Bước đà cho chương trình mới, sao lại hướng giáo viên tới mô hình VNEN?

21/09/2018 06:48
Thanh An
(GDVN) - Không hiểu vì sao khi triển khai chuyên môn cho năm học, tập huấn cho giáo viên thì lãnh đạo ngành giáo dục lại yêu cầu giáo viên tập huấn theo mô hình VNEN?

LTS: Mô hình VNEN đã được phản ánh có nhiều điểm chưa phù hợp với nhiều địa phương.

Tuy nhiên, thầy giáo Thanh An phản ánh rằng các giáo viên được tập huấn định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới theo mô hình VNEN.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mô hình dạy VNEN đã được nhiều địa phương triển khai rầm rộ, tập huấn cho giáo viên, mở rộng ra nhiều trường rồi phải co về “tự nguyện” bởi có nhiều phụ huynh phản đối, giáo viên lên tiếng.

Điều đó, cũng đồng nghĩa VNEN không phù hợp với giáo dục của nhiều địa phương hiện nay. Nhưng, không hiểu vì sao khi triển khai chuyên môn cho năm học, tập huấn cho giáo viên thì lãnh đạo ngành giáo dục lại cứ yêu cầu giáo viên tập huấn theo mô hình VNEN?

Trong những năm qua, mà thậm chí là đầu năm học này khi đi tham gia tập huấn chuyên môn thì giáo viên chúng tôi vẫn luôn nghe đến cụm từ chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới trong những năm tiếp theo.

Thông tin Bộ triển khai chương trình phổ thông mới thì chúng tôi nghe nhiều, đọc cả chương trình tổng thể, chương trình môn học, đọc và tiếp cận nhiều bài phân tích, phản biện cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thế nhưng, việc lãnh đạo ngành giáo dục cứ muốn “dẫn dắt” giáo viên hướng tới mô hình VNEN thì giáo viên chúng tôi không đồng tình.

Bởi, thời gian qua, chúng ta đã thấy có nhiều địa phương đã cương quyết nói không với VNEN vì phương pháp giảng dạy không phù hợp với thực tiễn giáo dục của địa phương mình.

Chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn định hướng dạy theo mô hình VNEN? Ảnh minh họa: VTV
Chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn định hướng dạy theo mô hình VNEN? Ảnh minh họa: VTV

Hơn nữa, giá sách VNEN quá đắt so với sách truyền thống và mặt chung của kinh tế các phụ huynh học sinh.

Nhất là, hiệu quả đào tạo không như kỳ vọng, học sinh khó tiếp cận được nội dung bài học để lĩnh hội tri thức. Vì thế, nếu phải kế thừa “di sản” của VNEN thì giáo viên chúng tôi không hề thích thú chút nào.

Hiện nay, ở địa phương chúng tôi đang giảng dạy, có nhiều trường không dạy VNEN nhưng khi đi dự giờ hoặc được phân công thực hiện các chuyên đề thao giảng của Sở, của Phòng cứ hướng tới việc phải trải qua 5 bước của mô hình VNEN là Khởi động; Hình thành kiến thức; Luyện tập; Vận dụng; Tìm tòi mở rộng.

Trong 5 bước này thì bước “Khởi động” thường được chú trọng nhất.

Địa phương chúng tôi đã từng tập huấn cho giáo viên 2 ngày về “Khởi động” của VNEN cho tất cả những giáo viên không dạy VNEN.

Theo ý kiến của những thầy cô báo cáo chuyên môn thì hoạt động “Khởi động” sẽ tạo tâm thế cho học sinh. Nhưng, việc tạo tâm thế cho học sinh trong học tập thì lâu nay giáo viên cũng đã làm trong phần giới thiệu bài mới.

Bước đà cho chương trình mới, sao lại hướng giáo viên tới mô hình VNEN?  ảnh 2"Bóng dáng VNEN trong chương trình mới"

Cớ gì cứ phải mặc định tên gọi “Khởi động” đầu giờ cho học trò làm gì cho phức tạp. Bởi, trong giảng dạy phương pháp truyền thống cũng đã có phần giới thiệu bài mới cho học sinh, phần này cũng tương đương với phần khởi động của VNEN.

Những tiết dự giờ các chuyên đề do Hội đồng bộ môn tổ chức, xây dựng, điều chúng tôi thấy là mặc dù nhiều trường không dạy sách VNEN nhưng phải thực hiện các bước của VNEN khiến cho giáo viên thực hiện cũng vô cùng lúng túng.

Phần khởi động cũng chỉ là một vài hoạt động nhỏ như hát hò, đoán chữ theo hình hay hoạt cảnh của một câu chuyện vu vơ thì cũng không giải quyết được vấn đề gì.

Điều trớ trêu nhất là giáo viên “diễn” rất gượng ép, phải khen học trò cho dù học trò trả lời sai, học trò không thực hiện được yêu cầu bài học.

Nhưng, thân ôi, có lẽ một lời nhắc nhở nghiêm khắc đôi khi có tác dụng hơn một ngàn lời khen “giả vờ” để đánh lừa thị giác của nhau.

Không chỉ trong giảng dạy mà trong quá trình thực hiện soạn giáo án của giáo viên đang dạy phương pháp truyền thống cũng được Hội đồng bộ môn yêu cầu, gợi ý soạn theo 5 bước của VNEN. 

Trong khi, mọi người đều biết rằng giáo án chỉ là phần cứng để giáo viên định hướng cho bài dạy của mình và dĩ nhiên bài giảng không thể nào đóng khung theo giáo án khô cứng bởi mỗi lớp, mỗi đối tượng học sinh khác nhau.

Bước đà cho chương trình mới, sao lại hướng giáo viên tới mô hình VNEN?  ảnh 3Nếu chương trình mới sử dụng mô hình, phương pháp VNEN sẽ là bước thụt lùi

Trong quá trình giảng dạy có nhiều tình huống sẽ xảy ra mà người thầy phải linh hoạt để hướng tới hiệu quả cho bài dạy của mình.

Nhất là những trường đang dạy sách giáo khoa năm 2000 thì tại sao lại gợi ý để giáo viên đi soạn theo giáo án của VNEN cho phức tạp vấn đề?

Không chỉ có các hoạt động giảng dạy trên lớp được hướng tới VNEN mà giáo viên các địa phương còn phải phải thường xuyên cập nhật thông tin, đưa bài lên trang trường học kết nối (mô hình trường học mới).

Trong khi, Website này chủ yếu là những chỉ thị, định hướng của mô hình trường học mới.

Nhiều Ban giám hiệu còn thường xuyên cập nhật thông tin xem giáo viên trường mình có tham gia sinh hoạt ở trường học kết nối hay không để nhắc nhở trong những buổi hội họp của nhà trường.

Tại sao dự án VNEN đã kết thúc, ngành giáo dục đang hướng tới việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới, vậy thì hà cớ gì lại yêu cầu giáo viên cứ luẩn quẩn ở mô hình VNEN - một mô hình dạy học mà nhiều địa phương đã từng tẩy chay nó?

Thanh An