Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đứng trước nhiều thách thức của kỳ thi quốc gia

23/09/2014 15:28
Xuân Trung
(GDVN) - Nhiều câu hỏi của Đại biểu Quốc hội gửi tới Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trong phiên giải trình sáng nay, điều thể hiện xã hội đang kỳ vọng lớn ở Kỳ thi quốc gia.

Sáng nay 23/9, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015. 

Tại đây, hều hết các đại biểu tán thành phương án thi của Bộ GD&ĐT nhưng vẫn còn quá nhiều vấn đề băn khoăn, lo lắng mà các đại biểu yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phải trả lời rõ. Trong đó, vấn đề tổ chức thi theo cụm là vấn đề mà các đại biểu băn khoăn nhất.

Những câu hỏi “nóng” cho Bộ trưởng

Ông Lê Minh Thông, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đồng ý còn quá sớm để nói sẽ thành công hay không của kỳ thi quốc gia, nhưng theo ông Thông chúng ta phải làm, có làm mới có kinh nghiệm, mới đổi mới được, và phải đổi mới thì mới phát hiện những thiết sót để tiếp tục sửa đổi. Vì vậy, không nên băn khoăn, hoài nghi nhiều, mà phải làm ngay một kỳ thi.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đứng trước nhiều thách thức của kỳ thi quốc gia ảnh 1

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trong phiên giải trình sáng nay. Ảnh Quốc Hùng

Tuy nhiên ông Thông còn băn khoăn vì đây là vấn đề lớn, tác động lớn đến toàn xã hội, vì vậy phải làm rõ nhiều điều. Trong phương án thi quốc gia sẽ có thi theo cụm, vì vậy đại biểu Lê Minh Thông hỏi Bộ trưởng: “sẽ có những loại cụm nào, Bộ trưởng phải sớm công bố cho xã hội biết việc tổ chức theo cụm sẽ như thế nào? Tiêu chí nào để tổ chức theo cụm cũng như tiêu chí nào để chọn các đại học được chủ trì cụm thi?”.

Về điều kiện xét tốt nghiệp, điểm học lớp 12 chiếm bao nhiêu % trong tổng điểm việc xét tuyển, Bộ kiểm soát việc cho điểm học ở lớp 12 thế nào để không bảo đảm tiêu cực, vì các trường cho điểm là rất khác nhau?

Các trường đại học được quyền xác định phương án tuyển sinh khác, vậy mối quan hệ của các trường với kỳ thi quốc gia này ra sao, nếu mỗi trường làm một kiểu thì sẽ phá vỡ mục đích 2 trong 1 của kỳ thi. Có quy định các trường thế nào với kỳ thi quốc gia này?

Ông Huỳnh Thành Đạt, đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh ủng hộ phương án thi quốc gia và cho rằng dư luận, các trường đã sẵn sàng đón nhận, hoàn toàn có thể tổ chức khả thi trong năm 2015. Mặt khác, cần tăng cường công tác truyền thông để tạo đồng thuận trong xã hội.

Tuy nhiên, như nhiều đại biểu khác, ông Huỳnh Thành Đạt băn khoăn về việc tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ. Có ngưỡng nào để khống chế đầu vào?. Một thí sinh có thể đăng ký để xét tuyển tất cả các trường hay không, vậy giải quyết vấn đề hồ sơ ảo ra sao?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đứng trước nhiều thách thức của kỳ thi quốc gia ảnh 2

Hướng dẫn cách lấy điểm thi Quốc gia để tuyển sinh Đại học

(GDVN) - Chuẩn bị cho công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng 2015, các trường đại học có sử dụng kết quả Kỳ thi quốc gia phải xác định các môn thi dùng để xét tuyển.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Bích Nhiệm, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái tán thành phương án thi quốc gia. Theo đại biểu Nhiệm, nếu hầu hết các trường ĐH, CĐ tuyển sinh riêng thì sao? Vậy có phải sau 12 năm thi 3 chung nay lại trở về tuyển sinh riêng, như vậy rất tốn kém hay không?

