Các trường đại học được gì khi tham gia kiểm định?

15/02/2016 07:38
Xuân Trung
(GDVN) - Tính khách quan trong đánh giá để kiểm định chất lượng giáo dục phụ thuộc vào năng lực của kiểm định viên và bị chi phối bởi quan điểm của từng kiểm định viên.

LTS: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trong năm 2016 là bắt đầu để Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục tham gia vào công tác tư vấn, hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học trong công tác kiểm định. 

Liên quan tới nội dung này, Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam).

PV: Trên cương vị là giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục độc lập, bà cho biết ý nghĩa ra đời của một trung tâm kiểm định độc lập đầu tiên của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam?

Bà Nguyễn Phương Nga: Bộ GD&ĐT cấp phép hoạt động cho Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (CEA-AVU&C) từ tháng 1 năm 2016.

Hiện tại cả nước có 4 Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục độc lập được thành lập, nhưng CEA-AVU&C là trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục độc lập đầu tiên trực thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Sự ra đời của CEA-AVU&C đã mở ra những điều kiện mới với nhiều thuận lợi hơn cho các cơ sở giáo dục đại học là thành viên của Hiệp hội khi đăng ký được kiểm định chất lượng tại CEA-AVU&C.

Bởi vì với vai trò là đơn vị trực thuộc Hiệp hội, CEA-AVU&C đại diện cho tất cả các trường thành viên của Hiệp hội: CEA-AVU&C hoàn toàn độc lập, khách quan nhất và công bằng trong đánh giá chất lượng các trường đại học, cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp. 

Bà Nguyễn Phương Nga – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam). Ảnh Xuân Trung
Bà Nguyễn Phương Nga – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam). Ảnh Xuân Trung

Dư luận đang lo ngại rằng các trung tâm kiểm định chất lượng khác (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…) sử dụng ngân sách nhà nước và như vậy trong quá trình kiểm định bà có lo ngại tính khách quan trong đánh giá của các trung tâm này hay không?

Bà Nguyễn Phương Nga: Đúng là ba trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục nêu trên đều có cơ quan chủ quản là đại học công lập nên được cấp kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước và sử dụng cơ sở vật chất của đại học chủ quản.

Nhân lực cơ hữu của các trung tâm này là công chức hoặc viên chức thuộc đại học chủ quản. Với nguồn lực từ đại học chủ quản như vậy, trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc đại học có những thuận lợi nhất định.

Phần lớn các tiêu chí đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục là định tính; số tiêu chí định lượng rất ít, chính vì vậy, tính khách quan trong đánh giá phụ thuộc và bị chi phối bởi quan điểm của Trưởng đoàn đánh giá và của từng kiểm định viên.

CEA-AVU&C là trung tâm đánh giá trực thuộc Hiệp hội – là tiếng nói đại diện chung cho tất cả các thành viên của hiệp hội nên không bị chi phối và ảnh hưởng bởi quan điểm riêng của một tổ chức nào, vì vậy CEA-Avu&C hoàn toàn khách quan trong đánh giá.

Việc đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục đại học có mối liên hệ như thế nào tới việc phân tầng, xếp hạng các trường đại học như trong Nghị định số 73 của Chính phủ, thưa bà?

Bà Nguyễn Phương Nga: Nghị định 73 đã đưa “Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục” (bao gồm kết quả kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học và kiểm định chất lượng chương trình đào tạo) là tiêu chuẩn thứ 4 trong bốn tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học của mỗi hạng trong khung xếp hạng.

Như vậy để đạt được các yêu cầu của tiêu chuẩn 4 trong mỗi hạng của khung xếp hạng, các cơ sở giáo dục đại học buộc phải đăng ký được kiểm định chất lượng giáo dục.

Nếu được bà có thể nói ngắn gọn về quy trình kiểm định khi tiến hành kiểm định một trường đại học, các trường đại học khi tham gia kiểm định có gặp khó khăn gì không? Các trường sẽ được lợi gì khi tham gia kiểm định chất lượng?

