Bộ Giáo dục muốn vận dụng thì phải biết chọn lọc

30/07/2015 06:38
Phan Tuyết
(GDVN) - Mô hình trường học mới có nhiều ưu điểm nhưng khi đưa vào áp dụng đại trà trong giáo dục của chúng ta cũng nên chọn lọc tránh tình trạng “họ sao mình vậy”.

LTS: Ngay sau khi Dự thảo Điều lệ trường Tiểu học được công bố đã gây ra nhiều tranh cãi với những ý kiến đóng góp trái chiều.

Bàn về vấn đề này, cô giáo Phan Tuyết (giáo viên Tiểu học) mạnh dạn chỉ ra những bất cập với mong muốn được đóng góp ý kiến để mô hình VNEN đạt được những kì vọng đã đặt ra. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết. 

Mấy ngày gần đây, dư luận đang dậy sóng vì các danh xưng trong lớp học. Quản lý lớp học là “Hội đồng tự quản học sinh” gồm một Chủ tịch và hai phó Chủ tịch cùng các “Ban”: Ban học tập; Ban quyền lợi; Ban sức khỏe, vệ sinh; Ban văn nghệ, thể dục; Ban thư viện; Ban đối ngoại…

Đây chính là cách thức tổ chức lớp học được thay đổi theo mô hình trường học mới VNEN đã được áp dụng vào dạy học trong mấy năm vừa qua.

Mô hình trường học mới khởi nguồn từ Colombia để dạy học trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn theo nguyên tắc “lấy học sinh làm trung tâm”. 

Vì dạy học sinh ở vùng miền núi khó khăn lại là học sinh lớp ghép nên chắc chắn sĩ số từng lớp học không nhiều. 

Khi áp dụng vào giáo dục của nước ta cũng nên chọn lọc những mặt ưu điểm, phù hợp mới mong có sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng dạy và học của thầy và trò. Nhưng vận dụng một cách rập khuôn, máy móc kết quả sẽ là ngược lại.

Những điểm chưa phù hợp

Ngay như tên gọi “Hội đồng tự quản học sinh” gồm có Chủ tịch và hai phó Chủ tịch, trưởng các ban… cũng đủ thấy làm rối rắm tổ chức lớp học. 

Công việc của Chủ tịch và hai phó Chủ tịch, trưởng các ban chẳng khác gì lớp trưởng, lớp phó và các tổ trưởng trước đây.

Điểm nổi bật của mô hình VNEN “lấy học sinh làm trung tâm” (Ảnh: Xuân Trung)
Điểm nổi bật của mô hình VNEN “lấy học sinh làm trung tâm” (Ảnh: Xuân Trung)

Những đứa trẻ lớp 1, 2 “vắt mũi chưa sạch” nhưng luôn lấy làm tự hào vì được gọi với cái tên quá “hoành tráng” như thế. 

Nhiều phụ huynh cũng lấy làm hãnh diện về con. Các em được thể “ra oai” với bạn bè…vô tình nuôi dưỡng tính háo thắng, háo danh ngay từ khi các em còn nhỏ.

Áp dụng chương trình VNEN vào dạy học, điểm nổi bật của mô hình mới này là “Lấy học sinh làm trung tâm”, các em được ngồi học theo nhóm, chủ động tìm tòi kiến thức. 

Giáo viên chỉ là người định hướng, dẫn dắt, quan sát, theo dõi, để giúp đỡ các em giải quyết những vướng mắc khi cần.

Mô hình này chỉ thật sự hiệu quả khi lớp học nhiều nhất khoảng 25 em. Trong khi đó, học sinh của ta có nơi một lớp lên đến gần 60 em. 

Áp dụng phương pháp tự học là chính, học sinh phải có sự chuẩn bị bài ở nhà kĩ trước khi lên lớp, phải có sự quan tâm, giúp đỡ của các bậc phụ huynh nhưng ở các vùng quê khó khăn, cha mẹ luôn phó thác việc học cho Nhà trường. 

Những học sinh thông minh, nhanh nhạy học theo phương pháp này sẽ trở nên tự tin hơn nhiều ngược lại những em chậm, học kém “càng ngày càng học dốt” đó là lời nhận định của không ít giáo viên trực tiếp đứng lớp.

Bộ Giáo dục muốn vận dụng thì phải biết chọn lọc ảnh 2

Học sinh làm chủ tịch: Quan trọng học sinh có hứng thú hay không?

(GDVN) - Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về tên gọi “chủ tịch và phó chủ tịch” thay cho chức danh “lớp trưởng”, liệu thuật ngữ này có biến đổi suy nghĩ của trẻ?

Vì ngồi học theo nhóm, có nhóm trưởng quản lý.

Kế hoạch học tập được giáo viên phát xuống, các nhóm thi nhau làm để lên báo cáo, cắm cờ khi nhóm mình về đích trước. 

Vì có sự thi đua giữa các nhóm nên không tránh khỏi việc đưa bài cho bạn chép, nói cho bạn cách làm…Trong khi thầy cô không thể nào quán xuyến hết vì các nhóm quá đông. 

Nói là thảo luận chỉ vài ba em học khá giỏi biết tham gia vào hoạt động nhóm còn những em khác ngồi chơi và chờ đợi vì “có biết gì đâu mà nói”.

Dạy học sinh yếu giảng nhiều đôi khi chưa hiểu, nhưng áp dụng phương pháp dạy học mới này, giáo viên giảng xem như nói nhiều.

Mô hình trường học mới cũng có nhiều ưu điểm nhưng khi đưa vào áp dụng đại trà trong giáo dục của chúng ta cũng nên chọn lọc những điểm thật sự phù hợp và linh hoạt trong cách vận dụng ở từng vùng miền trong cả nước, tránh tình trạng “họ sao mình vậy” mới mong đạt được những kì vọng mong muốn.

Phan Tuyết