Ca dao tục ngữ Việt Nam – một cuốn sách làm ẩu

02/07/2018 06:09
Trần Sơn
(GDVN) - Cuốn sách Ca dao tục ngữ Việt Nam do Phương Thu sưu tầm và biên soạn được Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 2004 lại có rất nhiều sai sót.

LTS: Chỉ ra các sai sót chủ yếu trong phần Tục ngữ của cuốn sách Ca dao tục ngữ Việt Nam do Phương Thu sưu tầm và biên soạn được Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 2004, tác giả Trần Sơn đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ở bài viết này, người viết xin được chỉ ra các sai sót chủ yếu trong phần Tục ngữ của cuốn sách.

Phần này gồm hơn 100 trang sách, liệt kê các câu tục ngữ theo các chủ đề khác nhau.

Trong phần này, do sơ suất từ khâu biên soạn, biên tập và in ấn đã có hàng chục câu tục ngữ sai với các kiểu sai khác nhau đã làm cho các câu tục ngữ này bị biến dạng, nhiều khi rất vô nghĩa và hài hước.

Bìa trước cuốn sách Ca dao tục ngữ Việt Nam (Ảnh: tác giả cung cấp).
Bìa trước cuốn sách Ca dao tục ngữ Việt Nam (Ảnh: tác giả cung cấp).

Nhầm thơ trong Truyện Kiều thành tục ngữ

Có một số câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du mà soạn giả Phương Thu lại nhầm thành tục ngữ.

Đó là câu “Chữ trinh đáng giá ngàn vàng” (trang 40), đây vốn là câu thứ 3095 trong Truyện Kiều; còn câu “Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê” (trang 86) là câu thứ 1306 của Truyện Kiều.

Chữ tác đánh chữ tộ

Tất nhiên mỗi câu tục ngữ cũng như các thể loại văn học dân gian khác có thể có nhiều dị bản, nhưng trong cuốn sách này rất nhiều câu tục ngữ bị viết sai chứ đó không phải là các dị bản của câu tục ngữ đó.

Đây là kiểu sai sót phổ biến trong cuốn sách này, không biết là do khâu biên soạn, biên tập hay lỗi đánh máy mà rất nhiều câu trong đó chữ “tác” đánh chữ “tộ” làm cho nhiều câu tục ngữ bị sai nghĩa, thậm chí vô nghĩa.

Câu “Ăn lấy chắc, mặc lấy bền” bị biến thành câu “Ăn lấy chắc, mặc lấy tiền” (trang 4).

“Mặc lấy bền” mới có ý nghĩa và tương thích với vế trước của nó là “Ăn lấy chắc”, chứ “mặc lấy tiền” thì có ý nghĩa gì?

Câu “Xấu mặt xin tương, cả phường cùng húp” được những người làm sách chép thành “Xấu mặt xin tương, cả phường cùng úp” (trang 6). Xin tương là để cùng húp chứ xin tương để cùng úp thì có nghĩa gì?

Ca dao tục ngữ Việt Nam – một cuốn sách làm ẩu ảnh 2Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 có phải sai ngữ pháp, diễn đạt?

Câu “Giàu thủ kho, no nhà bếp” bị biến thành “Giàu chủ kho, no nhà bếp” (trang 7).

“Chủ kho” thì giàu là tất nhiên rồi, sao cần phải nói nữa; thực ra, từ đúng trong câu tục ngữ này phải là “thủ kho” (người giữ kho). Đây chắc nhìn chữ nọ sọ chữ kia nên hóa sai.

Câu “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ” được cuốn sách viết thành “Tay làm hàm nhai, tay quay miệng trễ” (trang 15) đã làm cho câu tục ngũ bị sai nghĩa hoàn toàn vì “tay quay” cũng có nghĩa là “tay làm” (quay có nghĩa là hoạt động).

Vậy “tay làm” mà “miệng trễ” thì mâu thuẫn quá, không hợp với lôgíc trong câu tục ngữ này.

