Bộ trưởng Phạm Vũ Luận “chia sẻ” khó khăn với giáo viên vùng cao

08/03/2012 06:00
Xuân Trung
(GDVN) - Nhiều câu hỏi trong lĩnh vực giáo dục mầm non, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, mặc dù đã có phụ cấp nhưng giáo viên vùng cao còn khó khăn nhiều.

Bao giờ lương giáo viên vùng cao mới đủ sống?

Câu chuyện giáo viên vùng cao đứng bản, gieo từng con chữ đã là hình tượng đáng trân trọng, một hình ảnh đẹp của nhà giáo. Thế nhưng, thực tế nhiều vùng, nhiều nơi giáo viên vùng cao còn muôn vàn khó khăn.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cũng phải xác nhận: “Mặc dù đã có một số phụ cấp với giáo viên, với vùng cao đã có phụ cấp thu hút, cao nhất lên tới 70%. Tuy nhiên, những khó khăn của các thầy cô, của học sinh tại các vùng khó khăn vẫn còn rất nhiều. Tôi xin chia sẻ những khó khăn này”.
Buổi đối thoại trực tuyến của Bộ trưởng Luận đã thu hút được dư luận quan tâm. Ảnh Xuân Trung
Buổi đối thoại trực tuyến của Bộ trưởng Luận đã thu hút được dư luận quan tâm. Ảnh Xuân Trung
Theo Bộ trưởng thì, Chính phủ đang xây dựng chính sách tiền lương mới, các bộ, ngành đang xem xét, đề xuất chính sách đặc thù đối với thầy cô, học sinh, sinh viên, các đối tượng ưu tiên. Tuy nhiên, chính sách này vẫn phải đặt trong mặt bằng chung với các đối tượng khác như lực lượng vũ trang.

Chính sách đặc thù đối với học sinh, giáo viên vùng cao khó khăn là thế, chuyện cơ sở vật chất tại những vùng này đang thiếu thốn. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, năm 2012 Chính phủ đã dành một phần kinh phí đáng kể, khoảng 1.600 tỷ đồng cho chương trình kiên cố hóa lớp học, đây là sự quan tâm lớn dù so với nhu cầu là chưa đủ. Nhiều trường học vùng sâu, vùng xa chưa có tới nhà công vụ, giáo viên phải ở nhờ nhà dân, ở cạnh lớp học.

“Để giải quyết vấn đề nhà ở công vụ phải làm từng bước vì nhu cầu lớn, kinh phí thì dù rất quan tâm nhưng cũng chưa thể đáp ứng hết được. Chúng tôi sẽ cùng các địa phương triển khai nghiêm túc, tích cực chương trình kiên cố hóa nhà công vụ và trường lớp của Chính phủ” Bộ trưởng Luận cho biết.

Chị Nguyễn Thị Hà, một giáo viên mầm non của tỉnh miền núi đặt câu hỏi thẳng cho Bộ trưởng: “Thưa Bộ trưởng, giáo viên mầm non như chúng tôi hiện nay đang rất khó khăn,  Bộ có chính sách ưu đãi gì không? Trợ cấp như thế nào? Giáo viên mầm non cần được biên chế hết trong năm nay có được không?”
Bộ  trưởng Luận thừa nhận những khó khăn mà giáo viên mầm non thường gặp như: thời gian làm việc hơn 8 tiếng, thu nhập rất thấp, giáo viên ngoài công lập còn thấp hơn…
“Để khắc phục vấn đề này, Bộ đã ban hành định mức làm việc của giáo viên mầm non, để các cô không phải làm việc căng thẳng như vậy. Bộ đang tiếp thu ý kiến để có  biên chế bảo mẫu. Chúng tôi biết các địa phương đều có bàn bạc để từng bước chuyển giáo viên mầm non tại các vùng khó khăn từ khu vực ngoài công lập vào công lập, giải quyết chế độ chính sách nhưng chuyển như thế nào phụ thuộc vào khả năng của từng tỉnh, thành phố” Bộ trưởng trả lời.
Sẽ được truy lĩnh phụ cấp thâm niên từ 1/5/2012.

