Bộ Giáo dục cần đổi mới triệt để tư duy trước, rồi hãy tính làm sách giáo khoa

10/11/2017 07:42
Nguyễn Trọng Bình
(GDVN) - Muốn việc “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo” dục thành công thì nhất định phải thay đổi tư duy lẫn cung cách quản lý trong toàn ngành đặc biệt là từ Bộ.

1. Nếu chỉ đổi mới “Chương trình và sách giáo khoa phổ thông” thì không thể nói là “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”

Chủ trương và đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện” nền giáo dục nước nhà là vấn đề đã được Đảng, Nhà nước ra quyết sách từ lâu.

Về cơ bản cho đến nay không ai không biết chuyện này, đặc biệt là những người đang hoạt động trong ngành giáo dục.

Tuy vậy, qua quan sát những gì đang diễn ra trong thời điểm hiện tại, dường như công cuộc “Đổi mới căn bản và toàn diện” này chỉ được Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung triển khai ở một “phân khúc” mà thôi.

Đó là đổi mới “Chương trình và sách giáo khoa bậc phổ thông” mà thôi. Nếu như thế thì không thể gọi là “đổi mới căn bản và toàn diện” được. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trong hội nghị tổng kết chương trình, sách giáo khoa hiện hành. Ảnh: moet.gov.vn.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trong hội nghị tổng kết chương trình, sách giáo khoa hiện hành. Ảnh: moet.gov.vn.

Không những vậy, chính điều này đã và đang gây ra sự hoang mang và hoài nghi cho những ai quan tâm đến giáo dục nước nhà, đặc biệt là từ phía đội ngũ các thầy cô giáo.

Bởi lẽ, hiện tại tuy đề án đổi mới Chương trình và sách giáo khoa vẫn đang được các chuyên gia ngày đêm chuẩn bị, nhưng xem ra có quá nhiều vấn đề phát sinh.

Nếu không khắc phục những vấn đề này và chuẩn bị tốt ngay từ bây giờ thì không biết khi đưa vào áp dụng chính thức và đại trà sẽ như thế nào? 

Ví như, chỉ mỗi vấn đề dạy học theo quan điểm “tích hợp” trong dự thảo chương trình mới thôi mà cho đến nay không một chuyên gia đổi mới nào của Bộ đứng ra trình bày và diễn giải thật sự thuyết phục và làm thỏa mãn sự hiểu biết của các thầy cô giáo.

Cuộc trao đổi về chuyện dạy học tích hợp “3 thầy 1 sách” hay “1 sách 3 thầy” trên diễn đàn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thời gian qua đã cho thấy rất rõ điều đó. 

Không những vậy, chưa chi đã thấy xuất hiện tâm lý “đá quả bóng trách nhiệm” cho đội ngũ các thầy cô giáo (nếu như việc đổi mới chẳng may lại thêm một lần nữa thất bại) từ phía các nhà quản lý cũng như các chuyên gia đổi mới chương trình.

Hết ông Tổng chủ biên lại đến Tổng tư lệnh ngành không hiểu sao lại dám cả quyết (hay là than thở) như thế này:

“Chương trình có hay đến mấy mà giáo viên không có sự đổi mới và quyết tâm thì cũng sẽ không thành công” [1].

Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng hơn cả là vấn đề nhận thức và tư duy của những người làm công tác quản lý giáo dục (Bộ, Sở, Phòng…) hiện nay cũng là một rào cản và thách thức rất lớn cho việc đổi mới. 

Có thể thấy, thời gian qua, cũng trên diễn đàn của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có không biết bao nhiêu vấn đề, không biết câu hỏi được đặt ra từ phía các thầy cô giáo phổ thông.

Bộ Giáo dục cần đổi mới triệt để tư duy trước, rồi hãy tính làm sách giáo khoa ảnh 2

Từ "dấu ấn" tân Thứ trưởng tới kỳ vọng Bộ Giáo dục kiến tạo - phục vụ

Nhưng chúng tôi có cảm giác chẳng vấn đề nào được những người có trách nhiệm quan tâm, phản hồi hoặc giải quyết một cách căn cơ, rốt ráo. 

Nói khác đi, các thầy cô giáo ở phổ thông rồi đây sẽ phải gồng gánh để đảm đương trọng trách vô cùng lớn lao của công cuộc đổi mới, khi các chuyên gia đổi mới đã hoàn thành phần việc của họ.