Câu “Ăn cơm lừa thóc, ăn cóc bỏ gan” bị biến thành câu “Ăn cơm lừa thóc, ăn cỏ bỏ gan” (trang 20).

Cỏ làm sao có gan mà bỏ? Làm sách tục ngữ kiểu này đúng là quá xem thường độc giả.

Câu “Ghen vợ, ghen chồng chẳng nồng bằng ghen ăn” được soạn giả chép thành “Ghen vợ, ghen tuồng không nồng bằng miếng ăn” (trang 20).

Đang nói về “ghen vợ” sao không ghép với “ghen chồng” lại ghép “ghen tuồng”? Đây cũng là kiểu chép nhầm “tác” thành “tộ”.

Câu “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống” được cuốn sách viết thành “Tiền vào nhà khó như gió từ nhà trống”.

“Từ” với “vào” nghĩa khác nhau, vế trước dùng từ “vào” thì vế sau cũng phải dùng từ “vào” mới hợp lôgíc và cấu trúc của câu tục ngữ này.

Câu “Của chẳng ngon, nhà đông con cũng hết” bị viết sai thành câu “Của chẳng ngon, nhà nhiều con chẳng hết” (trang 42).

Nghĩa của câu tục ngữ sai này rất không ổn vì nó phi lôgic. Câu tục ngữ này nghĩa hai vế là đối lập nhau, “của chẳng ngon” nhưng “nhà đông con cũng hết” mới hợp lý chứ “của chẳng ngon” nhưng “nhà nhiều con chẳng hết” thì chẳng có ý nghĩa gì.

Câu “Hùm dữ chẳng nỡ ăn thịt con” bị viết sai thành “Hùm dỡ chẳng nở ăn thịt con” (trang 43).

Đọc câu tục ngữ sai này nghe như là đang nói về một loài thực vật nào đó chứ không phải nói về con vật.

Trang 46 có câu “Áo năng may năng nói, người năng tới năng thân”. Áo mà lại biết nói ư? Hay là tác giả đã nhân hóa?

Ca dao tục ngữ Việt Nam – một cuốn sách làm ẩu ảnh 3Văn phong trong bài đọc “Kho báu” trong Tiếng Việt 2 không có gì sai

Hóa ra là lỗi nhầm từ do trông gà hóa cuốc, từ “mới” lại đánh thành từ “nói”, vì câu tục ngữ đó đúng phải là “Áo năng may năng mới, người năng tới năng thân”.  

Vẫn ở trang này, lại có câu “Thua trời một bạn, không bằng thua bạn một ly”. Đọc lên thấy rất lạ, từ xưa nay lấy “bạn” làm đơn vị số lượng để so sánh bao giờ và “bạn” thì làm sao đối được với “ly”.

Hóa ra, cụm từ “một vạn” được những người làm sách đánh nhầm thành “một bạn”.

Thực ra câu tục ngữ này còn có một dị bản nữa là “Thua thầy một vạn, không bằng thua bạn một ly”.

Trang 48 có 2 câu tục ngữ được viết sai: “Tháng giêng rét dài, tháng hai rét lộc, tháng ba rét nàng Bần” và “Mồng bảy ngâu ra, mồng ba ngâu vàng”. Thì ra, chữ “tác” đánh chữ “tộ” nên “Bân” viết thành “Bần” , “vào” viết thành “vàng”.

Trang 49 của cuốn sách lại có câu tục ngữ rất lạ “Sao mau thì mưa, sao vắng thì nắng” mặc dù ngay dưới câu này là câu “Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa”.

Vậy là hai câu tục ngữ này “cãi nhau”: một câu nói xuôi, một câu nói ngược. Thực ra, chỉ có câu sau là đúng, câu trước là sai. Đây là lỗi của soạn giả và cả người biên tập.

Trang 55 có câu “Làm tùy phủ, ngủ tùy chồng”. Đang nói về nơi chốn sao lại nói người, “phủ” thì phải đi với “nhà” chứ, sao lại đi với “chồng”.

