Các địa phương có đang đi ngược sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục?

11/01/2019 07:00
Phan Tuyết
(GDVN) - Hầu như các địa phương trong cả nước đã và đang phớt lờ chỉ đạo của Bộ Giáo dục về mục tiêu hoạt động dạy học 2 buổi/ngày.

LTS: Quy định tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày học không quá 7 tiết thật ra không mới, trong chương trình hiện hành đã có rồi.

Thẳng thắn cho rằng, hầu như các địa phương trong cả nước đã và đang phớt lờ chỉ đạo của Bộ Giáo dục về mục tiêu hoạt động dạy học 2 buổi/ngày, nhà giáo Phan Tuyết đã đưa ra quan điểm của mình thông qua bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Chương trình giáo dục phổ thông mới có quy định cấp tiểu học “thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học.

Cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học”.

Bộ Giáo dục đã quy định rất rõ “mục tiêu của hoạt động dạy học 2 buổi/ngày là nhằm tăng cường giáo dục toàn diện, đặc biệt là tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hoá - nghệ thuật, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh; hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm; đáp ứng yêu cầu quản lí và giáo dục học sinh của gia đình và xã hội; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”. 

Các địa phương trong cả nước có đang phớt lờ chỉ đạo của Bộ Giáo (Ảnh minh họa: TTXVN).
Các địa phương trong cả nước có đang phớt lờ chỉ đạo của Bộ Giáo (Ảnh minh họa: TTXVN).

Quy định tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày học không quá 7 tiết thật ra không mới, trong chương trình hiện hành đã có rồi.

Có điều hầu như các địa phương trong cả nước đã và đang phớt lờ chỉ đạo của Bộ Giáo dục về mục tiêu hoạt động dạy học 2 buổi/ngày.

Điều này đã trực tiếp tạo áp lực học hành quá lớn đối với các em học sinh và cướp đi thời gian vui chơi cần thiết cho lứa tuổi của các em.

Học sinh bị bội thực với kiến thức mà thiếu thời gian học kĩ năng

Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rõ “học sinh học 2 buổi/ngày là nhằm tăng cường giáo dục toàn diện, đặc biệt là tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hoá - nghệ thuật, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh…”.

Thế nhưng nhiều địa phương lịch học của các em chủ yếu học Toán, tiếng Việt và bổ sung bằng Toán (bổ sung), tiếng Việt (bổ sung).

Một tuần học sinh học 35 tiết nhưng có đến 24 tiết học Toán và tiếng Việt. Nhiều ngày học sinh phải học tới 4-5 tiết Toán, tiếng Việt.

Trong khi Bộ Giáo dục chỉ đạo “tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hoá - nghệ thuật, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh” lại chẳng mấy trường chú tâm.

Mỗi ngày, học trò tiểu học lên lớp không quá 7 tiết

Với lịch học dày đặc như thế, học sinh đến trường là vào lớp chúi đầu chúi mũi học miệt mài đến khi ra về.

Chưa hết, có không ít trường tan học lúc 4 giờ 30 phút nhưng giữ học sinh ở lại thêm 1 tiếng 30 phút để dạy thêm dưới hình thức tăng cường phụ đạo học sinh yếu và bồi dưỡng học sinh khá giỏi.

Giáo viên cũng chủ yếu dạy 2 môn Toán, tiếng Việt.

Một số trường không tổ chức dạy tập trung thì ba mẹ một số em cũng chở con đến nhà thầy cô học tiếp vào buổi tối. Và giáo viên cũng chỉ dạy 2 môn Toán và tiếng Việt.

Tập trung dạy kiến thức văn hóa mà bỏ qua khá nhiều kiến thức kĩ năng. Thế nên không ít học sinh ngoài việc học chẳng biết thêm điều gì.

Có cô bé học lớp 5 mếu máo hỏi giáo viên: “Cô ơi con trai đụng vào tay thì có bầu không ạ?”. Hay có học sinh ngây ngô hỏi: “trồng cây mía để ăn trái hả cô?”.

Học lớp 3 nhưng chẳng biết cầm cây chổi quét lớp, nhìn bó rau muống thì bảo rằng rau cần. Hay đau bụng chỉ biết ngồi khóc, không có bút cũng chẳng biết mượn bạn bè chỉ ngồi im chờ thầy cô mượn giúp…

Học sinh luôn khao khát được tham gia các hoạt động vui chơi ở trường. Chỉ cần hỏi “em nào đăng kí vào đội múa, hát để biểu diễn trong buổi ngoại khóa?”, y như rằng gần như cả lớp đều hào hứng muốn được tham gia.

Tại sao mô hình dạy học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học chưa đạt hiệu quả?

Mỗi lần có giao lưu, khi tiếng trống ra chơi vang lên, học sinh tự khắc mang ghế ra dàn hàng ngồi trước sân trường chờ đợi mặc cho cái nắng chói chang vì các em mong ngóng đến giờ sinh hoạt.

Bộ Giáo dục sẽ giám sát cách nào?

Không chỉ ra công văn là được. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải có biện pháp kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ những hoạt động dạy và sinh hoạt ở các địa phương.

Giám sát hiệu quả nhất chỉ bằng cách kiểm tra thời khóa biểu, nội dung giảng dạy của trường, các kế hoạch giảng dạy và sinh hoạt ngoài giờ…

Khi phát hiện kế hoạch giảng dạy của trường không giống như sự chỉ đạo như thiên về học văn hóa chủ yếu tập trung ở 2 môn Toán, tiếng Việt, Bộ cần chấn chỉnh kịp thời trên tinh thần nghiêm khắc.

Có thế mới trang bị cho trẻ nhiều kĩ năng sống đồng thời giảm được áp lực học hành trên vai những đứa trẻ con.

Tài liệu tham khảo:

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Moi-ngay-hoc-tro-tieu-hoc-len-lop-khong-qua-7-tiet-post194508.gd

Phan Tuyết