Bức tranh toàn cảnh về nền giáo dục đại học ở Việt Nam những năm qua

13/08/2017 06:40
Thùy Linh
(GDVN) - Tính từ đầu năm 2016 đến 31/7/2017, tổng số ngành mở mới ở trình độ đại học là 184 ngành...

Ngày 11/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2016 - 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2017-2018 các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm. 

Tại đây, nhiều con số về tình hình giáo dục đại học Việt Nam tính đến nay được công bố.

Năm học 2016-2017, có thêm 1 cơ sở đào tạo được thành lập mới trên cơ sở đã có quyết định chủ trương thành lập của Thủ tướng Chính phủ (Học viện dân tộc); 3 cơ sở đào tạo được cấp phép hoạt động và đều là các cơ sở có 100% vốn đầu tư nước ngoài (Trường Đại học Mỹ tại Việt Nam, Trường Đại học Y khoa Tokyo, Trường Đại học Fulbright Việt Nam), 1 phân hiệu của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập tại Bến Tre.

Theo thống kê, tính đến hết năm học 2016-2017, hệ thống hiện có 235 trường đại học, học viện  (bao gồm 170 trường công lập, 60 trường tư thục và dân lập, 5 trường có 100% vốn nước ngoài), 37 viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm. 

Hiện có 155 cơ sở đào tạo giáo viên

Đối với nhóm trường sư phạm và đào tạo giáo viên, hiện nay có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên (trong đó có 14 trường đại học sư phạm, 33 trường cao đẳng sư phạm và 02 trường trung cấp sư phạm).

Số lượng và phân bố các trường đại học trên toàn quốc (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Số lượng và phân bố các trường đại học trên toàn quốc (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Về quy mô đào tạo: năm học 2016-2017, tổng quy mô sinh viên đại học 1.767.879 sinh viên (tăng 0,8% so với năm học 2015-2016) nhưng quy mô sinh viên cao đẳng sư phạm giảm 14,3%, chỉ còn 47.800 sinh viên. 

Cơ cấu quy mô sinh viên đại học chính quy theo nhóm ngành năm học 2016 -2017
Cơ cấu quy mô sinh viên đại học chính quy theo nhóm ngành năm học 2016 -2017

Phần lớn sinh viên tập trung theo học các ngành thuộc Khối ngành V: Toán và thống kê; Máy tính và công nghệ thông tin; Công nghệ kỹ thuật; Kỹ thuật; Sản xuất chế biến; Kiến trúc và xây dựng, Nông lâm và thủy sản; Thú y và Khối ngành III: kinh doanh quản lý, pháp luật. 

Quy mô đào tạo tiến sĩ tăng 25%

Quy mô đào tạo thạc sĩ là 105.801 (tăng 12,8% so với năm học 2015-2016).

Quy mô đào tạo tiến sĩ ở các trường đại học, học viện là 13.587 (tăng 25% so với năm học 2015-2016). 

Quy mô đào tạo nghiên cứu sinh ở các viện nghiên cứu khoa học
Quy mô đào tạo nghiên cứu sinh ở các viện nghiên cứu khoa học

Quy mô đào tạo tiến sĩ ở các viện nghiên cứu khoa học thay đổi theo chiều hướng giảm. Tính đến tháng 6/2017, các Viện nghiên cứu khoa học mới tuyển được khoảng 38% nghiên cứu sinh so với chỉ tiêu đã đăng ký.

Về phát triển ngành đào tạo: trên cơ sở khảo sát, dự báo nhu cầu đào tạo, các cơ sở đào tạo đã có sự điều chỉnh về cơ cấu ngành nghề; nhiều trường đã tập trung vào mở mới và nâng cao chất lượng các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sức khỏe và du lịch là những ngành đem lại nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ở trong nước cũng như việc dịch chuyển lao động trong khu vực ASEAN. 

Số lượt ngành đào tạo trình độ đại học năm 2017
Số lượt ngành đào tạo trình độ đại học năm 2017
Cơ cấu ngành đào tạo trình độ đại học năm 2017
Cơ cấu ngành đào tạo trình độ đại học năm 2017

Tổng số ngành mở mới ở trình độ đại học là 184 ngành

Tính từ đầu năm 2016 đến 31/7/2017, tổng số ngành mở mới ở trình độ đại học là 184 ngành, tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành Kỹ thuật, Công nghệ kỹ thuật, Máy tính và Công nghệ thông tin, Khoa học xã hội và hành vi, Kinh doanh quản lý, Pháp luật.

Số lượng ngành mở mới năm học 2016-2017 (theo khối ngành)
Số lượng ngành mở mới năm học 2016-2017 (theo khối ngành)

Năm học 2016-2017, tổng số giảng viên trong các trường đại học là 72.792 người, tăng 4,6% so với năm học 2015-2016, trong đó giảng viên có trình độ tiến sĩ là 16.514 (tăng thêm 21,4%) và thạc sĩ là 43.065 (tăng thêm 6,6%). 

Số lượng giảng viên các trường đại học phân theo trình độ và chức danh
Số lượng giảng viên các trường đại học phân theo trình độ và chức danh

Trong năm 2016, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cũng đã công nhận 65 giáo sư, 638 phó giáo sư trong đó, số đang trực tiếp làm việc tại các trường là 48 giáo sư (chiếm 73.85%); 508 phó giáo sư (chiếm 79.62%).