Thực ra, câu tục ngữ đúng là “Ăn tùy chủ, ngủ tùy chồng”. Hóa ra, do nghe từ được, từ mất mà những người làm sách đã nhầm “chủ” thành “phủ”.

Trang 59 của cuốn sách có câu tục ngữ rất kỳ dị “Giỏ nhà ai cha nhà ấy”. “Giỏ” thì liên quan gì đến “cha” mà đưa “cha” vào câu tục ngữ này làm cho nó thật tối nghĩa.

Thực ra, chỉ có câu tục ngữ “Giỏ nhà ai, quai nhà ấy”, vì chỉ có “quai” đi với “giỏ” mới hợp.

Và, có như vậy mới đảm bảo ý nghĩa và vần của câu tục ngữ chứ không có câu tục ngữ sai như sách đã viết.

Trang 60 có câu “Ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò chạy đi”.

Trẻ mới có chín tháng thì làm sao mà “chạy đi” được, mà mới “lò dò” thì làm sao mà “chạy đi” được?

Đây là lỗi kiến thức của soạn giả. Thực ra, phải thay “chạy đi” bằng “biết đi” mới đúng.

Trang 63 có câu “Để đau chạy thuốc, chẳng tành giải trước thì hơn”. Đọc câu này, độc giả chẳng hiểu “chẳng tành” có nghĩa là gì.

Ca dao tục ngữ Việt Nam – một cuốn sách làm ẩu ảnh 4Hy vọng sách giáo khoa lần này được viết lại hoàn chỉnh hơn

Hóa ra, những người làm sách nhầm chữ nọ sang chữ kia, “chẳng thà” hóa “chẳng tành”. Đúng là một kiểu làm sách quá ẩu!

Trang 56 cũng có lỗi tương tự khi sách viết nhầm “hỏng” thành “lỏng” trong câu “Kén quá hóa lỏng”. Đọc câu tục ngữ sai này độc giả không hiểu vì sao “kén quá” lại “hóa lỏng”.

Câu tục ngữ “Gieo gió gặt bão” bị viết sai thành “gieo gió gặp bão” (trang 113). Đây là câu tục ngữ chỉ quan hệ nhân quả nên “gieo” phải đi với “gặt” mới phù hợp, chứ không thể đi với “gặp”.

Trang 115 có cuốn sách có câu tục ngữ rất buồn cười “Kéo ăn thì no, kéo co thì ấm”.

Phải chăng những người làm sách này hiểu câu tục ngữ trên là “kéo nhau đi ăn thì sẽ no và mùa rét năng kéo co thì sẽ ấm”?

Thực ra, đây là câu tục ngữ rất quen thuộc “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”.

Làm sách tục ngữ kiểu này đúng là làm hỏng ngôn ngữ, tục ngữ thành “ngữ tục”!

Câu “Con bò cạp có nọc đằng đuôi” bị chép sai thành “Con bò cọp có nọc ở đuôi” (trang 25).

Bò là bò, cọp là cọp làm gì có con bò cọp. Hóa ra là lỗi biên tập, lỗi đánh máy ẩu nên “con bò cạp” thành “con bò cọp”.

Tương tự như trên câu “Trưởng giả còn thiếu trã nấu ăn” bị viết sai thành “Tưởng giả còn thiếu chã nấu ăn”.

Vì lỗi đánh máy, lỗi chính tả mà câu tục ngữ này thật tối nghĩa, không hiểu nổi.

Trong phần Tục ngữ, lỗi đánh máy chữ nọ sọ chữ kia, sai chính tả trong cuốn sách còn xuất hiện ở rất nhiều câu tục ngữ nữa như:

Câu “Vắng trăng có sao, vắng đào có lý” thành “Vầng trăng có sao, vắng đào có lý” (trang 39);

Câu “Ở góa ba năm lấy chồng buồn ngủ” thành “Ở hóa ba năm lấy chồng buồn ngủ” (trang 37);

“Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp” thành “Một tiếng giữa làng, bằng một sàng xó bếp” (trang 34);

