Bỏ thi tốt nghiệp THPT: Sẽ "cởi trói" hay gộp 2 kỳ thi thành 1?

06/08/2013 08:29
Ngọc Quang
(GDVN) - TS Nguyễn Tiến Luận – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Nguyễn Trãi nhận định, cần thay đổi cách thức tổ chức thi tốt nghiệp PTTH và vẫn tổ chức thi vào đại học. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng – Hiệu trưởng ĐH Lương Thế Vinh thì cho rằng, nên gộp thi tốt nghiệp THPT và thi đại học thành một.
Nền giáo dục cần được "cởi trói"

Theo quan điểm của TS Nguyễn Tiến Luận – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Nguyễn Trãi, thay đổi cách thức tổ chức thi tốt nghiệp PTTH là cần thiết, vì bao nhiêu năm qua Bộ Giáo dục dù đã hết sức cố gắng nhưng cũng không kiểm soát hết được tiêu cực, quả bóng trách nhiệm luôn được các tỉnh đẩy ngược lại cho Bộ.

“Tôi nghĩ rằng nền giao quyền tự chủ cho các tỉnh, các Sở Giáo dục, từ đó địa phương sẽ có trách nhiệm kiểm soát các trường, tiêu cực ở đâu xử lý ở đó, Bộ chỉ đóng vai trò kiểm soát mục tiêu và giám sát các địa phương. Với tình hình hiện nay, hai kỳ thi sát nhau mà cứ gây áp lực nặng cho các em là không cần thiết, cho nên hết lớp 12 hãy để các em thi tốt nghiệp nhẹ nhàng hơn. Nếu giao quyền tự chủ, thì các tỉnh có thể tự ấn định ngày thi, không cần phải tổ chức cùng một ngày như hiện nay nữa”, ông Luận nói.

Trước đó, khi Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nêu con số tốt nghiệp hàng năm đều trên 95% và nhắc nhở về vấn đề quản lý, xem xét có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp PTTH hay không, nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực đã lên tiếng ủng hộ.

TS. Nguyễn Tiến Luận - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Nguyễn Trãi.
TS. Nguyễn Tiến Luận - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Nguyễn Trãi.


Tuy nhiên, những quan điểm không đồng ý bỏ kỳ thi tốt nghiệp PTTH tỏ ra lo lắng, vì sau 12 năm học cần phải có kỳ thi đánh giá chất lượng bậc phổ thông, đó là giai đoạn quan trọng trong quá trình đào tạo.

TS Luận bày tỏ: “Tôi nghĩ nếu quyết tâm làm thì Bộ Giáo dục sẽ có cách kiểm soát và giao trách nhiệm cụ thể cho địa phương, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu Sở Giáo dục, gắn với trách nhiệm của các lãnh đạo các quận, huyện và hiệu trưởng các trường. Lâu nay, ở đâu đó có tiêu cực nhưng rồi cuối cùng tỉnh chỉ đạo Sở, Sở chỉ đạo trường, kể cả có lực lượng an ninh phối hợp, làm rõ rồi thì xử lý thế nào? Tôi nghĩ là các quy định, chế tài hiện nay chưa thật nghiêm, cho nên tiêu cực vẫn xảy ra là dễ hiểu”.

Trước những lo ngại, nếu kỳ thi tốt nghiệp PTTH trở nên nhẹ nhàng hơn thì chất lượng giáo dục phổ thông có thể kém đi? TS Nguyễn Tiến Luận nhận định: “Ai cũng phải chú trọng chuyên sâu vào các môn thi vào đại học, vì thế không cần lo chất lượng giáo dục phổ thông kém đi. Song song với việc điều chỉnh kỳ thi này thì chương trình học cũng cần thay đổi, chúng ta không thể bắt học sinh theo chương trình quá nặng kiến thức thế này trong khi không có tí kỹ năng nào cho cuộc sống, vào đại học mà em nào cũng lơ ngơ, đây chính là điểm yếu rất rõ nếu so sánh học sinh Việt Nam với các nước phát triển. Ở PTTH phải sớm chia nhánh để các em có lựa chọn, học tiếp lên đại học hoặc học nghề.

Còn đối với đầu vào đại học, tôi không nghĩ chất lượng sẽ giảm đi, mà bản thân các trường đại học sẽ phải tự kiểm soát đầu vào để tuyển chọn được sinh viên phù hợp với định hướng đào tạo, trường nào làm không tốt thì tự khắc phải rút lui. Xã hội ngày nay rất mở, thông tin đa chiều, cho nên các em và gia đình có nhiều kênh thông tin để biết được trường nào đào tạo tốt, trường nào không tốt”.
Có nên gộp thi đại học và THPT?
PGS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Hùng – Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội (Hiện là Hiệu trưởng ĐH Lương Thế Vinh) đưa ra nhận định, nên gộp thi tốt nghiệp PTTH và thi Đại học vào một lần.

“Tôi nghĩ sau 12 năm học mà không thi thì đánh giá thế nào được chất lượng dạy và học? Tổ chức thi mà bây giờ còn tiêu cực tràn lan như vậy, nếu không thi thì còn thế nào? Nhưng tổ chức hai kỳ thi cách nhau hơn một tháng như vậy quả là có quá nhiều áp lực cho học sinh, và áp lực cho cả xã hội, vì vậy nên lấy kỳ thi tốt nghiệp THPT làm chuẩn, thi thật nghiêm túc và phải đưa cả giảng viên ở đại học xuống phối hợp trong kỳ thi này”, PGS Hùng nói.

PGS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng ĐH Lương Thế Vinh.
PGS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng ĐH Lương Thế Vinh.

PGS Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng, chương trình và cách tổ chức thi hiện nay không còn phù hợp, quá nặng về kiến thức nhưng không có kỹ năng, do đó học sinh thi tốt nghiệp xong lại quên kiến thức.

“Chương trình và các bài thi hiện nay đa phần chỉ đánh giá kiến thức, ép học sinh phải học thuộc, phải nhớ, chứ không có phương pháp tự tiếp tận, tự nghiên cứu để có nền tảng tốt trước khi vào Đại học...”, PGS Hùng bày tỏ băn khoăn.

Ngoài ra, PGS Nguyễn Văn Hùng cũng đặt câu hỏi: Trong bối cảnh hiện nay tại sao vấn đề tuyển sinh lại khó khăn và phức tạp tới vậy? Thực sự có sự công bằng giữa các trường công lập và ngoài công lập chưa?

“Tôi khẳng định là chưa công bằng. Hiện nay một số tỉnh không nhận sinh viên tốt nghiệp các trường ngoài công lập vào làm việc đã là thiếu công bằng rồi. Còn ngay tại thời điểm thi đầu vào đại học, hai em chỉ chênh nhau 0,5 điểm nhưng một em vào học trường công lập được nhà nước hỗ trợ, học phí thấp; trong khi đó những em khác học trường ngoài công lập cũng là con em công dân, cũng phải đóng thuế, cũng là công dân tương lai lại không được hỗ trợ gì. Sự bất cập, bất bình đẳng ấy sẽ dẫn đến nhiều bất cập sau này”, PGS Hùng nói.

Ngọc Quang