Bà Nguyễn Phương Nga: Quy trình nh chất lượng giáo dục được thực hiện theo Thông tư số 62/2012/TT-BGDĐT do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký ngày 28/12/2012, bao gồm các bước chính:

Thứ nhất, cơ sở giáo dục hoàn thành báo cáo tự đánh giá, và đăng ký đánh giá ngoài;

Thứ hai, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thẩm định báo cáo tự đánh giá;

Thứ ba, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thành lập đoàn đánh giá ngoài và triển khai đánh giá ngoài;

Thứ bốn, hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục thẩm định báo cáo tự đánh giá và báo cáo đánh giá ngoài;

Thứ năm, giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ra quyết định và cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục căn cứ đề nghị của Hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục.

Đây là 1 quy trình kiểm định chất lượng khoa học tạo nên sự đánh giá khách quan bởi sự độc lập, không có mối quan hệ cá nhân hoặc xung đột giữa Trưởng đoàn đánh giá ngoài, Hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục và Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục.

Bà Nguyễn Phương Nga – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) trao đổi với phóng viên về nhiệm vụ trong năm mới 2016. Ảnh Xuân Trung
Bà Nguyễn Phương Nga – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) trao đổi với phóng viên về nhiệm vụ trong năm mới 2016. Ảnh Xuân Trung

Việc đăng ký để được kiểm định chất lượng giáo dục rất thuận lợi cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam.

Việc khó khăn nhất đối với các cơ sở giáo dục đại học là thực hiện tự đánh giá và viết báo cáo tự đánh giá với minh chứng xác thực về mức độ đạt được các yêu cầu của các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng do Bộ GD&ĐT ban hành.

Khó khăn tiếp theo là lựa chọn trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục nào để đăng ký được đánh giá ngoài, Luật Giáo dục đại học quy định các cơ sở giáo dục được quyền lựa chọn Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục tin cậy nhất để đăng ký;

Được quyền từ chối thành phần đoàn đánh giá ngoài không phù hợp theo quy định của Bộ GD&ĐT để đảm bảo tính khách quan trong kiểm định chất lượng giáo dục.

Cơ sở giáo dục đại học được lợi nhiều khi tham gia kiểm định chất lượng giáo dục. Tôi có thể tóm tắt một số “quyền lợi” cơ sở giáo dục đại học được hưởng bao gồm:

-Chứng chỉ kiểm định chất lượng khẳng định thương hiệu và chất lượng các sản phẩm của cơ sở giáo dục đại học;

-Thu hút được nhiều nguồn tuyển sinh của Trường;

-Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục là một trong những điều kiện tiên quyết để mở rộng các hoạt động liên kết đào tạo quốc tế và thu hút sinh viên của các nước trong cộng đồng chung ASEAN;

-Thuận lợi hơn trong các hoạt động thu hút các nguồn tài trợ hợp pháp trong nước và trên quốc tế;...

Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016, bà có thể cho biết công tác hoạt động trong năm 2016 là gì?

Bà Nguyễn Phương Nga: Với vai trò là Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, hoạt động ưu tiên hàng đầu của CEA-AVU&C là tư vấn hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học thuộc Hiệp hội.

Giúp các trường tăng cường năng lực tự đánh giá và năng lực xây dựng kế hoạch hành động để phát huy hơn nữa hiệu quả của hệ thống đảm bảo chất lượng trong từng cơ sở giáo dục đại học;

Từ đó từng cơ sở giáo dục đại học đủ năng lực để viết báo cáo tự đánh giá phản ánh được những điểm mạnh và các tồn tại (nếu có) của mình. Hoạt động ưu tiên này tạo tiền đề cho hoạt động chiến lược của CEA-AVU&C là kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học.

Hội nhập với mạng lưới đảm bảo chất lượng giáo dục quốc tế là một trong những hoạt động chủ chốt của CEA-AVU&C để không ngừng tự cập nhật mình và thông tin lại cho các cơ sở giáo dục về những tiến bộ và những xu hướng mới trên thế giới trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng nói chung và kiểm định chất lượng giáo dục nói riêng. 

Trân trọng cảm ơn bà.

Xuân Trung