Bộ trưởng muốn nghe giáo viên phản ánh bằng cách nào?

19/12/2018 06:57
Phan Tuyết
(GDVN) - Mong muốn của Bộ trưởng phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của giáo viên. Thế nhưng Bộ trưởng sẽ nghe giáo viên phản ánh những bức xúc, khó khăn bằng cách nào?

LTS: Trước mong muốn được lắng nghe các thầy cô giáo phản ánh tâm tư, nguyện vọng... của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nhà giáo Phan Tuyết đã đưa ra những chia sẻ và giải pháp về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong buổi làm việc kéo dài hơn 3 giờ với các giáo viên, các nhà giáo làm quản lý giáo dục của tỉnh Yên Bái ngày 17/12, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết “Tôi rất muốn nghe các thầy cô làm quản lý giáo dục, các thầy cô giáo đứng lớp, phản ánh cởi mở các vấn đề bức xúc, khó khăn, áp lực trong ngành.

Với tư cách là Bộ trưởng tôi sẽ có giải pháp giúp giải tỏa áp lực, tạo điều kiện để các thầy cô có động lực cống hiến…”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (Ảnh minh họa: TTXVN).
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (Ảnh minh họa: TTXVN).

Mong muốn của Bộ trưởng phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của giáo viên. Thế nhưng Bộ trưởng sẽ nghe giáo viên phản ánh những bức xúc, khó khăn, áp lực của ngành bằng cách nào?

Việc giáo viên chia sẻ những tâm tư nguyện vọng của mình ở mức độ nào sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc tiếp cận thông tin của Bộ trưởng.

Chắc nhiều người còn nhớ, trong một cuộc họp trực tuyến của 700 cán bộ quản lý ở Hà Nội mấy năm về trước về một vấn đề cực nóng nhưng 700 hiệu trưởng ở tất cả các đầu cầu chẳng ai phát biểu lấy một lời.

Lý giải cho chuyện tưởng như lạ này, nhà báo Ngô Thiệu Phong đài VOV đã viết “Lần đầu tiên họp trực tuyến với các trường tiểu học thì chắc phải tập trung về phòng giáo dục?

Đương nhiên ở đó phải có lãnh đạo phòng, thậm chí, nơi nào quan tâm tới giáo dục còn có thể có cả vị Phó Chủ tịch huyện phụ trách mảng Văn - Xã nữa.

Trong cơ cấu tổ chức hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ can thiệp tới các trường (tiểu học) ở góc độ chuyên môn. Còn hai khâu then chốt là tài chính và nhân sự đều do quận, huyện và phòng giáo dục quản lý.

Ngồi cùng với ông nắm hầu bao và điều chỉnh “chiếc ghế” của mình như thế thì các hiệu trưởng dễ rơi vào cảnh trên đe, dưới búa.

Bộ trưởng Nhạ nhận diện 6 nhóm áp lực với nghề giáo

Nhỡ miệng nói lên điều gì đó cụ thể một chút thì rất dễ rơi vào hai trường hợp: hoặc là cấp trung gian - phòng Giáo dục - chưa “quán triệt tinh thần chỉ đạo” của sở nên hướng dẫn chưa đúng; hoặc trường chưa thông, làm sai, thậm chí chủ trương của sở sai”.[1]

Ban giám hiệu còn sợ không dám lên tiếng, liệu giáo viên có đủ can đảm để nói lên suy nghĩ của mình? Đương nhiên càng không bao giờ dám.

Chỉ mỗi cái chuyện thấy một bài báo viết về giáo dục ở góc nhìn phản ánh tiêu cực, dù giáo viên có tán đồng, có thừa nhận giống y chang địa phương mình, giáo viên có hả hê vì những khuất tất bị phanh phui, những bức xúc bị lên án… cũng chẳng ai dám chia sẻ hoặc bấm thích.

Vì họ sợ bị cấp trên để ý, bị làm khó trong công việc, bị điều chuyển khỏi trường, bị cho là kẻ chống đối…cái thói quen sợ sệt, răm rắp tuân lệnh người đứng đầu dù chuyện đó chưa đúng đang tràn lan, phổ biến trong ngành giáo dục hiện nay.

Chính vì những lẽ đó, giáo viên sẽ chẳng dám phản ánh gì khi trong cuộc họp ấy lại có sự hiện diện của các nhà quản lý.

Nếu Bộ trưởng lấy ý kiến từ cơ sở theo cách các trường, các phòng, các sở giáo dục tập hợp báo cáo lên thì phải nói chắc chắn rằng đó toàn là những lời đẹp như mơ.

Đơn cử nếu hỏi giáo viên nào về hiệu quả của chương trình VNEN thì gần như cả 100% thầy cô đều cho rằng chương trình triển khai không hiệu quả.

Thế nhưng trong tất cả các báo cáo Bộ Giáo dục nhận được phần nhiều là khen hay, hiệu quả. Bởi, những nhận xét giáo viên gửi về cho trường đã được bỏ bớt những tồn tại và gọt giũa thêm toàn ưu điểm cho hay.

Chúng tôi cũng thường bị phụ huynh bắt nạt như thế

Nhà trường gửi ý kiến về cho phòng rồi phòng gửi ra cho sở cũng làm theo quy trình ấy. Thế nên nơi tiếp nhận cuối cùng toàn những góp ý với nhiều lời ca ngợi, tung hô vô cùng đẹp. 

Vì không được nói thật, không dám nói thật, nhiều giáo viên đã lên các diễn đàn giáo viên để xả stress.

Ví như trang “chúng tôi là giáo viên” hay “chúng tôi là giáo viên tiểu học”, Bộ trưởng cứ một lần ghé vào xem thử đó mới là những tâm tư, những ước nguyện, những góp ý vô cùng chân thật của giáo viên.

Nay Bộ trưởng muốn nghe được lời nói thật từ phía các nhà giáo ư? Xin hãy thiết lập diễn đàn tiếp nhận và trao đổi thông tin như những trang mạng chúng tôi vừa điểm tên.

Nhiều thầy cô sẽ nói mà không sợ (chẳng ai biết thầy cô nào có ý kiến vì không ít người lấy nich ảo). Họ sẽ không sợ bị soi mói, bắt bẻ và khép vào tội “chống đối với các chủ trương đổi mới của ngành”.

Làm thế, Bộ trưởng sẽ hoàn toàn bất ngờ với những gì mình thu nhận được và sẽ thấy nó khác xa với những gì Bộ trưởng đang nghe.

Tài liệu tham khảo: 

[1] https://vov.vn/blog/ha-noi-su-im-lang-kho-hieu-cua-700-hieu-truong-381004.vov

Phan Tuyết