Các em học toán công phu nhưng ứng dụng lại rất thấp

24/05/2018 06:07
Lại Cường
(GDVN) - Chương trình toán học phổ thông cần giản tiện bớt những kiến thức hàn lâm, tập trung vào các đối tượng học sinh cụ thể và thiết thực hơn.

Đó là chia sẻ của thầy giáo Nguyễn Phúc Lan, giáo viên dạy toán trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Giang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) về chương trình toán phổ thông hiện nay.

Bên lề cuộc hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0”, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với thầy giáo Lan về định hướng nghề nghiệp, chương trình toán phổ thông cho các em học sinh trường vùng nông thôn.

Buổi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0” do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc và Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Giang phối hợp tổ chức.

Mở đầu cuộc trao đổi thầy Lan cho biết, đặc thù học sinh tại trường Nguyễn Thị Giang chủ yếu là học sinh nông thôn, trong bối cảnh các con số thất nghiệp của sinh viên sau khi ra trường ngày một lớn, học sinh của trường đã xác định chọn học nghề làm định hướng cho tương lai.

Thầy giáo Nguyễn Phúc Lan cho rằng chương trình cần giảm tải đề phù hợp với từng đối tượng học sinh cụ thể. Nhất là vùng nông thôn. (Ảnh: Lại Cường)
Thầy giáo Nguyễn Phúc Lan cho rằng chương trình cần giảm tải đề phù hợp với từng đối tượng học sinh cụ thể. Nhất là vùng nông thôn. (Ảnh: Lại Cường)

Với việc định hướng của các em học sinh như vậy, thầy Lan cũng như các thầy cô giáo khác đều có những định hướng và chuẩn bị kiến thức cho các em trước ngưỡng cửa mới của các em.

Thầy giáo Lan cho biết, là vùng nông thôn, đầu vào học sinh còn thấp nên việc lựa chọn kiến thức cho các em là rất quan trọng.

Do đó, việc ưu tiên của giáo viên dạy toán của trường Nguyễn Thị Giang  là cần điều chỉnh cách dạy, cách học phù hợp đối tượng học sinh và điều kiện của trường.

Bên cạnh việc cập nhật các vấn đề mới, các thầy cô giáo vẫn phải sử dụng các bài tập mang tính vận dụng thấp cho các em. Đảm bảo mức độ vận dụng để các em đạt được điểm cơ bản.

Những em nào xác định học cao hơn vẫn có những bài tập mang tính vận dụng cao để các em đảm bảo điều kiện học tập.

Thầy giáo Lan chia sẻ thẳng thắn rằng việc nhận thức của các em về nghề nghiệp cũng đã khác, thiết nghĩ ngành giáo dục nên có sự phân ban mạnh mẽ hơn nữa để đảm bảo lượng kiến thức các em học tập và tiếp nhận. Các em học sinh nên ưu tiên học những gì vừa phát triển tư duy vừa tiệm cận với cuộc sống sẽ thiết thực, hữu ích hơn…

Các em học toán công phu nhưng ứng dụng lại rất thấp ảnh 2Dạy Văn bây giờ mà chỉ dựa vào sách là thua rồi!

Thầy Lan lấy ví dụ, với những học sinh xác định đi học nghề, việc học số phức với các em là quá nặng, những em học sinh muốn học cao hơn thì có thể học thêm về số phức để tạo nền tảng. Nhưng với các em đi học nghề thì không cần.

Đánh giá chung về chương trình Toán, thầy giáo Lan chia sẻ, việc học toán hiện nay trong trường phổ thông có thể nói là nhiều kiến thức bị lãng phí, các em phải bỏ ra rất nhiều thời gian học, học công phu nhưng những kiến thức ấy các em chỉ sử dụng để đi thi. Hầu hết các em thi xong là quên luôn để tập trung vào các kỳ thi khác.

Do đó cần giảm tải cho các em học sinh theo phân loại.

Cái được lớn nhất trong dạy học giảm tải là giáo viên biết cách giúp học sinh tự khám phá những điều chưa biết, chứ không phải thụ động tiếp thu những tri thức được sắp đặt sẵn, bảo đảm được việc học sinh tự mình hoàn thiện nhiệm vụ nhận thức với sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên.

“Chưa cần các em có những năng lực vận dụng cao hay những kiến thức ngoài, chỉ cần các em học sinh có năng lực hạn chế nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa cũng là thành công của thầy giáo rồi”. Thầy Lan tâm sự.

Theo kinh nghiệm của mình, thầy giáo Lan cho biết, để thực hiện tốt việc giảm tải, tổ Toán của trường Nguyễn Thị Giang vẫn chú trọng xây dựng ma trận đề thi theo bốn mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Học sinh vùng nông thôn thích những kiến thức gần gũi và mang tính ứng dụng cao như những bài học của nhà giáo Nguyễn Lân Dũng. (Ảnh: Lại Cường)
Học sinh vùng nông thôn thích những kiến thức gần gũi và mang tính ứng dụng cao như những bài học của nhà giáo Nguyễn Lân Dũng. (Ảnh: Lại Cường)

Sau khi có kết quả các bài kiểm tra một tiết, định kỳ, giáo viên sẽ tăng cường dạy theo hướng vận dụng kiến thức ở mức độ cao đối với học sinh khá, giỏi và giảm vận dụng kiến thức cho học sinh yếu.

Hiện nhà trường cũng mở nhiều lớp miễn phí để bổ sung kiến thức cho học sinh yếu kém trong nhà trường. Thầy Lan cho biết.

Thông qua việc dạy học giảm tải theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất, học sinh không chỉ hào hứng trong học tập, mà còn có ý thức tự học, biết được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để rèn luyện, phấn đấu, tạo tiền đề quan trọng trong định hướng nghề nghiệp.

Các ngành nghề các em hướng tới, các lý thuyết toán học có tính ứng dụng các em rất hào hứng học.

Tuy nhiên, Thây giáo Lan chia sẻ kinh nghiệm cho rằng để đạt kết quả tốt, các trường cần chú trọng nâng cao chất lượng giáo viên và rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học.

Những bài học của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng sẽ là bài học để các em mang theo trong hành trang cuộc sống. Ảnh: Lại Cường)
Những bài học của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng sẽ là bài học để các em mang theo trong hành trang cuộc sống. Ảnh: Lại Cường)

“Căn cốt nhất của các em vẫn là ý thức tự học, nếu giáo viên không rèn luyện cho các em được ý thức tự học thì dù có nỗ lực đến mấy trong việc truyền thụ kiến thức cho các em cũng bằng không.” Thầy Lan cho biết.

Dự hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0” với diễn giả là Giáo sư, nhà giáo Nguyễn Lân Dũng, thầy Lan đã bày tỏ cảm xúc đặc biệt về phong cách, sự truyền tải của thầy.

“Với cách kể chuyện và đối thoại với các em, chứ không thuyết giảng đạo lý như nhiều các thầy cô giáo vẫn làm đã khiến các em ấn tượng mạnh”. Thầy Lan cho biết, “thầy Dũng không chỉ là người truyền lửa cho các em học sinh mà còn là người truyền lửa cho chinh cách thầy cô giáo. Nhất là các thầy cô giáo giảng dạy tại vùng nông thôn còn khó khăn”.

Chuỗi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước.

Với diễn giả đặc biệt là giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục ngàn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên các trường.

Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội.

Hiện tại, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

Các trường có thể đăng ký qua hotline: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777,

Email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả.

Lại Cường