Bà Hoàng Thị Hoa, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng tán thành phải thay đổi thi cử. Bà Hoa cho biết, chúng ta nói không gộp 2 kỳ thi nhưng bản chất là gộp. 

Tuy nhiên, bà Hoa còn băn khoăn: “Bộ trưởng nói thay đổi lớn nhất là nằm ở đề thi. Bộ GD&ĐT báo cáo đã hỏi ý kiến hơn 1 triệu người, trong đó hơn 900.000 là học sinh, ngoài ra là giáo viên, các sở, các tỉnh. Kỳ thi này trách nhiệm của UBND các tỉnh là rất rõ, vậy Bộ đã hỏi ý kiến các tỉnh chưa?. Thành phần hỏi đã đủ chưa, nội dung hỏi đã toàn diện chưa?

Tổ chức cụm thi, dự báo có những cụm thi có tới 30- 40 ngàn thí sinh. Nếu cụm thi ở tỉnh có số lượng thí sinh đông như vậy thì áp lực rất lớn, bộ đã tính toán chưa?

Trong buổi sáng phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận tiếp tục nhận được nhiều câu hỏi khác cũng không kém phần cấp thiết. Đại biểu Dương Trung Quốc đặt vấn đề, thi là phải bảo đảm công bằng nhất, nghiêm nhất. Theo đại biểu, chúng ta đang chỉ bàn làm sao để thí sinh thi thuận lợi nhất, vậy có nhất thiết phải thi thành cụm không? 

“Đề nghị nếu cháu nào định đi học đại học thì thi cụm, còn không thì như hiện nay, để các cháu thi tại chỗ, bộ tăng cường khâu giải pháp. Vừa phải bảo đảm thi nghiêm nhưng cũng phải thuận lợi nhất, cái nào tiện lợi nhất thì làm” đại biểu Dương Trung Quốc nêu quan điểm.

Bộ trưởng Giáo dục giải thích gì?

Tiếp thu các câu hỏi và thắc mắc của các đại biểu, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định lại quan điểm việc thay đổi tại Kỳ thi quốc gia sắp tới là không bất ngờ, mọi việc đều làm có lộ trình. Theo lời Bộ trưởng Luận, giáo viên và học sinh đón nhận không bất ngờ, mọi việc được làm đúng quy trình.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho rằng, việc đổi mới không thể chờ tới khi đổi mới Chương trình-SGK xong rồi mới đổi mới. Do đó, phải thay đổi ngay từ phương pháp dạy và học. Thay đổi thi trong năm 2014, 2015 đều hướng đến mục tiêu đổi mới phương pháp dạy và học. Trong năm 2016, 2017 sẽ càng rõ hơn nữa. 

“Năm sau sẽ tiếp tục thay đổi nhưng sẽ thay đổi đúng hướng, theo đúng mục tiêu, lộ trình, không phải là đột ngột rẽ trái, rẽ phải. Thay đổi thi này là trong thời kỳ quá độ, không thể chấp nhận cái cũ, nhưng cũng không thể đột ngột quá, mà cần có thời điểm quá độ để học sinh thích ứng. Vì vậy, trong năm sau sẽ tiếp tục có điều chỉnh để tiến dần tới các mục tiêu” Bộ trưởng Luận khẳng định.

Giải đáp băn khoăn về thi theo cụm, Bộ trưởng Luận cho rằng, phương án của Bộ hướng đến tổ chức theo cụm thi, nhưng với các học sinh chỉ có mục tiêu tốt nghiệp thì để tạo điều kiện cho các em, Bộ tổ chức cụm thi ở tỉnh để học sinh đỡ đi lại, tốn kém. Việc thi theo cụm sẽ tổ chức liên tỉnh. 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đứng trước nhiều thách thức của kỳ thi quốc gia ảnh 3Dự thảo Điều lệ trường đại học, xác định 3 loại hình sở hữu

(GDVN) - Hiêp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã nghiên cứu bản dự thảo Điều lệ Trường ĐH gửi thẩm định lần thứ 2 và đã có những góp ý quan trọng.

