Bỏ người yêu, bỏ nơi phồn hoa, cô giáo đến với học sinh “làng cùi”

20/11/2012 06:07
Xuân Trung
(GDVN) - Đó là câu chuyện thật 100%, cô giáo Hà Thị Thu Oanh là một trong những giáo viên của TP. Đà Nẵng dám bỏ người yêu, bỏ nơi phồn hoa để đến với các em nhỏ nơi “làng cùi”.
“Làng cùi” tên gọi khác của làng phong Hòa Vân – quận Liên Chiểu – TP Đà Nẵng, cái tên nghe thật lạ nhưng cũng hàm chứa nhiều sự gian chuân, khó khăn đối với bất cứ ai muốn đến đó. Ấy vậy, biết trước những khó khăn, những cản trở chờ đón mình phía trước nhưng đối với cô giáo Hà Thị Thu Oanh đó chỉ là những vật cản nhỏ nhoi để cô đến với các em học sinh  là con của những bệnh nhân phong, trong đó có những em đang mắc bệnh này. 
Tốt nghiệp Trường THSP Thanh Khê (Đà Nẵng) năm 1987, được phân công công tác tại Trường PTCS Tiên Lãng – Tiên Phước (Quảng Nam) được 3 năm. Sau đó cô Oanh chuyển đến trường tiểu học Hải Vân nhưng dạy tại cơ sở 2 thôn Hòa Vang  -TP. Đà Nẵng, ngày 15/9/2002 trưởng bị giải tỏa cô cùng các học trò của mình sát nhập về trường Hùng Vương (Phường Hòa Vang – Q. Liên Chiểu – TP. Đà Nẵng).

Mặc dù ra trường năm 1987 nhưng số năm công tác trong ngành giáo dục được 22 năm. Cuộc đời cô nếu không có sự biến động lớn thì bây giờ cô đang công tác tại một nơi có điều kiện đầy đủ, đời sống không đến mức khó khăn như hiện nay.
Cô Hà Thị Thu Oanh luôn mong mỏi học trò làng phong của mình tiếp tục sống có ích, cố hiến cho xã hội được nhiều hơn nữa.
Cô Hà Thị Thu Oanh luôn mong mỏi học trò làng phong của mình tiếp tục sống có ích, cố hiến cho xã hội được nhiều hơn nữa. 
Chô Hà Thị Thu Oanh nhớ lại, vào mùa hè năm 1988-1989 trong một lần từ Hòa Vang ra Liên Chiểu thăm bà con người thân, cũng chỉ là ra chơi nhưng khi được tiếp xúc với các em nhỏ, có đôi lần dạy thử các em là con của những bệnh nhân phong ngoài này thì tình cảm, tâm hồn cô dường như đã thuộc về nơi đây. Và, thời điểm cuối những năm 1990 là quãng thời gian khó khăn về tinh thần nhất đối với cô.

“Lúc đó mình về có nói với gia đình, nói với người yêu rằng sẽ ra làng phong dạy học. Tin như sét đánh, cả gia đình, người yêu nhất quyết không cho mình ra ngoài đó dạy, cũng chỉ nghe đồn bệnh này có khả năng lây rất lớn. Mình đã giải thích, thuyết phục bằng  mọi cách nhưng vẫn không nhận được sự đồng cảm. Lúc đó buồn lắm, cứ nghĩ tới các em ngoài đó sống,ăn ở và học tập thiếu thốn  mình không cầm lòng được. Thôi thì cái duyên, cái nghiệp đã theo mình, mình quyết định chia tay người yêu, xin lỗi bố mẹ để được ra ngoài làng Vân – nơi có những đứa trẻ con của bệnh nhân phong còn thiếu thốn con chữ, đó là Trường THCS Hòa Hiệp” cô Oanh bộc bạch.
Thời gian đầu ra với làng Vân, một sự khó khăn bao trùm, lớp cô Oanh chỉ có 8 học sinh nhưng hoàn cảnh những em học sinh này rất khó khăn. Cuộc sống ở đây còn lạnh lẽo lắm, không có tivi, không có radio, không có chợ mọi thông tin đều mù tịt. Dạy một lớp học mà toát mồ hôi.

“Mình được đào tạo chỉ dạy một lớp thôi, nhưng khi ra ngoài đó phải dạy lớp ghép, đó là cái khó khăn nhất, vừa làm vừa học, một lớp chia làm ba trình độ, một bảng chi làm hai, một bảng khác để cuối lớp. Cô giáo phải chạy lên chạy xuống để dạy các em. Dạy khó nhất để các em không bị phân tâm, thời gian đầu vào học đối với các em là rất khó khăn, nhưng đến năm thứ hai khi các em đã quen thì phần ai nấy học. Tới giờ sinh hoạt lớp cô giáo sẽ cho sinh hoạt chung”, cô Oanh chia sẻ.

Mỗi tuần, nếu không bận việc cô chỉ có hơn một ngày thứ 7 được về với gia đình với quãng đường hơn 30 km. Từ trường ra tới đường để bắt xe để về phương tiện đi lại chủ yếu là đi bộ men theo hầm Hải Vân. Mỗi lần đi về lại phải đối mặt với nhiều hiểm nguy trên đường đi. “Chỉ hơn 1km thôi nhưng đoạn hầm này là đường tàu đi lại, nếu không quen rất nguy hiểm, mỗi lần có tàu mình phải căn để ép cơ thể vào vách hầm tránh tàu”, cô Oanh nói.

Dạy học xa nhà, tiền lương dành dụm đấy nhưng không biết tiêu vào việc gì, nói vui như lời cô Oanh là không có chỗ để tiêu tiền, đành để dành về thành phố tiêu một thể. 

Cho tới bây giờ cô Oanh tâm sự thật rằng, cảm thấy quyết định ra đó là quyết định không sai lầm. Hối tiếc thì không hối tiếc nhưng hơi buồn, phải cần nhiều thời gian để gia đình và người thân hiểu công việc của cô làm.
 
Sau giờ lên lớp là niềm vui về với gia đình nhỏ bé của mình vơi hai đứa con, một trai, một gái hiện đang học tiểu học. Công việc ở trường bận bịu, nhiều là thế nên cô chỉ có buổi tối mới dành chút thời gian cho các con của  mình. Và điều đơn giản khiến cô giáo Oanh vui nhất là học sinh của mình được trưởng thành, có ích cho xã hội, những ngày 20/11 hàng năm học sinh gửi tới cô những lời chúc tri ân nhất. Phần thưởng mà Đảng và Nhà nước, Bộ GD&ĐT phong tặng cho cô trong dịp tôn vinh các nhà giáo đã có cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà là một phần thưởng vô giá, nhưng mừng đấy, lo đấy vì sau những niềm vui ngắn ngủi cô lại quay về với nghiệp dạy người của mình, mong cho từng học trò trưởng thành,  giúp ích được cho xã hội, đó mới thực sự là niềm vui dài lâu. 
Xuân Trung