“Lẽ” thành “lẻ” trong câu “Gái phải làm lẻ thà rằng chết trẻ còn hơn” (trang 35);

Ca dao tục ngữ Việt Nam – một cuốn sách làm ẩu ảnh 5Tiếng Việt và những biến đổi thú vị

“Nhỡ” thành “nhở” trong câu “Đừng tham da trắng tóc dài, đến khi nhở bữa chẳng mài mà ăn” (trang 35);

“Mặt” thành “mặc” trong câu “Đánh chuông ra mặc, đánh giặc ra tay” (trang 33);

“Lắt léo” thành “lắc léo” trong câu “Lưỡi không xương nhiều đường lắc léo” (trang 32);

“Đau” thành “đâu” trong câu “Miếng ngon nhớ lâu, lời đâu nhớ đời”;

“Phường” thành “phương” trong câu “Buôn có bạn, bán có phương” (trang 18);

“Trỏ: thành “trò” trong câu “Cho nhau vàng, không bằng trò đàng đi buôn” (trang 18);

“Xơ” thành “sơ” trong câu “Ăn mít bỏ , ăn cá bỏ lờ” (trang 10).

Ngoài ra, còn rất nhiều câu khác trong phần Tục ngữ cũng bị in sai như:   

“Hết cơn bỉ cực, đến hồi thái lai” (trang 116); “Tắt đèn, ngà ngói cũng như nhà tranh” (trang 116); “Non cao ai đắp mà ca...” (trang 113); “Con giun xét lắm cũng quằng” (trang 109); “Văn minh, vợ người” (trang 109); “Đi một ngày đàng, học một sàn khôn” (trang 106);

“Những người mắt nhọ nhem, bởi chưng kiếp trước đĩa đèn không lau” (trang 94); “Đất cứng trồng cây ngả ngiên” (trang 74); “Nhất chơi tiền, nhì giơn tiền” (trang 64); “Ba năm ở với người đồng/Chẳng bằng một lúc đứng gần người khôn” (trang 105).

Phải chăng vì cuốn sách này không có người sửa bản in (không thấy đề ở cuối sách) nên sách này có rất nhiều lỗi đánh máy và người đánh máy lại là một người nghiệp dư và làm ẩu?

Bìa sau cuốn sách Ca dao tục ngữ Việt Nam (Ảnh: tác giả cung cấp).
Bìa sau cuốn sách Ca dao tục ngữ Việt Nam (Ảnh: tác giả cung cấp).

Râu ông nọ cắm cằm bà kia

Đây là kiểu sai sót mà soạn giả lấy nửa câu tục ngữ nọ ghép mới nửa câu tục ngữ kia để làm ra câu mới một cách khiên cưỡng, không hợp cả về vần và về nghĩa.

Câu “Người khôn ăn nói nửa chừng, để cho người dại biết đâu mà dò” (trang 71) lấy phần đầu của câu “Người khôn ăn nói nửa chừng, để cho người dại nửa mừng nửa lo” (trang 72) và phần cuối của câu “Người khôn rào trước đón sau, để cho người dại nửa mừng nửa lo” (trang 71) rồi ghép một cách cơ học lại với nhau.

Câu “Mực mài tròn, mài son đánh giặc” (trang 24) cũng được lắp ghép theo cách tương tự như trên.

Phần đầu “Mực mài tròn” lấy ở câu “Mực mài tròn, son mài dài”; phần sau “mài son đánh giặc” lấy ở câu “Mài mực ru con, mài son đánh giặc”.

Đây đúng là cách sáng tác tục ngữ theo kiểu “Râu ông nọ cắm cằm bà kia” điển hình của soạn giả.

Chẻ một câu tục ngữ làm hai

Đây có lẽ là lỗi trình bày. Một câu tục ngữ dạng thơ lục bát được trình bày thành 2 dòng nhưng đầu mỗi dòng đều có dấu gạch ngang nên người đọc nhầm tưởng là 2 câu tục ngữ.

