Bổ nhiệm hiệu trưởng, tóm lại là phải qua thi tuyển

03/02/2019 06:55
Thùy Linh
(GDVN) - Bổ nhiệm hiệu trưởng phải thực hiện qua hình thức thi tuyển, có như vậy sẽ tạo một bước tiến mới trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý.

Theo dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lộ trình áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông mới là: Năm học 2020-2021 đối với lớp 1; Năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; Năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; Năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; Năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Như vậy chỉ còn 2 năm nữa, ngành giáo dục chính thức triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nhưng trên thực tế đến nay nhiều chuyên gia, giáo viên vẫn băn khoăn về những thách thức, khó khăn nếu không có giải pháp khắc phục trước, chắc chắn sẽ hạn chế nhiều kết quả thực hiện chương trình này.

Mỗi ngày, học trò tiểu học lên lớp không quá 7 tiết

Riêng về công tác quản lý và cán bộ quản lý, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Tùng Lâm - người từng nhiều năm ở cương vị hiệu trưởng một trường trung học phổ thông ở Hà Nội cho rằng:

Trước đây, chúng ta vẫn lựa chọn những người giỏi chuyên môn, có uy tín để bổ nhiệm làm hiệu trưởng, sau khi bổ nhiệm rồi mới cử đi học bồi dưỡng, thậm chí có nhiều hiệu trưởng đến lúc về hưu vẫn chưa qua lớp bồi dưỡng nào. 

Mặc dù thời gian gần đây, việc bồi dưỡng hiệu trưởng đã được quan tâm hơn, nhiều cán bộ nguồn (quy hoạch) đã được cử đi học bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm. Song khác với các nhà quản lý ở những lĩnh vực khác, hiệu trưởng không phải chỉ là nhà quản lý bình thường mà còn phải là nhà sư phạm, nhà giáo dục nên sẽ tạo ra những tác động lớn tới nhân cách đội ngũ giáo viên và nhân cách học trò. 

Do đó, cần đẩy mạnh thực hiện dân chủ trong trường học trong đó, có việc bổ nhiệm hiệu trưởng phải thực hiện qua hình thức thi tuyển, có như vậy sẽ tạo nên một bước tiến mới trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục.

Theo nhiều chuyên gia, giáo viên, bổ nhiệm hiệu trưởng phải thực hiện qua hình thức thi tuyển, có như vậy sẽ tạo một bước tiến mới trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý. (Ảnh minh họa: Tấn Tài/giaoduc.net.vn)
Theo nhiều chuyên gia, giáo viên, bổ nhiệm hiệu trưởng phải thực hiện qua hình thức thi tuyển, có như vậy sẽ tạo một bước tiến mới trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý. (Ảnh minh họa: Tấn Tài/giaoduc.net.vn)

Đồng tình với quan điểm này, thầy Trần Mạnh Tùng – giáo viên trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, song song với quá trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa thì việc phải chuẩn hóa các tiêu chuẩn đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên sẽ góp phần vào công cuộc đổi mới căn bản toàn diện của ngành giáo dục. 

Từ xưa đến nay, chúng ta đánh giá cán bộ quản lý thường dựa theo phong trào thi đua thông qua cơ sở vật chất, một số hoạt động bề nổi của cơ sở giáo dục đó mà chưa tập trung vào những vấn đề năng lực, phẩm chất cũng như năng lực sư phạm của hiệu trưởng. 

Bổ nhiệm hiệu trưởng, tóm lại là phải qua thi tuyển ảnh 2Giải quyết được vấn đề hiệu trưởng là giáo dục sẽ phát triển

Trước xu thế phát triển và hội nhập với những yêu cầu ngày càng cao, các hoạt động của nhà trường thay đổi nhanh chóng trong khi vai trò của người hiệu trưởng vừa là người quản lý vừa là lãnh đạo nên cần có bản lĩnh, tầm nhìn để dẫn dắt tập thể, chính vì vậy, thầy Tùng cho rằng, việc đánh giá, tuyển dụng bổ nhiệm hiệu trưởng cần phải thực hiện qua hình thức thi tuyển. 

Qua thi tuyển vừa khách quan lại vừa đánh giá được năng lực của cán bộ trong việc giải quyết những vấn đề đang được đặt ra của cơ sở giáo dục đó.

“Hơn nữa, hiện nay việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập.

Hầu hết ở các địa phương, cơ quan chuyên môn là Sở, Phòng giáo dục và Đào tạo không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu.

Rõ ràng, ai sử dụng thì người đó phải là người tuyển. Chứ tuyển dụng giáo viên, hiệu trưởng mà giao hoàn toàn do Bộ Nội vụ là hoàn toàn không hợp lý. 

Do đó, cần có sự phối hợp giữa ngành Nội vụ, ngành Giáo dục và Đào tạo và chính quyền địa phương để làm sao ngành giáo dục có bước chủ động trong vấn đề tuyển dụng”, thầy Tùng đề xuất. 








Thùy Linh