Thế nhưng, oái oăm thay tiếng nói và vị thế của các thầy cô hiện nay lại là một nỗi xót xa và hổ thẹn vô cùng.

Làm quần quật, lương bổng chẳng bao nhiêu; trước những bất cập của ngành nhưng nói chẳng ai nghe, nhưng nếu việc dạy học không hiệu quả thì coi như mọi lỗi lầm phải tự gánh lấy…  

2. Triệt để thay đổi tư duy quản lý, tinh giảm biên chế, cụ thể hóa thông điệp “Chính phủ kiến tạo và phục vụ” 

Như nhiều lần người viết bài này đề cập, muốn công cuộc “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” nước nhà thành công (trong đó có việc đổi mới Chương trình và sách giáo khoa) thì:

Các cấp lãnh đạo và quản lý ngành giáo dục cần một cuộc tổng kiểm kê và rà soát tiến đến loại bỏ các loại hồ sơ sổ sách hành chính, các phong trào thi đua mang nặng tính thành tích và vô bổ;

Qua đó “giải phóng” các thầy cô giáo ra khỏi cái áp lực hành chính vô hình; trả lại thời gian và không gian để các thầy cô giáo tập trung và dồn hết tâm huyết cho hoạt động dạy học.  

Đây là vấn đề tối quan trọng đã được các thầy cô giáo với tư cách là những người trong cuộc lên tiếng rất nhiều lần.

Tuy vậy cho đến nay về cơ bản vẫn chưa cho thấy những thay đổi thật sự tích cực và hiệu quả từ những người lãnh đạo và quản lý. 

Hãy hình dung, về mặt chuyên môn các thầy cô giáo hiện nay có người phải sáng dạy theo mô hình VNEN (có địa phương vẫn chưa bỏ) chiều dạy theo kiểu truyền thống;

Vừa phải lo soạn bài giảng theo chương trình hiện hành vừa chuẩn bị tâm lý cho những buổi tập huấn và soạn bài theo chương trình đổi mới… 

Còn về công tác sự vụ hành chính và các hoạt động khác, thì các thầy cô giáo ở phổ thông hiện nay đang phải đối mặt với không biết bao nhiêu hồ sơ sổ sách, giáo án bài giảng, công tác chủ nhiệm;

Bộ Giáo dục cần đổi mới triệt để tư duy trước, rồi hãy tính làm sách giáo khoa ảnh 3

Thành bại của chương trình mới, xin đừng vội đá trách nhiệm xuống các thày cô

Họ phải tham gia các phong trào thi đua các cấp; bên cạnh đó là liên miên các cuộc họp lớn nhỏ trong và ngoài trường… 

Có thể thấy, cung cách quản lý như thế này đã kéo dài mấy chục năm rồi nhưng hiệu quả của nó thì như thế nào?

Giáo dục nước nhà nhìn chung vẫn lạc hậu và trì trệ. Thế thì tại sao không chịu thay đổi đi? 

 “Sản phẩm” của giáo dục là con người. Vậy nên việc kiểm tra hồ sơ sổ sách để làm gì?

Giáo viên nếu có ghi đúng hoặc ghi sai giờ dạy gì đó trong một cuốn sổ thì nói lên được vấn đề gì về chất lượng giáo dục nói chung?

Hay những hồ sơ từ năm học cũ nhưng khi các em học sinh lớp 12 ra trường rồi thì việc kiểm tra việc ghi chép kia sẽ tác động gì đến chất lượng dạy học của giáo viên?

Cơ sở khoa học và thực tiễn nào để nói rằng việc các “ông quan thanh tra” từ Bộ, Sở, Phòng giáo dục đến các trường xem hồ sơ sổ sách ghi chép thì có thể khẳng định thầy cô nào đó dạy tốt hay không?

Hiệu quả và chất lượng dạy học của các thầy cô giáo thực ra, chỉ có thể kiểm chứng qua sự trưởng thành về trí tuệ và nhân cách cũng như sự hài lòng, biết ơn, kính trọng từ phía các em học sinh cùng các quý phụ huynh.

Ngoài ra, tất cả chỉ là ngụy biện cho những cách làm thiếu khoa học. 

Một vấn đề nữa, lãnh đạo ngành giáo dục hãy tự vấn lại xem.

