Bức tranh toàn cảnh về những sai phạm tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

29/08/2017 06:26
Thùy Linh
(GDVN) - Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức có kết luận thanh tra tại Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Theo kết luận, hàng loạt thiếu sót, sai phạm từ tổ chức cán bộ tới tài chính, sử dụng tài sản...diễn ra trong hoạt động Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thời gian qua. 

Những sai phạm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam theo từng vấn đề cụ thể được thanh tra kết luận như sau: 

Sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ

Chủ tịch Hội đồng quản trị ký nhiều quyết định, văn bản sai quy định.

Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam là một doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực xuất bản với sản phẩm chính là sách giáo khoa, sách tham khảo, thiết bị phục vụ giáo dục. 

Hằng năm, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam được đánh giá doanh nghiệp xếp loại A.

Tuy vậy, theo kết luận của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian vừa qua, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã để xảy ra nhiều sai phạm như việc chuyển đổi mô hình và cơ chế hoạt động theo đúng tính chất của một doanh nghiệp nhà nước còn chậm. 

Về tổ chức cán bộ, tài chính, quyết định nhiều nội dung và ban hành nhiều văn bản không đúng thẩm quyền...

Bức tranh toàn cảnh về những sai phạm tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (Ảnh: Báo Nhân dân)
Bức tranh toàn cảnh về những sai phạm tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (Ảnh: Báo Nhân dân)

Chưa xây dựng được đầy đủ hệ thống văn bản, chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định nội bộ về công tác tổ chức cán bộ để thực hiện mối quan hệ giữa Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam miền và các công ty thành viên;

Kết nạp 01 đơn vị là công ty thành viên nhưng không xin phê duyệt chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chưa có thỏa thuận liên kết và thỏa thuận về sử dụng thương hiệu với các công ty liên kết theo quy định. 

Được biết, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam được tổ chức theo mô hình Hội đồng thành viên.

Tuy nhiên thời gian qua hoạt động của chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng thành viên có nhiều nội dung chưa tuân thủ đúng quy định như chưa tách bạch chỉ đạo, điều hành giữa Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc…

Chủ tịch Hội đồng thành viên và Hội đồng thành viên chưa thực hiện đầy đủ, đúng chức trách, nhiệm vụ; quyết định nhiều nội dung và ban hành nhiều văn bản không đúng thẩm quyền quy định. 

Bức tranh toàn cảnh về những sai phạm tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ảnh 2

Tổng chủ biên khẳng định không có sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm

Và trong năm 2015, nhiều nội dung nghị quyết của Hội đồng thành viên được ban hành không thống nhất với biên bản cuộc họp, không rõ cơ sở ban hành;

Một số nội dung thảo luận, được biểu quyết nhất trí 100% thông qua, ghi trong biên bản họp nhưng không được đưa vào nghị quyết của Hội đồng thành viên. 

Đặc biệt, ông Mạc Văn Thiện kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị và Uỷ viên Hội đồng quản trị tại 03 công ty thành viên không đúng quy định tại Luật Doanh nghiệp; ký nhiều văn bản không đúng thẩm quyền, thủ tục.

Cụ thể, ký 13 quyết định bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo tại công ty mẹ Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam không đúng thẩm quyền, ký 09 quyết định bổ nhiệm thuộc thẩm quyền nhưng không trên cơ sở đề nghị của Tổng giám đốc;

Bên cạnh đó, ký quyết định bổ nhiệm tại các công ty thành viên không đúng đối tượng và thẩm quyền quy định;

Ký quyết định công nhận hội đồng quản trị, ban giám đốc, ban kiểm soát, kế toán trưởng của các công ty thành viên không đúng quy định của Luật Doanh nghiệp và Quyết định số 170/QĐ-BGDĐT;

Ký thông báo về việc nghỉ hưu và hưởng chế độ hưu đối với ông Phạm Văn Hồng, ký văn bản về việc phát hành sách giáo khoa song ngữ Việt - Anh và chỉ đạo việc bán 03 lô đất tại Đà Nẵng không đúng thẩm quyền)...

