Các thầy cô, hãy lên tiếng cho "bóng tối lui dần, cho giáo dục nở hoa"

22/09/2017 06:49
Phan Tuyết
(GDVN) - Mỗi thầy cô thắp lên một ngọn lửa ,nó sẽ có đủ sức mạnh và sự lan tỏa. Đến lúc này ‘bóng tối sẽ lui dần” nhường chỗ cho “mảnh đất giáo dục màu mỡ nở hoa”.

LTS: Trước những góc khuất còn tồn tại trong ngành giáo dục, bản thân là một nhà giáo đang ngày ngày tham gia vào sự nghiệp trồng người, cô Phan Tuyết đã nêu lên quan điểm và suy nghĩ của mình về thực trạng này.

Theo đó, tác giả cho rằng, chính các thầy cô phải làm tốt nhiệm vụ và vai trò của một nhà giáo. Biết phản ứng và lên tiếng trước những điều sai trái nhằm giữ gìn cũng như phát triển nền giáo dục nước nhà.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Là một nhà giáo, bản thân tôi thường lên tiếng trước những tồn tại, bất cập trong nghề bằng những bài viết phản ánh trung thực những điều mắt thấy tai nghe ngay trong môi trường giáo dục của chính mình và của đồng nghiệp. 

Sau mỗi bài viết nói thẳng nói thật ấy, không ít đồng nghiệp khi gặp tôi thường tỏ ra tay bắt mặt mừng và lên tiếng:

Các thầy cô, hãy lên tiếng cho "bóng tối lui dần, cho giáo dục nở hoa" ảnh 1

Giáo dục đã thực sự là “quốc sách” và vị thế người thầy đang ở đâu?

“Hôm qua mình đọc bài của bạn. Bài viết phản ánh đúng tâm tư, suy nghĩ của giáo viên. Dù rất thích nhưng mình lại không dám like”. 

Có người nói “đọc để hiểu thêm và đọc để ủng hộ (nhưng ủng hộ ngầm) thôi nhé vì sợ chia sẻ hay like sẽ bị sếp để ý”… những câu nói đại loại như thế, tôi nghe thường xuyên, nghe đến thuộc lòng. 

Tôi cứ tự nghĩ đến bày tỏ thái độ thích một bài báo còn không dám làm thì những đồng nghiệp ấy sao có thể dám đứng lên vạch trần cái xấu, cái bất công trong nghề.

Họ chỉ biết im lặng để tự bảo vệ mình, thì sao có thể bảo vệ được đồng nghiệp khi cần? Hay bảo vệ chính nền giáo dục mà họ đang phục vụ?

Họ thà làm "mũ ni che tai"

Đa phần giáo viên đều có suy nghĩ “đấu tranh thì tránh đâu”. Bởi thế, họ luôn tôn thờ suy nghĩ an phận sẽ được yên ổn.

Họ thà chấp nhận làm “mũ ni che tai” chứ tuyệt nhiên ít ai dám lên tiếng, dám phản ứng trước một hiện tượng xấu, trước những chuyện bất công. 

Phần lớn giáo viên đều bị “thui chột” chí khí đấu tranh nên bằng lòng với những suy nghĩ vô cùng thực dụng “không phải việc của mình” hay “không đụng đến mình chẳng việc gì gây chú ý”.

Có người còn tuân thủ quy tắc được đề ra “một điều nhịn là chín điều lành, ai sao mình vậy để cho an toàn bản thân”. 

Hiện nay, nhiều giáo viên còn lo sợ, không dám đưa ra ý kiến của mình (hình minh họa của NOP).
Hiện nay, nhiều giáo viên còn lo sợ, không dám đưa ra ý kiến của mình (hình minh họa của NOP).

Ai cũng sống thu mình, bạc nhược, đề cao chén cơm manh áo. Chính điều này, sẽ là miếng đất màu mỡ cho cái ác lộng hành, cho những tiêu cực ngày một nảy nở trong ngành giáo dục. 

Thế rồi hàng ngày đến trường, phần đông các thầy cô cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, làm tốt những điều ban giám hiệu phân công, chỉ đạo, dù cho một trong những điều ấy chính họ cũng không vừa lòng nhưng chẳng bao giờ họ phản kháng.