Hiện tại Chính phủ còn mạnh dạng xóa bỏ việc quản lý 95 triệu dân bằng cơ chế quản lý hộ khẩu và chứng minh nhân dân thì tại sao các thầy cô giáo lại phải đêm ngày lo đối phó với các cuộc thanh kiểm tra hồ sơ sổ sách giấy tờ từ phía các cơ quan quản lý? 

Quản lý giáo dục là phải làm sao qua đó kiểm soát được chất lượng giáo dục một cách trung thực chất.

Người lãnh đạo và quản lý thông minh là người luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để cấp dưới mình hoàn thành nhiệm vụ. 

Nhân loại sắp đi hết một phần tư của thế kỷ 21 rồi vậy mà ngành giáo dục nước nhà vẫn còn có không ít người cố “níu kéo” và không chịu thay đổi tư duy lẫn cung cách làm việc thủ công máy móc.

Thử hỏi như thế thì “đổi mới căn bản toàn diện” ở chỗ nào?

3. Thay lời kết

Bộ Giáo dục cần đổi mới triệt để tư duy trước, rồi hãy tính làm sách giáo khoa ảnh 4

Đổi mới giáo dục - chuyện tử tế của những người "gieo mầm văn hóa"

Tóm lại, nếu muốn việc “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo” dục thành công thì nhất định phải thay đổi tư duy lẫn cung cách quản lý trong toàn ngành đặc biệt là từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Lãnh đạo ngành giáo dục phải chân thành và nghiêm túc nhìn lại vai trò và chức năng quản lý điều hành của mình.

Hãy nghiêm túc tự vấn tại sao mấy mươi năm qua với một bộ máy quản lý cồng kềnh như vậy (Bộ Giáo dục và Đào tạo với 26 đơn vị trực thuộc; dưới Bộ là 63 Sở giáo dục cùng hàng ngàn Phòng ban quản lý địa phương trên khắp cả nước) nhưng chất lượng giáo dục nước nhà vẫn chứ giẫm chân tại chỗ? 

Riêng đối với đề án đổi mới Chương trình và sách giáo khoa sắp tới đây, các cơ quan quản lý trong ngành giáo dục cần khẩn trương thay đổi thái độ và cung cách làm việc;

Phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thầy cô giáo ở phổ thông toàn tâm toàn ý, một mặt, giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học theo chương trình và sách giáo khoa hiện hành;

Mặt khác, để họ có thời gian suy nghĩ và nghiên cứu chương trình và sách giáo khoa mới; sẵn sàng cho các cuộc tập huấn chắc chắn sẽ diễn ra… 

Làm được điều này cũng chính là góp phần cụ thể hóa thông điệp xây dựng một “Chính phủ kiến tạo và phục vụ” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Ngoài ra, cũng là dịp để toàn ngành giáo dục có “cơ hội” rà soát và mạnh dạng tinh giảm những đối tượng “sáng vác ô đi, tối vác về”

Một bộ máy quản lý đồ sộ và cồng kềnh nhưng làm việc kém hiệu quả, gây lãng phí thời gian, tiền bạc của Nhà nước thì còn lý do gì nữa mà không ra tay? 

Vậy nên, “thà đau một lần rồi thôi” còn hơn để nó đau âm ỉ và dây dưa đến suốt đời!?

Nguồn tham khảo:

[1]. “Bộ trưởng Nhạ: Các thầy cô đứng lớp sẽ được mời phản biện chương trình mới”. Xem tại:

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Bo-truong-Nha-Cac-thay-co-dung-lop-se-duoc-moi-phan-bien-chuong-trinh-moi-post180963.gd

[2]: “Ngành giáo dục cần tinh giảm bao nhiêu biên chế quản lý?”. Xem tại:

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Nganh-giao-duc-can-tinh-giam-bao-nhieu-bien-che-quan-ly-post180985.gd

[3]: “Cần cắt bỏ biên chế lực lượng nào trong giáo dục?”.  Xem tại:

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Can-cat-bo-bien-che-luc-luong-nao-trong-giao-duc-post181023.gd

[4]: “Đội ngũ “cầm tay chỉ việc” giáo viên từ phòng lên bộ có nên cắt bỏ?”.  Xem tại:

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Doi-ngu-cam-tay-chi-viec-giao-vien-tu-phong-len-bo-co-nen-cat-bo-post181065.gd

Nguyễn Trọng Bình