Trước đây 2 kỳ thi, sau khi thi xong tốt nghiệp, học sinh phải đến thi ở cụm (từ năm 2014 trở về trước có 4 cụm thi – Tây Nguyên, Cần Thơ, Vinh, Hải Phòng). Lần này các thí sinh chỉ đi 1 lần đến cụm thi. Với những học sinh ở vùng miền núi, do địa bàn đi lại khó khăn sẽ được thi ở cụm thi địa phương.

Các tiêu chí để xác định cụm thi, Bộ trưởng Luận cho biết sẽ căn cứ vào năng lực của các trường đại học (cơ sở vật chất, đội ngũ, kinh nghiệm tổ chức thi) để xác định trường đại học nào được chủ trì cụm thi.

Có quan điểm cho rằng, nếu thi theo cụm nên phân về mỗi tỉnh một cụm thi, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, không phải tỉnh nào cũng có trường đại học đủ uy tín, nên chắc chắc chưa thể tổ chức thi cụm ở từng tỉnh được. Còn tổ chức cụm thi như thế nào thì bộ sẽ tính toán. Tương lai, khi kỳ thi đã bảo đảm sự tin cậy thì lúc đó có thể tính tiếp việc tổ chức thi ở từng tỉnh.

Vấn đề đặt ra là tổ chức coi thi, chấm thi theo cụm sẽ được tiến hành như thế nào? Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, Bộ sẽ tổ chức giám sát, thanh tra rất chặt chẽ. Kể cả sau khi học sinh đã thi đỗ thì công tác giám sát vẫn tiếp tục. 

Về điều kiện xét tốt nghiệp, điểm học lớp 12 chiếm bao nhiêu % trong tổng điểm việc xét tuyển, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, năm 2014 đã thực hiện quy định tính điểm rèn luyện, điểm thi lớp 12 chiếm 50%. Bộ trưởng cũng khẳng địng không có chuyện các trường nâng điểm vì các giáo viên, học sinh có sự giám sát lẫn nhau. 

Trước những băn khoăn đối với học sinh năm nay đỗ tốt nghiệp nhưng chưa muốn học đại học thì bảo lưu như thế nào? Bộ trưởng Luận cho biết, kết quả thi năm 2015 được bảo lưu theo đúng quy chế.

Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, thay đổi lớn nhất của kỳ thi quốc gia năm 2015 là nằm ở đề thi, theo đó kỳ thi này sẽ không có cơ hội để học sinh học thuộc lòng, mà sẽ theo hướng vận dụng kiến thức, hướng tới phát triển kỹ năng, từ đó thay đổi cách dạy và học.

Về mối liên quan giữa phương án thi và đề án đổi mới Chương trình -SGK, ông Luận cho biết phương án thi này không phải là đề án đổi moi Chương trình -SGK. Một việc là của tương lai, một việc là thay đổi để hướng tới tương lai. 

Về quá trình đi tới phương án thi quốc gia, ông Phạm Vũ Luận khẳng định đã lấy ý kiến rộng rãi của toàn xã hội chứ không phải là chỉ trong ngành. Bộ GD&ĐT tiếp thu một cách cầu thị, sẵn sàng làm những gì khó khăn nhất để tạo thuận lợi nhất cho học sinh.

Trước nhiều câu hỏi mà các đại biểu nhận được về việc đăng ký xét tuyển của thí sinh, mỗi thí sinh sẽ được đăng ký bao nhiêu trường khi áp dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia? Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, mỗi thí sinh được đăng ký bao trường, xử lý vấn đề ảo ra sao?. Đây là vấn đề kỹ thuật. Bộ đã phối hợp với hội toán học để thiết kế phần mềm. Mục đích là bảo đảm lựa chọn được học sinh giỏi vào đại học. 

Phần mềm này đã được ứng dụng mấy năm nay ở Trường ĐH Thăng Long. Thi xong sẽ công bố hết kết quả thi của thí sinh. Các trường cũng công bố chỉ tiêu, điểm xét tuyển; hàng ngày cập nhật số lượng thí sinh đã đăng ký xét tuyển. Như vậy sẽ công khai tối đa việc xét tuyển để thí sinh biết cũng như để xã hội giám sát.

Xuân Trung