Bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp liên môn hiện đang rất mơ hồ

23/01/2019 07:08
Thùy Linh
(GDVN) - “Ngành giáo dục đang thực hiện tinh giản biên chế, chúng tôi phải sắp xếp lại đội ngũ giáo viên ra sao để không thừa, không thiếu khi dạy tích hợp?".

Đến nay nhiều lãnh đạo các địa phương rất tâm đắc với việc dạy tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới tuy nhiên họ lo ngại về vấn đề biên chế, bồi dưỡng giáo viên, cụ thể, ông Nguyễn Thanh Giang - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa - Vũng Tàu bày tỏ lo ngại rằng:

“Ngành giáo dục đang thực hiện tinh giản biên chế thì chúng tôi phải sắp xếp lại đội ngũ giáo viên ra sao để không thừa cũng không thiếu khi thực hiện dạy tích hợp liên môn?”. 

Trước băn khoăn này, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định, Chương trình Giáo dục phổ thông mới không bỏ môn nào so với hiện nay nên chắc chắn không có việc giáo viên ở một số môn không có việc làm.

“Hầu hết toàn bộ giáo viên vẫn sẽ được đứng lớp để thực hiện nhiệm vụ cao quý. Toàn bộ giáo viên ở các môn liên quan đến môn học tích hợp mới sẽ được bồi dưỡng để đáp ứng nhu cầu”, ông Minh nhấn mạnh. 

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên cho rằng, muốn dạy học được tích hợp, không phải chỉ nói đến phương pháp mà chương trình bồi dưỡng giáo viên phải chú trọng phần kiến thức của họ. (Ảnh minh họa đăng trên giaoduc.net.vn)
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên cho rằng, muốn dạy học được tích hợp, không phải chỉ nói đến phương pháp mà chương trình bồi dưỡng giáo viên phải chú trọng phần kiến thức của họ. (Ảnh minh họa đăng trên giaoduc.net.vn)

Còn vấn đề bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp thì ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên cho rằng, muốn dạy học được tích hợp, không phải chỉ nói đến phương pháp mà chương trình bồi dưỡng giáo viên phải chú trọng phần kiến thức của họ. 

“Chúng ta dạy tích hợp nhưng đội ngũ giáo viên hiện có thì vốn được đào tạo theo từng môn. Do đó khi bồi dưỡng giáo viên, nếu chỉ đặt vấn đề về phương pháp là chưa chuẩn, bởi cái gốc của phương pháp vẫn là kiến thức.

Do đó, chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp cần chú trọng việc trang bị cho giáo viên một lượng kiến thức nhất định, khi giáo viên có những kiến thức cơ bản thì mới nhìn thấu được chương trình”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên kiến nghị. 

Khi dạy tích hợp, khối trường trung học cơ sở lo lắng việc bố trí thời khóa biểu

Về điều này, Bộ trưởng Bộ Phùng Xuân Nhạ cũng thừa nhận, tích hợp không chỉ phương pháp mà còn cần kiến thức. 

“Các thầy cô dạy các môn tích hợp phải được bồi dưỡng nhịp nhàng, không phải chỉ cơ học về mặt phương pháp. Bộ sẽ có hướng dẫn chi tiết”, Bộ trưởng nói. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thành – Vụ phó vụ giáo dục trung học tiết lộ, việc tập huấn trước mắt đối với các giáo viên đang thực hiện chương trình hiện hành với các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học.

“Việc tập huấn này đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Song song với đó, chương trình đào tạo trong các trường sư phạm cũng sẽ được thiết kế theo hướng xây dựng mã ngành này để bắt đầu tuyển mới, đào tạo phần kiến thức của môn Khoa học tự nhiên chứ không phải kiến thức riêng của từng môn Vật lý, Hóa học, Sinh học.

Dần dần chúng ta sẽ có lứa sinh viên mới ra trường thực hiện giảng dạy môn Khoa học tự nhiên”, ông Nguyễn Xuân Thành cho hay. 

Thùy Linh