Bộ Giáo dục giải thích về "ngoại ngữ thứ nhất" và "ngoại ngữ thứ hai"

23/09/2016 08:28
Thùy Linh
(GDVN) - Chiều 22/9, Bộ GD&ĐT phản hồi thông tin về dự kiến thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung Quốc như ngoại ngữ thứ nhất trong trường phổ thông.

Theo giải thích của Bộ GD&ĐT, “ngoại ngữ thứ nhất” là ngoại ngữ bắt buộc. 

Quy định của Chương trình giáo dục phổ thông ban hành năm 2006 cho phép học sinh được lựa chọn 1 trong 4 ngoại ngữ: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc làm ngoại ngữ thứ nhất. 

Năm 2011, Bộ GD&ĐT bổ sung quy định về việc Tiếng Nhật được dạy và học trong trường phổ thông như ngoại ngữ thứ nhất hoặc ngoại ngữ thứ hai tùy theo nhu cầu và lựa chọn của các địa phương và trường học.

Còn “ngoại ngữ thứ hai” là ngoại ngữ tự chọn, không bắt buộc, tùy theo nhu cầu của người học và điều kiện dạy học, các trường phổ thông có thể bố trí dạy học đáp ứng nhu cầu của học sinh. 

Bộ GD&ĐT phản hồi thông tin về dự kiến thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung Quốc (Ảnh: vov.vn)
Bộ GD&ĐT phản hồi thông tin về dự kiến thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung Quốc (Ảnh: vov.vn)

Căn cứ vào ngoại ngữ thứ nhất, học sinh có thể chọn một trong năm ngoại ngữ nói trên là ngoại ngữ thứ hai. 

Ví dụ, học sinh đã học tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất thì có thể chọn học tiếng Nga hoặc tiếng Pháp hoặc tiếng Nhật hoặc tiếng Trung Quốc như ngoại ngữ thứ hai. 

Gần đây, tiếng Đức và tiếng Hàn được Bộ GD-ĐT cho phép dạy học thí điểm như ngoại ngữ thứ hai ở các địa phương, trường học có nhu cầu và có đủ điều kiện dạy - học.

Bộ Giáo dục giải thích về "ngoại ngữ thứ nhất" và "ngoại ngữ thứ hai" ảnh 2

Khó khăn lớn nhất của đề án giáo dục có giá hơn 9.000 tỷ đồng gặp phải là gì?

(GDVN) - Đề án “Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” đã đi được 2/3 chặng đường nhưng kết quả đạt được so với mục tiêu khá xa vời.

Theo Quyết định 1400/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, một trong những nhiệm vụ của Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020" là:

"Xây dựng và triển khai chương trình mới đào tạo ngoại ngữ bắt buộc ở cấp học phổ thông đạt các bậc trình độ như sau: tốt nghiệp tiểu học đạt trình độ bậc 1 theo Khung năng lực ngoại ngữ; tốt nghiệp trung học đạt trình độ bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ; tốt nghiệp trung học phổ thông đạt trình độ bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ.

Tổ chức xây dựng các chương trình ngoại ngữ phổ thông 10 năm, bắt đầu từ lớp 3 đến lớp 12, biên soạn sách giáo khoa, tài liệu học tập, giảng dạy, phù hợp với quy định về năng lực trình độ của mỗi cấp, lớp học. Khuyến khích các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng, thực hiện các chương trình song ngữ, bồi dưỡng nâng cao trong các cơ sở của mình.

Ngoài chương trình đào tạo môn ngoại ngữ bắt buộc (ngoại ngữ 1), học sinh có thể tự chọn học thêm một ngoại ngữ khác (ngoại ngữ 2). Việc bố trí dạy môn ngoại ngữ 2 chỉ thực hiện từ lớp 6 đến lớp 12 với trình độ đạt tương đương bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông
".

Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đã trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT kế hoạch triển khai giai đoạn 2016-2020, trong đó có hoạt động xây dựng chương trình môn học Tiếng Nga, Tiếng Trung Quốc theo chương trình mới - hệ 10 năm như đã xây dựng đối với tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nhật. 

Việc xây dựng chương trình này nhằm đảm bảo người học khi hoàn thành chương trình tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt được các chuẩn đầu ra quy định theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam đã được ban hành.

Thùy Linh