Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á bàn về học tập suốt đời

21/03/2013 19:43
Quyên Quyên
(GDVN) -“Học tập suốt đời, chính sách và triển vọng” là một nội dung trọng tâm mà Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á lần thứ 47 đề cập.
"Học tập suốt đời" là điểm nhấn quan trọng của hội nghị này để Hội đồng SEAMEO trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc hoạch định chiến lược và chính sách học tập suốt đời ở các nước trong khu vực Đông Nam Á và các nước châu Âu, cùng tìm ra những giải pháp khả thi thúc đẩy việc phát triển học tập suốt đời trong khu vực.

Tuy nhiên, học tập suốt đời tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, trong đó có nước Đông Nam Á còn gặp không ít khó khăn, thách thức về nhận thức, về cơ sở pháp lý, khung chính sách, về nguồn lực cũng như sự phối hợp trong từng quốc gia và giữa các quốc gia trong khu vực. 
Tại diễn đàn, đại diện Bộ Giáo dục các nước Đông Nam Á, quốc gia thành viên liên kết và các tổ chức thành viên liên kết chia sẻ những nội dung học tập suốt đời đã và đang triển khai ở mỗi quốc gia và toàn khu vực. Cụ thể như học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam; Chiến lược học tập suốt đời ở Thái Lan; Định hướng phát triển học tập suốt đời ở Đông Nam Á; Kinh nghiệm học tập suốt đời tại các nước phát triển Bắc Âu… 

Phiên họp toàn thể Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á.
Phiên họp toàn thể Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Phạm Vũ Luận – Chủ tịch Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng các nước Đông Nam Á lần thứ 47 phát biểu: Học tập suốt đời là xu thế phát triển tất yếu ở nhiều nước trên thế giới kể cả các nước Châu Á nói chung và các nước Đông Nam Á nói riêng. Học tập suốt đời ngày càng trở thành nhu cầu cấp thiết của mỗi người để có thể sống, làm việc và tồn tại trong thời đại ngày nay. Việc thúc đẩy học tập suốt đời được coi là chính sách quốc gia nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của lực lượng lao động trong xu thế toàn cầu hóa, duy trì và tăng lợi thế cạnh tranh khu vực và toàn cầu…

TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Mục tiêu phát triển của giáo dục đến năm 2020 là đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng: Chất lượng giáo dục được nâng cao một cách toàn diện, đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân, từng bước hình thành xã hội học tập. Bên cạnh đó cần huy động sự tham gia của toàn bộ xã hội cho GD, thực hiện GD là quốc sách hàng đầu…
Đại diện Thái Lan, GS.TS Sumalee Sungsri - Trường ĐH Mở Sukhothai Thammathirat cung cấp tầm nhìn của nước này về học tập suốt đời thông qua chiến lược phát triển đồng bộ và nghiêm túc. GS.TS Sumalee Sungsri cho biết: Tại Thái Lan, chiến lược được đề xuất để thúc đẩy học tập suốt đời là tăng cường kiến thức và sự hiểu biết và xây dựng thái độ đúng đắn về học tập suốt đời; Chỉ định cơ quan điều phối về học tập suốt đời; xây dựng kế hoạch thúc đẩy học tập suốt đời ở mọi cấp chính quyền, từ quốc gia tới địa phương; xác định, nhận biết và tiếp cận được nhóm đối tượng mục tiêu; cung cấp một số loại cơ sở hạ tầng học tập; khuyến khích sự tham gia của tất cả các lĩnh vực hoặc tạo lập và thúc đẩy mạng lưới quan hệ đối tác học tập suốt đời để liên tục hợp tác và phát triển; tăng cường hợp tác giữa các mạng lưới đối tác; thúc đẩy học tập suốt đời ở mỗi gia đình...
TS.Claus Holm – Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu và giáo dục về học tập suốt đời của ASEM đặt tại Trường ĐH Aarhus (Đan Mạch) gửi thông điệp: Học tập suốt đời tại các quốc gia Bắc Âu là “bình đẳng thông qua giáo dục”. Ở Đan Mạch thực hiện chính sách Học tập suôt đời bắt buộc với mọi người từ trẻ em lọt lòng đến người cao tuổi. 
GS.TS.Arne Carlsen – Giám đốc Viện Học tập suốt đời của Unesco (CHLB Đức) cung cấp một bức tranh khái quát về thực trạng và định hướng phát triển học tập suốt đời ở Đông Nam Á thông qua cách nhìn của một chuyên gia Châu Âu giàu kinh nghiệm. Ông cho rằng, học tập tại nơi làm việc cũng là một phần quan trọng của học tập suốt đời. Các nước Đông Nam Á từ lâu đã công nhận các giá trị của giáo dục người lớn và coi đây là một kênh đầu tư hấp dẫn. Ông nhấn mạnh: “Nếu đầu tư vào giáo dục trẻ em, bạn sẽ gặt hái được thành quả và lợi ích sau khoảng thời gian là 20 năm. Nhưng nếu đầu tư vào giáo dục người lớn, bạn sẽ gặt hái được thành quả và lợi ích chỉ sau một vài năm. Như vậy, việc đầu tư vào giáo dục người lớn sẽ đem lại hiệu quả trực tiếp hơn”.

GS. TS Sumales Sungsri, Bộ Giáo dục Thái Lan nhận định: Giáo dục suốt đời cần thiết cho mọi người không phân biệt lứa tuổi, giới tính, nền tảng giáo dục, sự nghiệp, địa vi xã hội của họ. Tại thái Lan, năm 1977, khái niệm về Học tập suốt đời chính thức được đưa vào. Luật Giáo dục Quốc gia năm 1999 đề xuất giáo dục suốt đời là một nguyên tắc tổ chức toàn bộ hệ thống giáo dục của đất nước.
“Kỹ năng tốt hơn, việc làm tốt hơn, cuộc sống tốt đẹp hơn” là nội dung Phó Giám đốc Ban giáo dục và kỹ năng tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế, Cộng hòa Pháp – TS.Andreas Schleicher gửi tới diễn đàn. TS.Andreas Schleicher cho rằng, cần phải đề cao việc học tập suốt đời định hướng về kỹ năng thay vì giáo dục tập trung vào chuyên môn như trước đây. So với chương trình hoàn toàn do nhà nước thiết kế được giảng dạy độc quyền trong các trường học, học tập tại nơi làm việc cho phép những người trẻ phát triển các kỹ năng cứng trên các thiết bị hiện đại và các kỹ năng mềm, chẳng hạn như làm việc theo nhóm, giao tiếp và đàm phán, thông qua kinh nghiệm thực tế. Ông cũng khẳng định: Hệ thống giáo dục tiên tiến nhất đã biến dạy học thành một nghề của các công nhân tri thức cao cấp.

Ông Lê Huy Tâm, GĐ Trung tâm khu vực về Học tập suốt đời của SEAMEO tại Việt Nam cho biết: Để hiện thực hóa những kỳ vọng của khối ASEAN phải khẩn trương thúc đẩy khái niệm Học tập suốt đời cho mọi người và xây dựng xã hội học tập trong khu vực. Cần đảm bảo rằng trong chương trình nghị sự sau năm 2015 về phát triển bền vững và Kế hoạch cộng đồng Văn hóa- Xã hội ASEAN, nội dung Học tập suốt đời cho mọi người và xây dựng xã hội học tập phải được ưu tiên.

Quyên Quyên