Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời câu hỏi về cách mạng công nghiệp 4.0

14/04/2017 05:48
Phương Linh
(GDVN) - Cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng công nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và tự động hóa, đây là xu hướng phát triển của thế giới. 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã nhấn mạnh như trên, tại buổi gặp gở và làm việc với Trường Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh vào chiều ngày 13/4/2017.

Phát biểu tại buổi làm việc này, sau khi nghe một giảng viên của nhà trường đặt ra câu hỏi về cuộc cách mạng 4.0, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã giải thích, đây là cuộc cách mạng dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, một xu hướng phát triển chung của thế giới.

Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn khuyến khích các trường, các ngành đào tạo đi theo hướng công nghệ thông tin, nhất là đối với những trường chuyên về điện tử, viễn thông, chế tạo máy, về các ngành khoa học kỹ thuật.

Lúc này đây, theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – ông Phùng Xuân Nhạ, các trường cần phải tiến hành quy hoạch lại ngành nghề, xây dựng các chương trình đạt chuẩn, nghiên cứu phát triển của các ngành nghề mới.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Trường Đại học Sư Phạm Kỹ thuật chiều 13/4 (ảnh: TTXVN)
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Trường Đại học Sư Phạm Kỹ thuật chiều 13/4  (ảnh: TTXVN)

“Các trường đừng quá nhấn mạnh hội chứng 4.0. Làm gì có trường Đại học nào 4.0. Thầy cô cần xem cuộc cách mạng này như là một cơ hội, nắm bắt không gấp gáp mà phải chắc chắn, trên thế giới cũng đã tiếp cận xu hướng này” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Cũng theo người đứng đầu ngành giáo dục cả nước, các trường cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt nguồn nhân lực có chất lượng cao cho toàn xã hội, xây dựng thương hiệu riêng của nhà trường để thu hút người học.

Đối với Trường Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị, nhà trường cần lựa chọn một số ngành nghề có tính chất cốt lõi, tập trung đầu tư vào những ngành này để nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định thương hiệu của nhà trường.

Trường cần xây dựng đề án phát triển tổng thể với các dự án để tập trung đầu tư, cùng phối hợp đào tạo các chuyên ngành này với các trường sư phạm kỹ thuật trong cả nước, mạnh dạn tiến tới cơ chế tự chủ hoàn toàn.

Trong buổi làm việc tại Trường Đại học Văn Hiến trước đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – ông Phùng Xuân Nhạ đã nói rằng, chính sách phát triển ngành hoàn toàn không có sự phân biệt giữa trường công lập và tư thục.

Các trường Đại học cạnh tranh, khẳng định thương hiệu bằng chất lượng đào tạo của mình. Nếu trường công lập mà không có chất lượng, thì người học cũng không chịu vào học. Còn nếu trường tư thục được đầu tư cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo tốt thì vẫn sẽ rất thu hút người học.

“Hiện một số trường công lập đã thực hiện việc đào tạo theo hướng ứng dụng, thì các trường ngoài công lập cần lựa ngành nào mà xã hội đang cần để tập trung đào tạo” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị.

Phương Linh