được lệnh nổ súng mở đầu chiến dịch. Năm cánh quân vượt qua tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng. 

Ngày 30 - 4, quân ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ Nội các Sài Gòn. Dương Văn Minh - Tổng thống chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng không điều kiện. 

Như vậy, trong đáp án của Bộ GD&ĐT đã đi lệch khá xa nội dung trên.
Câu 4a. Đáp án "chắp ghép"

Đề thi Đại học nêu lên: "Khái quát chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời kì chiến tranh lạnh".

Theo TS Đỗ Thanh Bình, khi làm bài thí sinh cần nâng tầm vấn đề lên mức cao hơn chứ không phải chỉ nhặt ý trong SGK là đủ. Đáp án của Bộ GD&ĐT chỉ là sự chắp ghép giai đoạn trong SGK mà thôi, bằng cách chia ra các giai đoạn: Từ năm 1947 đến năm 1952, từ năm 1952 đến năm 1973, từ năm 1973 đến năm 1989.
Trong phần trả lời, thí sinh cần chú trọng nêu lên quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản (1978). Sự “trở về châu Á” là một nội dung quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản chưa đề cập đến trong đáp án.

Thí sinh cần nêu rõ: Từ năm 1952 đến năm 1973, Nhật Bản tiếp tục liên minh chặt chẽ với Mĩ (Hiệp ước An ninh Nhật Mỹ được kéo dài vĩnh viễn). Năm 1956, Nhật Bản bình thường hóa quan hệ với Liên Xô và tham gia Liên Hiệp Quốc. 

Từ đầu những năm 70, đặc biệt là nửa sau những năm 70 của thế kỷ XX, đường lối đối ngoại của Nhật Bản có sự điều chỉnh. Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tháng 9 năm 1973, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc năm 1973, ký hiệp ước hòa bình Nhật- Trung năm 1978.

Đặc biệt, thí sinh cần phải làm rõ, tháng 8 năm 1977, học thuyết Pucưda ra đời (Thủ tướng Phucưda đưa ra học thuyết của mình). Học thuyết này đánh dấu sự trở về Châu Á của Nhật Bản, vẫn coi trọng quan hệ với Mỹ và Tây Âu. Nội dung của học thuyết này là củng cố quan hệ Nhật Bản với các nước ASEAN và là bạn hàng lớn của các nước ASEAN.

Trong câu hỏi này, thí sinh cần lưu ý rằng, đề bài hỏi trong thời kỳ chiến tranh lạnh, cho nên chỉ trả lời đến học thuyết Pucưda mà thôi. Còn học thuyết Kaiphu ra đời 1991, học thuyết Miyadaoa ra đời năm 1993, học thuyết Hasimôtô ra đời 1997 là những học thuyết mới để tiếp tục theo học thuyết Pucưda trong hoàn cảnh mới (sau chiến tranh lạnh). Sau chiến tranh lạnh không nằm trong nội dung câu hỏi nên không được đưa nội dung này vào phần bài làm.

Đáp án Bộ GD&ĐT đưa cả cuộc đấu tranh của nhân dân Nhật Bản vào phân câu 4a,  nhưng cuộc đấu tranh nhân dân Nhật Bản là đối nội chứ đâu phải đối ngoại? Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có cắt ý này trong đáp án, nhưng vẫn gọi là "chắp vá" thôi chứ không đúng mang tính chất câu hỏi là khái quát. 

ĐÁP ÁN MÔN VĂN KHỐI C, D HỆ CAO ĐẲNG 2012 - ĐÁP ÁN MÔN SINH KHỐI B HỆ CAO ĐẲNG 2012 - ĐÁP ÁN MÔN VẬT LÝ KHỐI A, A1 HỆ CAO ĐẲNG 2012 - ĐÁP ÁN MÔN LỊCH SỬ KHỐI C HỆ CAO ĐẲNG 2012 - ĐÁP ÁN MÔN LỊCH SỬ KHỐI C HỆ CAO ĐẲNG 2012

Đỗ Quyên Quyên