Số lượng cán bộ cơ hữu (giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu sinh) tại các viện nghiên cứu khoa học phân theo trình độ và chức danh khoa học
Số lượng cán bộ cơ hữu (giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu sinh) tại các viện nghiên cứu khoa học phân theo trình độ và chức danh khoa học

Số lượng giảng viên trong các trường cao đẳng sư phạm hiện nay là: 3.388 người trong đó giảng viên có trình độ: Tiến sĩ - 115 người; Thạc sĩ - 2.187 người. 

Số lượng nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp đã được nghiệm thu năm 2016 là 274 nhiệm vụ. 

Các nhiệm vụ này đã thu hút gần 3.000 cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên tham gia, đào tạo được 312 thạc sĩ, hỗ trợ đào tạo 77 tiến sĩ, đã xuất bản 36 đầu sách tham khảo và chuyên khảo, công bố 594 bài báo khoa học trên các tạp chí trong nước và quốc tế được công bố, 115 sản phẩm ứng dụng là quy trình kỹ thuật, sản phẩm phục vụ sản xuất và đời sống, phát triển ngành và địa phương.

Tính đến năm học 2016-2017 đã có 491 nhóm giảng dạy – nghiên cứu được thành lập tại các cơ sở đào tạo, trong đó cơ sở đào tạo có nhiều nhóm giảng dạy – nghiên cứu nhất là: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (127 nhóm), tiếp đến là các trường: Đại học Tây Nguyên (42 nhóm), Đại học Đà Nẵng (36 nhóm), Đại học sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên (30 nhóm), Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (24 nhóm), Đại học Quốc gia Hà Nội (23 nhóm).

41% học sinh phổ thông vào đại học, cao đẳng

Năm học 2016-2017, học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào đại học, cao đẳng khoảng 41%, vào cao đẳng nghề, trung cấp khoảng 23%, học nghề tại trung tâm đào tạo nghề khoảng 13%, đi làm khoảng 10%.

Tỷ lệ học sinh đăng ký xét tuyển sinh đại học, cao đẳng
Tỷ lệ học sinh đăng ký xét tuyển sinh đại học, cao đẳng

Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đăng ký xét tuyển đại học năm nay, tỷ lệ học sinh không đăng ký xét tuyển đại học là 26%.

Thực tế cho thấy đã có sự chuyển biến về nhận thức của học sinh trong việc lựa chọn ngành nghề và hướng đi phù hợp với năng lực của mình.

23 trường thí điểm tự chủ

Đến hết năm học 2016-2017, có 23 cơ sở giáo dục đại học công lập được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm tự chủ đổi mới cơ chế hoạt động theo quy định của Nghị quyết, trong đó Trường Đại học Trà Vinh là cơ sở đại học trực thuộc địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm.

Có 58/169 trường công lập thành lập hội đồng trường

Tính đến hết tháng 4/2017, trong toàn hệ thống giáo dục đại học có 169 trường công lập chỉ có 58 cơ sở thành lập hội đồng trường, chiếm 34,3% tổng số cơ sở giáo dục đại học công lập.

Trong tổng số 23 trường đại học đã được tự chủ theo Nghị quyết 77 vẫn còn 6 trường chưa có hội đồng trường.

Đã có 35 chương trình tiên tiến ở 23 cơ sở đào tạo; 16 chương trình kỹ sư chất lượng cao theo tiêu chuẩn của Cộng hòa Pháp ở 04 cơ sở đào tạo; 50 chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp (POHE) và gần 200 chương trình chất lượng cao ở các cơ sở khác.

Số lượng chương trình đào tạo chất lượng cao, CTTT, POHE,.. năm học 2016-2017
Số lượng chương trình đào tạo chất lượng cao, CTTT, POHE,.. năm học 2016-2017

Ngoài ra, các trường đại học còn có hơn 500 chương trình liên kết đào tạo quốc tế với các trường đại học ở các nước trên thế giới.

Và trên cơ sở khảo sát từ 142/271 trường đại học, hiện nay trong hệ thống các trường đại học đã hình thành 945 nhóm nghiên cứu, một trường đại học có trung bình 7 nhóm nghiên cứu.

Khối ngành I: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên.

Khối ngành II: Nghệ thuật.

Khối ngành III: Kinh doanh quản lý; Pháp luật. 

Khối ngành IV: Khoa học sự sống; Khoa học tự nhiên.

Khối ngành V: Toán và thống kê; Máy tính và công nghệ thông tin; Công nghệ kỹ thuật; Kỹ thuật; Sản xuất chế biến; Kiến trúc và xây dựng, Nông lâm và thuỷ sản; Thú y.

Khối ngành VI: Sức khoẻ.

Khối ngành VII: Nhân văn; Khoa học xã hội và hành vi; Báo chí và thông tin; Dịch vụ xã hội; Khác sạn, du lịch, thể thao và du lịch cá nhân; Dịch vụ vận tải; Môi trường và bảo vệ môi trường; An ninh – Quốc phòng.

Thùy Linh