Bộ trưởng Phạm Vũ Luận báo cáo về Kỳ thi quốc gia với Quốc hội

23/09/2014 12:32
Xuân Trung
(GDVN) - Sáng nay (23/9), trưởng Bộ GD&ĐT giải trình nhiều vấn đề của kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng theo kiến nghị của Quốc hội và cử tri.

Phiên giải trình do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức. 

Trước các câu hỏi của nhiều đại biểu tại phiên giải trình như việc tiến hành Kỳ thi quốc gia với hai mục đích (xét công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng), ngoài những lợi ích và ưu thế đó thì Bộ GD&ĐT có lường trước được những khó khăn, bất cập của phương án thi mới này, những điểm khó khăn và hướng khắc phục là gì? 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận báo cáo về Kỳ thi quốc gia với Quốc hội ảnh 1

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải đáp nhiều vấn đề trong phiên giải trình với Quốc hội và cử tri. Ảnh GDTĐ.

Dư luận băn khoăn đề thi đánh giá với 4 mức độ đảm bảo độ phân hóa học sinh, vậy công tác chuẩn bị để có được ngân hàng đề thi theo hướng này như thế nào? Bộ Giáo dục cần làm gì để học sinh, giáo viên đỡ hoang mang?

Ông Phạm Vũ Luận –Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết về công tác đảm bảo tính chặt chẽ của Kỳ thi quốc gia, hướng tổ chức kỳ thi ở tất cả các chỗ đều đảm bảo công bằng; Bộ giao các trường đại học tổ chức cụm thi, còn việc giám sát, thanh tra, kiểm tra Bộ sẽ làm, chưa loại trừ các trường đại học, cao đẳng tham gia vào thi để đảm bảo kỳ thi được tin cậy.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận báo cáo về Kỳ thi quốc gia với Quốc hội ảnh 2Hướng dẫn cách lấy điểm thi Quốc gia để tuyển sinh Đại học

(GDVN) - Chuẩn bị cho công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng 2015, các trường đại học có sử dụng kết quả Kỳ thi quốc gia phải xác định các môn thi dùng để xét tuyển.

Ông Luận cũng nói, một số tỉnh miền núi, phía bắc, nhiều học sinh không có nhu cầu đi lại, bắt các em đi lại quá xa xôi gây ra nhiều khó khăn, nhưng trên quan điểm các địa phương phải chấn chỉnh để kỳ thi nghiêm túc, để không có chuyện dễ dãi, tiêu cực.

Cũng theo người đứng đầu ngành giáo dục, đổi mới sẽ gặp không ít khó khăn và trở ngại, khó khăn nhất là sức ì và thói quen, bởi trong ngành giáo dục lối truyền thụ kiến thức một chiều đã đi vào máu thịt. Do đó, làm sao để 2 triệu thầy cô, 20 triệu học sinh, phụ huynh cùng thống nhất theo hướng đổi mới là việc quyết tâm phải làm.

Liên quan tới đề thi của Kỳ thi quốc gia sắp tới sẽ được thực hiện như thế nào, ông Phạm Vũ Luận cho hay, đây là bí mật quốc gia, cách làm không nói cụ thể như thế nào nhưng sẽ chủ động hoàn toàn khâu này. 

Một điều khẳng định từ Bộ trưởng Luận, việc có thay đổi trong đề thi sẽ không làm cho học sinh bị sốc, gây khó khăn, bất ngờ, lúng túng cho người học mà chỉ có tác động tích cực trên hướng như kỳ thi năm 2014. Theo đó, học sinh không thể học thuộc lòng, mà đề thi sẽ nhấn mạnh vào khâu kiểm tra năng lực, nhận thức, hiểu biết của người học. Đề thi sẽ có mức độ phân hóa hợp lý, khó và rất khó. 

“Chúng tôi không gộp 2 kỳ thi làm một, tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để làm 2 việc công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh đại học. Âm hưởng là một phương án tổ chức thi theo cụm để giải quyết các cháu miền núi không thi đại học” ông Luận cho biết.
 
Trước băn khoăn của nhiều đại biểu về việc thi ngoại ngữ sẽ tiến hành miễn thi cho một số đối tượng có chứng chỉ ngoại ngữ, điều này có lường trước được vấn đề bùng phát các trung tâm ngoại ngữ để thí sinh mua?

Ông Luận cho biết, sẽ miễn thi cho một số đối tượng như học sinh đạt giải Olympic, có chứng chỉ quốc tế có độ tin cậy cao, vấn đề này sẽ có công bố cụ thể và sẽ rất hạn chế đối tượng. Khẳng định lại, ông Luận cho biết vấn đề này sẽ không buông lỏng để tràn lan chứng chỉ của trung tâm này, trung tâm kia.

Được biết, sau phiên giải trình sáng nay, buổi chiều Bộ GD&ĐT sẽ tiến ành thảo luận kỹ về phương án thi quốc gia, thống nhất với các trường đại học, cao đẳng, các sở GD&ĐT trong cả nước, lắng nghe ý kiến từ cơ sở. Những nội dung thảo luận chiều nay sẽ được đưa ra thảo luận công khai từ xã hội một thời gian để lấy ý kiến rộng rãi.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin cụ thể về phiên giải trình sáng nay. 

Xuân Trung