Bộ Giáo dục “đăng đàn” tại Quốc hội về Luật GD Đại học

02/11/2011 14:35
Tuấn Nguyễn
(GDVN) - Hôm nay, ngày 2/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Quốc hội Dự thảo Luật Giáo dục Đại học.
Ngay từ khi bắt đầu biên soạn, Dự thảo này đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân và các chuyên gia.

Đẩy mạnh cạnh tranh, tăng quyền tự chủ

Theo Bộ Giáo dục – đào tạo, dự thảo đề cập đến tất cả các vấn đề của giáo dục đại học, trong đó có những vấn đề lớn lâu nay được nói đến rất nhiều như phân tầng đại học, xã hội hoá giáo dục đại học, tự chủ đại học, kiểm định chất lượng đào tạo. Tất cả sẽ được luật hóa ở những mức độ khác nhau.

Tự chủ đại học là một trong những nội dung được quan tâm nhất và cũng là nội dung mới mẻ nhất tại Dự thảo Luật Giáo dục Đại học. Nói như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thì đây là văn bản quy định rộng rãi nhất quyền tự chủ của các trường so với các văn bản pháp luật và văn bản chỉ đạo từ trước đến nay.

Theo Dự thảo này, các trường sẽ được tự chủ về xác định chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh, chương trình đào tạo, in và cấp phôi bằng. Tuy nhiên, cũng theo Dự thảo Luật Giáo dục Đại học, việc trao quyền tự chủ sẽ thực hiện theo lộ trình, tùy năng lực từng trường.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục – đào tạo Bùi Văn Ga, Bộ không giao quyền tự chủ đồng loạt vì hiện nay, các trường có sự phân tầng, trường mạnh, yếu khác nhau, giao quyền tự chủ hoàn toàn cho các trường sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn. Vì thế, tự chủ phải dựa trên điều kiện năng lực từng trường, dựa trên kết quả kiểm định chất lượng.

Cũng theo Thứ trưởng Ga, hiện nay tính trách nhiệm của các trường còn yếu. Khi xảy ra xung đột lợi ích giữa trường và sinh viên, hai bên không tự giải quyết được mà đều phải do Bộ đứng ra.

Sự giao quyền tự chủ phụ thuộc vào kết quả kiểm định chất lượng. Điều này sẽ khuyến khích các trường nâng cao khả năng cạnh tranh để được giao quyền tự chủ nhiều hơn.

Bên cạnh việc phân loại trong giao quyền tự chủ, Bộ sẽ giao cho các trường tự chủ in ấn phôi bằng. Khi đó, mỗi trường sẽ có một bằng khác nhau, bằng gắn với chất lượng đào tạo, thương hiệu của từng trường. Bộ cũng sẽ tiến hành xếp hạng các trường.

Khi đó, về mặt pháp lý là giá trị ngang nhau nhưng nhà tuyển dụng có thể nhìn vào bằng để đánh giá chất lượng sinh viên. “Đây cũng là một yếu tố buộc các trường phải đầu tư về chất lượng, nếu không, ‘sản phẩm’ đào tạo không được sử dụng, sẽ không thu hút được người học”, ông Ga nói.

Tuy nhiên, trước đó nhiều chuyên gia giáo dục đã chỉ rõ: Dự thảo luật GDĐH chưa triệt tiêu được cơ chế "xin - cho" đang làm nảy sinh tiêu cực trong hoạt động quản lý giáo dục đại học. Cơ chế xin - cho này thể hiện rõ nhất ở việc Bộ mới là người lựa chọn trường được tự chủ, trường không được, chứ không phải là chính các trường. Lẽ ra xã hội sẽ tự nhận biết và tự đào thải trường tốt trường xấu thì Bộ lại tự cho mình quyền đề ra tiêu chí và tự thẩm định. Bộ khẳng định rằng "về mặt pháp lý, giá trị bằng của các trường như nhau" nhưng thực tế thì Bộ lại mâu thuẫn khi cho mình cái quyền phân loại trường.

Vẫn nhiều kẽ hở

Dự thảo Luật Giáo dục Đại học đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia.

Tuy đánh giá cao về tính cởi mở trong các điều khoản của Dự thảo nhưng Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết vẫn nhiều trăn trở.

Theo ông, còn một số vấn đề mà Dự thảo Luật cần phải kiện toàn hơn nữa. Chẳng hạn như vấn đề hội đồng trường. Bản thân ông đã nhiều lần góp ý với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chủ tịch hội đồng trường không thể là hiệu trưởng vì như thế là vừa đá bóng vừa thổi còi.

 “Lập ra hội đồng trường để giám sát công việc của ban giám hiệu nhưng hiệu trưởng là chủ tịch hội đồng trường thì ai dám nói gì? Nếu cứ để kiêm nhiệm thì không làm được”, ông Thuyết nói.

Tuy nhiên, trong bản Dự thảo trình Quốc hội, Bộ vẫn quy định chủ tịch hội đồng trường là hiệu trưởng, giám đốc trường, học viện.

Đây cũng là ý kiến của ông Nguyễn Quang Kính, nguyên Chánh văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo ông Kính, hội đồng trường có nhiệm vụ thẩm định chiến lược, kế hoạch, giám sát các hoạt động của ban giám hiệu, nghĩa là hội đồng trương là nơi cân bằng quyền lực với ban giám hiệu. Nhưng với quy định của Bộ thì hội đồng trường không thể đảm nhiệm được vai trò này.

Quan tâm hơn đến vấn đề tự chủ đại học, Giáo sư Phạm Minh Hạc lo ngại rằng việc quy định giao quyền tự chủ tùy theo năng lực của từng trường có thể sẽ làm nảy sinh tiêu cực.

“Không thể để các trường tự chủ đồng loạt, nhưng Bộ cần phải làm rõ những trường như thế nào thì được tự chủ, tự chủ ở mức độ nào. Chỉ nói tùy theo năng lực là hơi mung lung. Nếu khái niệm này không được làm rõ thì sẽ dễ bị lợi dụng”, ông Hạc nói.

Còn theo ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Dự thảo Luật cần làm rõ hơn khái niệm trường vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận. Đặc biệt, nếu trường vì lợi nhuận, thì phải quy định mức lợi nhuận như thế nào.

 “Luật Giáo dục Đại học phải làm rõ bằng được điều này, trên cơ sở đó, chúng ta sẽ có chính sách để ưu tiên phát triển các đại học phi lợi nhuận, tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư vào phát triển giáo dục đại học với lợi nhuận hợp lý,” ông Thi nói.
Tuấn Nguyễn