Bộ sẽ tiếp cận những vấn đề bức xúc nhất và giải quyết được!

26/09/2017 08:10
Trinh Phúc
(GDVN) - Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: “Sửa đổi Luật Giáo dục Đại học phải mở rộng được tự chủ đại học để phát huy sáng tạo của nhà trường”.

Tại buổi Tọa đàm đóng góp ý kiến sửa đổi về các luật giáo dục do Hiệp hội các trường Đại học Cao Đẳng Việt Nam tổ chức tại Trường Đại học Thăng Long, Hà Nội vào ngày 21/9, Bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã có những chia sẻ về quan điểm của Bộ trong lần sửa đổi Luật giáo dục Đại học tới đây.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học phát biểu tại buổi tọa đàm (ảnh Trinh Phúc).
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học phát biểu tại buổi tọa đàm (ảnh Trinh Phúc).

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng đến tháng 1 năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trình dự thảo luật lên Chính phủ.

Trong dự luật này, Bộ dự kiến đưa vào 4 chính sách lớn. Thứ nhất phải mở rộng được tự chủ đại học, nâng cao được quy định tự chủ đại học để phát huy năng lực sáng tạo của nhà trường.

Thứ 2 phải nâng cao và có cơ chế quản trị đại học phù hợp, đáp ứng được nhu cầu quản trị đại học trong giai đoạn tới.

Thứ 3, chính sách quản lý đào tạo phải thay đổi để phù hợp với thông lệ thế giới về nội dung, tiêu chuẩn, những vấn đề phân loại, xếp hạng, khung trình độ quốc gia và bộ khung cơ cấu hệ thống quốc dân và Chính phủ ban hành.

Thứ 4, vấn đề về quản lý nhà nước trong tự chủ đại học sẽ thay đổi cơ bản.

Bộ sẽ tiếp cận những vấn đề bức xúc nhất và giải quyết được! ảnh 2Tại sao cứ mãi phân biệt sinh viên trường công với trường tư?

Bà Phụng cho rằng: “Vai trò cơ quan nhà nước trong tự chủ đại học là đưa ra hệ thống chuẩn về quản lý chất lượng, quy trình quản lý, cơ chế quản lý…

Trên cơ sở các tiêu chuẩn, chất lượng, các trường chủ động xác định chính sách chất lượng và vận hành bộ máy theo chính sách chất lượng và tiêu chuẩn chất lượng chung.

Nhà nước sẽ kiểm định chất lượng, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Yêu cầu các trường phải minh bạch thông tin để xã hội giám sát và người học lựa chọn.

Đó là cơ sở, nguyên tắc chung của quản lý nhà nước trong cơ chế đại học tự chủ. Chứ không đi vào các vấn đề quản trị của các trường.

Còn vai trò giám sát tối cao thuộc về Quốc hội, các tổ chức xã hội, các cơ quan công luận rồi chính giáo viên học sinh của nhà trường”.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học còn cho rằng: “Vai trò của cộng đồng xã hội tham gia quản lý giám sát hệ thống giáo dục đại học như thế nào Bộ cũng chuyển tải vào dự thảo Luật Giáo dục Đại học sắp tới.

Tuy nhiên, đây chỉ là lần sửa đổi, có nhiều ý kiến kỳ vọng vào lần này để thay đổi nhiều vấn đề nhưng ở lần sửa đổi Bộ sẽ có cách tiếp cận phù hợp.

Cách tiếp cận của Bộ vừa có tính kế thừa, phát triển nhưng phải hiệu quả. Hiệu quả ở đây thể hiện những sửa đổi tiếp cận được những vấn đề bức xúc nhất và giải quyết được để đạt được tự chủ đại học, đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học”.

Bộ sẽ tiếp cận những vấn đề bức xúc nhất và giải quyết được! ảnh 3Bộ sẽ đưa xếp hạng vào Luật Giáo dục đại học sửa đổi

Cũng theo Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, “Trong lần sửa đổi Luật Giáo dục Đại học lần này, có thể có những nội dung chúng ta sẽ không sửa đổi được hết.

Ví dụ như việc thay đổi tất cả các điều luật theo hướng làm ra đạo luật mới. Trong khi việc trình vào tháng 5 và thông qua tháng 10 năm 2018 rất gấp nên khó đạt hết được những kỳ vọng.

Ngoài ra, hiện có rất nhiều cách tiếp cận khác còn phải bàn tiếp như việc tiếp cận hướng theo luật khung hay pháp điển hóa những nội dung đã được quy định ở các văn bản dưới luật đã ổn định.

Nhưng có ý kiến cũng cho rằng, Luật Giáo dục Đại học không áp dụng chi tiết mà chỉ quy định khung thôi.

Việc này, có mặt tốt nhưng cũng có mặt trái là việc các cơ quan quản lý cho mình quá nhiều quyền. Bộ cho rằng, việc pháp điển hóa những văn bản dưới luật, những quy định đã ổn định cũng tốt.

Nhưng, theo hướng này nếu không lựa chọn tốt, không lựa chọn đúng dễ dẫn đến những cái chưa được ổn định, chưa được thực tế kiểm nhiệm mà đưa vào tạo nên sự không ổn định cho giáo dục đại học”.

Một vấn đề được quan tâm hiện nay là việc bình đẳng giữa đại học tư thục với đại học công lập, giữa sinh viên trường công và trường tư. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết: “Việc thay thế cơ chế cấp phát làm sao bình đẳng giữa các trường, bình đẳng giữa người học trường công và trường tư sẽ được đưa vào Luật tới đây.

Thế nhưng, thay đổi lại cơ chế cấp phát sẽ khác với việc khi đã được cấp phát kinh phí nhà nước có quyền chi phối hoạt động.

Tất cả những vấn đề này sẽ còn nhiều nội dung để bàn”.

Trinh Phúc