Bức ảnh "áp lực học đường" thực ra chỉ là biểu diễn

23/09/2016 08:38
Đỗ Quyên
(GDVN) - Chuẩn bị quá kĩ cho các tiết thao giảng, dự giờ đã khiến việc phản ánh chất lượng giảng dạy khi áp dụng mô hình, phương pháp mới bị bóp méo.

LTS: 14 khách mời đến dự một tiết học là nội dung bức ảnh về một tiết thao giảng được cư dân mạng đặt tên “Áp lực học đường”, lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội những ngày vừa qua.

Cư dân mạng còn hóm hỉnh nghĩ ra đoạn hỏi – đáp hóm hỉnh giữa cô và trò rằng:

“Trò hãy cho cô biết: Áp lực do đâu mà có?

- Thưa cô, áp lực không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi, mà nó được chuyền từ Bộ, xuống Sở, xuống nhà trường, qua các thầy cô và xuống từng học sinh ạ!”.

Cô giáo Đỗ Quyên đã có bài viết bình luận thể hiện quan điểm của mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Tuần qua, cộng đồng mạng lan truyền bức ảnh dạy học ở một trường Tiểu học làm nhiều người xem cảm thấy “nghẹt thở”.

Bức ảnh "áp lực học đường" thực ra chỉ là biểu diễn ảnh 1

Chưa bao giờ thấy Ban giám hiệu nào dám thao giảng một tiết học cụ thể!

Trong hình có thể đếm ít nhất 14 giáo viên đứng dự giờ một tiết học. Nhiều người đặt cho bức hình một cái tên “Áp lực học đường” và nhận được hàng ngàn lượt "like" với rất nhiều lời bình luận.

Nhiều người bày tỏ ý kiến: “Chỉ nhìn thôi đã thấy không thể thở nỗi chứ nói gì đến phải dạy và học như thế”. Nhiều bình luận ghi dòng chữ “tội nghiệp” cho cả thầy và trò…

Nhưng với người trong nghề thì đây là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Một tiết dạy có khoảng 14 người dự như trong hình có thể chỉ là một tiết thao giảng cấp tổ hoặc liên tổ mà cứ 2 tuần lại diễn ra một lần.

Bức ảnh "Áp lực học đường" được lan truyền trên mạng (Ảnh: vtc.vn).
Bức ảnh "Áp lực học đường" được lan truyền trên mạng (Ảnh: vtc.vn).

Nếu là tiết thao giảng cấp trường, số lượng giáo viên tới dự giờ còn đông gấp 3-4 lần như thế.

Liệu dự giờ như thế có gây áp lực cho thầy và trò?

Nếu là dự giờ đột xuất không báo trước thì chỉ cần một người vào dự cũng đủ làm thầy và trò “toát mồ hôi hột” bởi nhiều lẽ.

Giáo viên không chuẩn bị đủ đồ dùng dạy học (một tiết học dự giờ đồ dùng dạy học không phải là ít).

Học sinh không được chuẩn bị trước câu trả lời sẽ phát biểu lung tung, làm bài chậm, không biết làm thí nghiệm (với những môn khoa học), dẫn đến việc giáo viên không thể khống chế được thời gian chuẩn theo quy định…

Thường thì những tiết dự giờ của tổ, giáo viên thường “dạy thật’ có nghĩa ít có sự gài, mớm bài.

Bởi thế, tiết dạy diễn ra một cách tự nhiên và cũng thường không kết thúc đúng giờ.

Với những tiết thao giảng cấp trường, cụm trường, liên trường, tiết dạy kết thúc một chuyên đề mới, một phương pháp dạy học mới… tùy từng cấp dự giờ để thầy và trò có sự chuẩn bị sao cho phù hợp.

Chẳng hạn dự giờ cấp trường, việc chuẩn bị cho tiết dạy khoảng vài tuần từ thiết kế bài dạy trình Phó hiệu trưởng kiểm tra, góp ý, giáo viên chuẩn bị đồ dùng dạy học, học sinh học cách hỏi, cách trả lời… rồi giáo viên dạy thử ở lớp, dạy cho tổ dự và cuối cùng dạy cho cả trường.

Nếu là cấp Phòng, Sở về dự, việc chuẩn bị cho tiết dạy còn công phu hơn nhiều.

Tiết dạy buộc phải thành công, đó không đơn thuần là danh dự nghề nghiệp của giáo viên bởi chỉ dự giờ một tiết học, người dự sẽ bị đánh giá “suốt đời” vì cơ hội cho các “xếp lớn” về dự mình lần sau có thể sẽ là không bao giờ có.

Bức ảnh "áp lực học đường" thực ra chỉ là biểu diễn ảnh 3

Thi giáo viên dạy giỏi, nhiều bài giảng cứ như đến từ thiên đình!

Ngoài uy tín giáo viên cũng còn phải nói đến danh dự của cả trường… cho nên, không chỉ mình giáo viên trực tiếp dạy mà Ban giám hiệu nhà trường cũng phải cố gắng, nỗ lực hết mình.

Lo từ thiết kế bài dạy, phương pháp lên lớp, thời gian tiết dạy…

Sau khi xây dựng xong, nhà trường mời tổ cốt cán, giáo viên dạy giỏi của trường vào dự giờ thử. Giáo viên dạy, góp ý từ cách đặt vấn đề vào bài, cách đặt câu hỏi, sử dụng phương pháp đã hợp lý chưa đến cả câu trả lời của học sinh thế nào…

Dạy đi rồi dạy lại đôi khi mượn luôn lớp khác trong khối thử nghiệm cho khách quan.

Bởi thế, khi vào tiết dạy chính thức cả thầy và trò đều đóng vai những “diễn viên” chỉ cần diễn những gì mình đã nằm lòng nên chẳng có gì gọi là áp lực như người ngoài nhìn thấy.  

Do chuẩn bị một tiết dạy trình làng kĩ như thế nên hầu như tiết dạy dự giờ nào cũng đạt.

Thế nên mới có chuyện, các mô hình dạy học mới, các phương pháp dạy học tích cực được sử dụng trong các tiết dạy dự giờ bao giờ cũng thành công ngoài cả mong đợi; nhưng khi đưa về giảng dạy trực tiếp trên lớp học luôn vấp phải những khó khăn mà khó có thể thực hiện tốt.

Bao giờ dẹp bỏ được bệnh hình thức như thế này thì khi đó những đánh giá về một mô hình, một phương pháp dạy học đang thí điểm mới đáng tin tưởng.

Đỗ Quyên