Bộ đã nắm được "6 điểm trũng" của giáo dục Lạng Sơn

18/03/2017 07:38
Tin, ảnh: Bích Ngọc
(GDVN) - Ngày 16/3, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Lạng Sơn.

Ngày 16/3, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Lạng Sơn. 

Tại đây, Bộ trưởng đánh giá cao tinh thần và quyết tâm đổi mới của ngành giáo dục địa phương, trong đó cách tiếp cận với một nền giáo dục thực chất là một trong những điểm đáng chú ý của giáo dục Lạng Sơn.

6 điểm “trũng” của giáo dục Lạng Sơn

Tại cuộc làm việc với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn Phạm Ngọc Thường đã nêu ra trong 6 điểm “trũng” của giáo dục Lạng Sơn. 

Đó là cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu. Biên chế giáo viên chưa được giao theo đúng định hướng của Bộ, gây khó khăn cho chi thường xuyên và dẫn tới hạn chế chất lượng dạy và học.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Lạng Sơn.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Lạng Sơn.

Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng Lạng Sơn chưa có điểm sáng trong giáo dục đào tạo. Chất lượng giáo dục phổ thông chưa đạt yêu cầu, đặc biệt chất lượng giảng dạy ngoại ngữ (môn tiếng Anh). 

Cụ thể phổ điểm thi trung học phổ thông năm học 2015 - 2016 của tỉnh Lạng Sơn đứng gần chót toàn quốc, trong đó môn tiếng Anh có điểm bình quân thấp nhất. 

Lí giải điều này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn cho rằng, tính tự học, tự vươn lên của giáo viên chưa cao. Chất lượng đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ hạn chế.

Mới đây ngành Giáo dục Lạng Sơn đã tổ chức đánh giá năng lực nghề nghiệp của giáo viên trong toàn tỉnh, kết quả số giáo viên đạt xuất sắc chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn. 

Khả năng ứng dụng công nghệ thông tin hạn chế, hệ thống giáo dục thường xuyên chủ yếu là bổ túc văn hóa, chưa phát huy được hết công năng, chức năng của giáo dục thường xuyên cũng là hai điểm hạn chế của giáo dục Lạng Sơn.

Gỡ khó từ đội ngũ giáo viên

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ghi nhận và đánh giá cao cách tiếp cận giáo dục thực chất, thắng thắn để cùng tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn của tỉnh Lạng Sơn. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gặp gỡ, trò chuyện với các thầy cô giáo và học sinh tại Lạng Sơn.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gặp gỡ, trò chuyện với các thầy cô giáo và học sinh tại Lạng Sơn.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đi sâu phân tích các nhiệm vụ và giải pháp chiến lược của địa phương cùng với hướng tháo gỡ khó khăn trong quá trình đổi mới. 

Trong đó nhấn mạnh, chất lượng giáo viên là nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp phát triển giáo dục, do vậy tỉnh cần đặc biệt quan tâm tới nhiệm vụ này, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài. 

Thực tế hiện nay số lượng và cơ cấu giáo viên đang có nhiều biến động. Đặc biệt, sau khi đưa chương trình, sách giáo khoa mới vào giảng dạy biến động sẽ còn gia tăng hơn nữa. 

Chính vì vậy, tỉnh cần có lộ trình chuẩn bị, không chỉ về cơ sở vật chất, tài chính mà cả về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, quy hoạch trường lớp học sao cho khoa học để đón đầu, đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đạo tạo địa phương.” - Bộ trưởng lưu ý.

Nhiệm vụ này, theo Bộ trưởng phải gắn với định hướng phát triển Trường Cao đẳng Sư phạm của tỉnh. 

Có thể theo hướng thành lập phân hiệu của một trường sư phạm uy tín trong vùng, khi phát triển đủ mạnh có thể nâng cấp thành trường đại học của tỉnh. 

Trước mắt trường sẽ trở thành vệ tinh, hỗ trợ cho các trường đại học sư phạm có uy tín trong vùng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho địa phương.

Lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất

Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn đang bước đầu triển khai rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục.

Lạng Sơn cần đẩy mạnh dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.
Lạng Sơn cần đẩy mạnh dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.

Về vấn đề này, Bộ trưởng đề nghị tỉnh phải căn cứ vào các chuẩn, quy chuẩn Bộ sắp ban hành để có kế hoạch cụ thể đối với hai nhóm chất lượng: đại trà thuộc trách nhiệm đầu tư của địa phương và chất lượng cao theo hướng xã hội hóa để nâng cao chất lượng giáo dục và làm giảm áp lực về biên chế giáo viên, nguồn lực đầu tư. 

Cùng với đó là củng cố hệ thống các trường Phổ thông dân tộc nội trú, Phổ thông dân tộc bán trú theo nguyên tắc trung ương đầu tư, địa phương hỗ trợ để nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc.

Bộ trưởng cho biết, sắp tới Trung ương sẽ dành một phần ngân sách để hỗ trợ các địa phương khó khăn. 

Tuy nhiên, tỉnh phải chú trọng đến yếu tố vùng miền, xây dựng trường lớp phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng trong tỉnh sao cho sử dụng hiệu quả nhất các nguồn vốn đầu tư. 

Đồng thời phải lồng ghép với các nguồn vốn khác, với nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp.

Bộ đã nắm được "6 điểm trũng" của giáo dục Lạng Sơn ảnh 4

Giáo dục, đào tạo Thừa Thiên Huế cần có vị trí tương xứng hơn nữa

Tỉnh cần đẩy mạnh thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin để xóa bỏ khoảng cách về địa lý giữa các vùng, các trường, tạo cơ hội để giáo viên và học sinh vùng cao, vùng sâu có điều kiện được tiếp thu, học tập các kiến thức, kỹ năng.

Với công tác giảng dạy ngoại ngữ, Bộ trưởng cho rằng là tỉnh biên giới, bên cạnh việc học ngoại ngữ số một là tiếng Anh, Lạng Sơn có thể cho học sinh đăng ký học tiếng Trung nhưng không bắt buộc. 

Tuy nhiên vẫn phải đặt ra nhiệm vụ trước tiên là đẩy mạnh dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị tỉnh Lạng Sơn quan tâm hơn nữa đến công tác tư vấn, hướng nghiệp và phân luồng học sinh. 

Có kế hoạch bố trí cán bộ tâm lý tư vấn tại các nhà trường để giúp các em có được tâm lý vững vàng trước những biến động của lứa tuổi. 

Đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp để mỗi học sinh hiểu rằng, đại học không phải là con đường duy nhất để bước vào đời.

Hướng nghiệp không phải cứ nói là làm được mà phải kèm theo những giải pháp về truyền thông và về tâm lý” - Bộ trưởng nêu rõ.

Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Lạng Sơn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và các thành viên trong đoàn công tác đã đến tìm hiểu thực tế quá trình học tập của một Trường liên cấp Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở xã Bình Trung, huyện Cao Lộc và tặng quà cho học sinh ở đây.

Tin, ảnh: Bích Ngọc