Việc tuyển dụng, ký hợp đồng lao động, thực hiện chế độ tiền lương của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng có nhiều sai phạm. 

Qua kiểm tra 11 hồ sơ tuyển dụng hai năm 2015 và 2016 cho thấy, chưa thực hiện đúng quy chế tuyển dụng, bổ nhiệm như:

Không thông báo tuyển dụng theo quy định; Chủ tịch Hội đồng thành viên ký một số văn bản trái quy định, không đúng thẩm quyền...

Nhiều sai phạm trong quản lý tài chính

Đối với công tác quản lý tài chính, theo kết luận của Thanh tra, những năm qua, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã đầu tư vốn vào nhiều công ty không hiệu quả, nhiều công ty liên tiếp không có cổ tức trong 02 năm;

Thoái vốn chậm tại 31 công ty, có một số đơn vị được đầu tư hoạt động thua lỗ liên tiếp. Bị xử phạt vi phạm hành chính về việc kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tại thời điểm 31/12/2015, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam có vốn đầu tư tại 54 công ty với tổng giá trị đầu tư 548,4 tỷ đồng.

Bức tranh toàn cảnh về những sai phạm tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ảnh 3

Bộ Giáo dục công bố tiêu chuẩn, tiêu chí làm sách giáo khoa mới

Trong đó, có 18 công ty (vốn đầu tư hơn 192,1 tỷ đồng) hoạt động không hiệu quả, không có cổ tức để chi trả. 

Tại thời điểm 31/12/2016, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam có vốn đầu tư tại 52 công ty, với tổng giá trị đầu tư hơn 546,5 tỷ đồng thì có 17 công ty (vốn đầu tư hơn 178,4 tỷ đồng) không chi trả cổ tức. 

Như vậy, việc góp vốn đầu tư của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam vào nhiều công ty không hiệu quả, nhiều công ty không có cổ tức chi trả liên tiếp trong 02 năm vì các công ty con hoạt động thua lỗ liên tiếp trong nhiều năm.

Đáng chú ý, khi thực hiện Đề án tái cơ cấu Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tăng vốn tại các công ty, cụ thể, năm 2015, tăng vốn đầu tư tại 03 công ty, giá trị đầu tư thêm 41,28 tỷ đồng.

(Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Phương Nam: 20 tỷ đồng; Công ty Cổ phần sách giáo dục Hà Nội 16,15 tỷ đồng, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội, trị giá vốn đầu tư tăng thêm là 5,13 tỷ đồng).

Năm 2016, tăng vốn đầu tư tại 04 công ty, giá trị đầu tư thêm 13,113 tỷ đồng.

(Công ty Cổ phần Dịch vụ xuất bản giáo dục Hà Nội 7,188 tỷ đồng; Công ty Cổ phần sách giáo dục Hà Nội 0,939 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Mỹ thuật và Truyền thông 4,712 tỷ đồng; Công ty Cổ phần sách thiết bị trường học Tiền Giang 0,274 tỷ đồng).

Trong khi đó, Công ty cổ phần Sách giáo dục Hà Nội phê duyệt tăng vốn 30,8 tỷ đồng nhưng chỉ tăng 17,1 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư phát triển giáo dục Hà Nội phê duyệt tăng 19 tỷ đồng nhưng chỉ tăng 5,1 tỷ đồng. 

Ngoài ra, trong công tác thoái vốn, năm 2015 theo kế hoạch phải thoái vốn tại 36 công ty, nhưng đến 31/12/2016 vẫn còn 32 công ty chưa thực hiện thoái vốn thành công.

Việc thực hiện thoái vốn chậm có nguyên nhân do nội dung nghị quyết Hội đồng thành viên lần thứ chín năm 2015 trái với đề án đã được phê duyệt.

Về quản lý sử dụng tài sản

Về các dự án đầu tư, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam có 01 dự án đầu tư đang khai thác tại số 104 Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; 01 dự án đang triển khai thực hiện tại số 187B Giảng Võ, Hà Nội.

Theo kết luận Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, đối với dự án đầu tư tại số 104 Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, không trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, chấp thuận để 2 công ty con góp vốn đầu tư kinh doanh bất động sản, không tiến hành đánh giá lại tài sản vi phạm quy định.