Đơn cử như việc dạy học dù không đồng tình với việc đánh giá nhận xét học sinh theo Thông tư 30 nhưng phần lớn thầy cô cũng chẳng dám nói thật lòng mình.

Khi được ban giám hiệu hỏi ý kiến, không ít giáo viên lại được dịp tung hô hết lời. Họ nhìn sắc mặt ban giám hiệu để nói những điều mình không nghĩ như thế.

Rồi mô hình trường học mới VNEN, giáo viên chỉ dám nói thật lòng mình khi họ ngồi với nhau. 

Nhưng khi cần góp ý công khai vẫn ca ngợi VNEN là phương pháp dạy học hiệu quả. Họ nói và làm, nương theo thái độ của người khác chứ tuyệt nhiên không phải suy nghĩ từ đáy lòng.

Cái giá phải trả

Sống an phận, bạc nhược thực ra những nhà giáo đang tự đánh mất mình. 

Nói một cách khác vai trò sứ mạng của người làm giáo dục còn không? Đương nhiên sẽ không còn điều đó. Chính thầy cô chưa trung thực, sao có thể dạy trò không được dối trá? 

Các thầy cô, hãy lên tiếng cho "bóng tối lui dần, cho giáo dục nở hoa" ảnh 3

VNEN vô hiệu hóa người thầy, càng sửa càng rối

Điều này đã tạo ra những vấn nạn cho xã hội mà nguyên nhân sinh ra từ giáo dục không có gốc, giáo dục mất đi nền tảng vững bền. 

Học trò, chính là sản phẩm giáo dục của thầy cô nhưng ngày càng hư, càng lười. 

Những cảnh bạo hành bạn bè, bạo hành luôn chính thầy cô giáo mình không phải là chuyện hiếm. 

Đây chính là tiếng chuông cảnh tỉnh của việc giáo dục “ăn xổi” và thiếu trung thực từ những người làm thầy.

Kiểu sống thu mình, ngại tranh đấu tưởng là an phận, tưởng bản thân sẽ được điều lợi nhưng nó chính là liều thuốc độc quay lại làm hại chính học trò và chính những người thân yêu của mình.

Đơn cử chuyện học VNEN, đã có không ít giáo viên cũng than vắn thở dài khi con phải học theo mô hình này.

Đã có không ít lần thầy cô cũng muốn chuyển cho con ra khỏi ngôi trường học VNEN để về với chương trình hiện hành nhưng lại không làm được. 

Có người lại dùng thủ đoạn “châm ngòi’, hoặc công kích để người khác lên tiếng theo kiểu “chim khôn dấu mỏ, người khôn dấu lời”, hoặc trút những uất ức những khó chịu hay bất bình sau lưng để cùng mọi người lên án, bình phẩm…

Thế nhưng trong các cuộc họp lấy ý kiến họ lại xun xoe ca ngợi phương pháp này tích cực, Thông tư kia phù hợp với thực giáo dục…

Có ai từng suy nghĩ vì sao cái xấu, cái ác hay những điều bất cập vẫn luôn tồn tại trong ngành giáo dục?

Chính những thái độ im lặng, lảng tránh đấu tranh của thầy cô nên những bất cập, những tồn tại ấy vẫn sống hiên ngang nếu không muốn nói rằng ngày càng có nhiều có cơ hội nảy mầm đơm lá.

Chúng ra hãy tự thay đổi chính mình

Đấu tranh với cái xấu trừ khi mình không xấu. Bởi thế cho nên điều trước tiên thầy cô phải tự trang bị cho mình kiến thức chuyên môn và kĩ năng sống vững vàng. Làm tốt nhiệm vụ và vai trò của một nhà giáo. Biết phản ứng với những điều sai trái.

Mỗi thầy cô thắp lên một ngọn lửa nó sẽ có đủ sức mạnh và sự lan tỏa. Đến lúc này ‘bóng tối sẽ lui dần” nhường chỗ cho “mảnh đất giáo dục màu mỡ nở hoa”.

Phan Tuyết