“Thông tư về phụ cấp thâm niên đã được 4 Bộ ban hành, có hiệu lực từ ngày 20/2, giáo viên sẽ được truy lĩnh từ 1/5/2011. Chúng tôi muốn ban hành sớm nhất, nhưng do có tới 4 Bộ tham gia ban hành, nội dung lại liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, nên mặc dù các Bộ, ngành làm rất nghiêm túc, rất quyết tâm, nhưng có thể một phần do năng lực, phần lớn do cơ chế, nên triển khai chưa được nhanh”

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

Vẫn “nóng” chuyện xếp  hàng đến trường

Trước điều kiện khó khăn đối với ngành giáo dục, như cơ sở trường lớp còn thiếu, nhất là ở khu đô thị, những chung cư cao tầng, ở đó có nhiều gia đình trẻ sinh sống, nhiều trẻ nhỏ, cơ sở cũ không còn đáp ứng được yêu cầu. Do vậy, chuyện mấy năm qua phụ huynh, ông bà, anh chị  phải xếp hàng mong có một suất cho con mình vào học tại các trường công lập.
Cũng trong buổi đối thoại trực tuyến hôm qua, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ những  nguyên nhân dẫn đến  tình trạng trên, một trong những yếu tố là điều kiện đảm bảo chất lượng của nhà trường chênh lệch nhau. Hiện có những cơ sở khang  trang, đầy đủ, thầy cô giáo tốt, ngược lại có những cơ sở còn thiếu thốn, thầy cô giáo chưa đảm bảo chuẩn. Chênh lệch về điều kiện đảm bảo chất lượng như vậy cũng dẫn đến việc nhu cầu được đi học, được vào trường công học, được vào trường tốt, được học thầy cô giáo giỏi, chính  yếu tố đó tạo nên sự căng thẳng.
Theo Bộ GD&ĐT, để khắc phục tình trạng này cần có sự phối hợp với các tỉnh, thành phố triển khai việc đạt chuẩn cho các trường, đạt chuẩn giáo viên…để làm sao mức chênh lệch giữa các cơ sở giáo dục giảm dần đi. “Về vấn đề này, chúng tôi cũng đã chủ động làm việc với hai thành phố Hà Nội và TPHCM.

Được biết, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội và TPHCM đã bàn và có giải pháp quyết liệt để chấm dứt nhanh tình trạng này” Bộ trưởng Luận thông tin.
Mạnh dạn thay đổi!

“Mạnh dạn đổi mới toàn bộ sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy, hãy dạy bằng thực hành, hình ảnh, video clip, mẩu chuyện, tình huống thực tế..., như vậy sẽ dễ nhớ và sẽ nhớ sẽ hiểu rất lâu. Đừng cho chúng cháu học bằng những cuốn sách mà chỉ có chữ và những câu hỏi bài toán khó hiểu và phi thực tế nữa. Lấy 5 môn học làm '' xương sống'': Văn, Sử, Toán, tiếng Anh, Kỹ năng sống - Đạo đức - Pháp luật.

Môn Toán hết sức quan trọng, nhưng tránh tình trạng học sâu xa như các nhà nghiên cứu, học những kiến thức quá khó và thiếu ứng dụng. Môn Toán nên có phần bắt buộc và phần tự chọn để phục vụ cho các học sinh có nhu cầu nghiên cứu Toán và các học sinh bình thường.

Về các môn Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, cũng quan trọng, nhưng theo cháu, chỉ cần đạt mức độ hiểu biết cơ bản để hiểu được thế giới sống vận động ra sao, giải thích các hiện tượng  xung quanh là đủ ( bằng hiểu biết chứ không phải là học thuộc lòng, học vẹt, kiểm tra xong là quên sạch ). Các môn này nên nằm trong phần tự chọn, ai muốn học chuyên sâu thì học, không thì có chương trình nhẹ nhàng để học”.

Một  học sinh lớp 12 hiến kế cải cách nền Giáo dục.

Xuân Trung