Bức tranh toàn cảnh về những sai phạm tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ảnh 4

Đạo văn và “đạo … người”

Phê duyệt tổng mức đầu tư dự án chưa đảm bảo tính khả thi về việc bảo toàn và phát triển vốn đầu tư theo quy định của Điều 67 Luật đầu tư năm 2005.

(Tại thời điểm phê duyệt dự án xây dựng tòa nhà văn phòng 10 tầng có tổng mức đầu tư 50 tỷ trong khi thời hạn được giao sử dụng đất chỉ còn 07 năm).

Giao đơn vị không có chức năng ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh, Hợp đồng cho thuê tòa nhà;

Việc góp vốn, xác định tỷ lệ phân chia lợi nhuận, xác định giá thành cho thuê không rõ căn cứ, thủ tục lòng vòng, thiếu minh bạch; có nhiều vi phạm trong việc triển khai thực hiện dự án đầu tư.

Đối với dự án 187B Giảng Võ, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng không xin ý kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo khi thực hiện việc chuyển nhượng phần vốn góp chi phối của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại Công ty IP Việt Nam. 

Cùng với thiếu sót, sai phạm nêu trên, Công ty Đầu tư tài chính Thiên Hóa (Công ty Thiên Hóa) được thành lập năm 2009, có vốn điều lệ 200 tỷ đồng (vốn góp của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là hơn 68,7 tỷ đồng), đến năm 2011 có nghị quyết giải thể. 

Tuy nhiên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn đầu tư hơn 13,7 tỷ đồng vào để mua cổ phần của các cá nhân. 

Ông Mạc Văn Thiện làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thiên Hóa đồng thời lại là đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ký nhiều hợp đồng vay vốn với chính Công ty Thiên Hóa, số tiền hơn 136,3 tỷ đồng, lãi suất trung bình 15%/năm. 

Ngoài ra, theo nghị quyết của Hội đồng quản trị, ngày 9/1/2010, ông Mạc Văn Thiện đã ký quyết định cho bà Huỳnh Thị Thanh Hiền vay 14 tỷ đồng, thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và khách sạn số 38 Hoàng Diệu, Thành phố Đà Nẵng.

Nhưng sau đó chính ông Thiện lại phê duyệt cho bà Hiền mượn lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (không thông qua Hội đồng quản trị) dẫn đến việc không thu hồi được khoản vay của bà Hiền hơn 15,5 tỷ đồng (cả gốc và lãi).

Trước những sai phạm trên, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo kết luận trách nhiệm thuộc về:

Ông Ngô Trần Ái (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam);

Ông Mạc Văn Thiện (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên);

Ông Vũ Văn Hùng (nguyên Tổng giám đốc);

Ông Lê Thành Anh và các thành viên Hội đồng thành viên, Phó Tổng Giám đốc khác, chịu trách nhiệm về các thiếu sót, sai phạm trong phạm vi được giao trong thời gian giữ chức vụ.

Thanh tra Bộ kiến nghị Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam khắc phục hậu quả, rà soát lại toàn bộ những vấn đề sai phạm trên, đồng thời chấn chỉnh quản lý chấm dứt việc thực hiện các công việc trong quản lý, điều hành trái quy định pháp luật, không đúng thẩm quyền.

Xây dựng và thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng chống lãng phí trong quản lý sử dụng vốn, các quỹ và tài sản trong doanh nghiệp theo quy định.

Các thành viên Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc, Kiểm soát viên, Kế toán trưởng trong giai đoạn từ 01/01/2015 đến 31/12/2016 kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến thiếu sót, sai phạm nêu trong Kết luận thanh tra.

Tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý đối với các thiếu sót, sai phạm về tổ chức, cán bộ, quản lý tài chính, quản lý tài sản.

Việc kiểm điểm trách nhiệm hoàn thành trước ngày 15/9/2017.

Báo cáo việc thực hiện kết luận Thanh tra (qua Thanh tra Bộ) trước ngày 31/10/2017. 

Thùy Linh