Có hàng chục câu tục ngữ mắc lỗi như vậy kéo dài suốt từ trang 105 đến trang 115.

Sau đây, người viết, xin được trích ra một số câu tiêu biểu theo cách trình bày của những người làm sách:

- Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.

- Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người (trang 105).

Ca dao tục ngữ Việt Nam – một cuốn sách làm ẩu ảnh 7Người Việt nói và viết sai tiếng Việt thành quen

- Muốn sang thì bắc cầu kiều,

- Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy (trang 106).

- Một cây làm chẳng nên non,

- Ba cây chụm lại nên hòn núi cao (trang 107).

- Người khôn con mắt đen sì,

- Người dại con mắt nửa chì nửa thau (trang 108).

- Nói lời thì giữ lấy lời,

- Đừng như con bướm đầu rồi lại bay (trang 109).

- Vàng thì thử lửa thử than,

- Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời (trang 110).

- Thứ nhất thì tu tại gia,

- Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa (trang 112).

- Khúc sông bên lở bên bồi,

- Bên lở lở mãi, bên bồi bồi thêm (trang 113).

- Sự đời nghĩ cũng nực cười,

- Một con cá lội mất người buông câu (trang 114) -> Câu này từ “mấy” bị viết sai thành từ “mất” .

- Ai ơi đã quyết thì hành.

- Đã đan thì lận tròn vành mới thôi (trang 115).

Nhầm thành ngữ, tục ngữ thành ca dao

Trong phần cuối của cuốn sách (phần Ca dao), trong mục 14. Ca dao đối với giai cấp phong kiến, soạn giả đã đưa hàng trăm câu tục ngữ, thành ngữ vào mục này.

Vậy là soạn giả không phân biệt rõ được đâu là ca dao, đâu là tục ngữ, thành ngữ.

Dưới đây là một số câu tục ngữ, thành ngữ tiêu biểu được soạn giả sách chuyển thành ca dao:

Ca dao tục ngữ Việt Nam – một cuốn sách làm ẩu ảnh 8Từ điển chính tả... sai chính tả

Đầu tắt, mặt tối; Thắt lưng, buộc bụng; Cái khó bó cái khôn; Tham buổi giỗ, lỗ buổi cày; Một năm làm nhà, ba năm hết gạo; Ruộng sâu, trâu nái; Hết nạc vạc đến xương;

Giàu bán chó, khó bán con; Bút sa, gà chết; Miệng quan, trôn trẻ; Được làm vua, thua làm giặc; Nén bạc đâm toạc tờ giấy; Khó giữ đầu, giàu giữ của ;...

Cuốn sách ca dao tục ngữ Việt Nam có nhiều sai sót này, năm 2010, lại được Nhà xuất bản Thời Đại liên kết với Nhà sách Minh Thắng xuất bản vẫn giữ nguyên mẫu bìa cả trước, cả sau.

Tuy nhiên, trong cuốn sách mới này vẫn còn hàng câu tục ngữ sai vẫn chưa được sửa chữa như:

Ăn cơm lừa thóc, ăn cỏ bỏ gan; Ở hóa ba năm, lấy chồng buồn ngủ; Giàu chủ kho, no nhà bếp; Mực mài tròn, mài son đánh giặc; Làm tùy phủ, ngủ tùy chồng;

Áo năng may năng nói, người năng tới năng thân; Ghen vợ, ghen tuồng không nồng bằng miếng ăn; Đánh chuông ra mặc, đánh giặc ra tay; Kén quá hóa lỏng; Ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò chạy đi; Để đau chạy thuốc, chẳng tành giải trước thì hơn...

Hiện nay trên mạng, một số nhà sách và Facebook vẫn đang rao bán cuốn sách này.

Để góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, đề nghị các cơ quan chức năng cho kiểm tra và có biện pháp xử lí thích hợp với các đơn vị xuất bản và phát hành.

Đặc biệt là độc giả cần lựa chọn những cuốn sách được làm một cách nghiêm túc, được ấn hành bởi các nhà xuất bản uy tín.

Trần Sơn