Các trường phổ thông hiện nay đã có sự tôn trọng con người chưa?

27/01/2017 06:15
TS.Nguyễn Tùng Lâm
(GDVN) - Luật tự chủ toàn diện không chỉ có ở các trường đại học mà mỗi cơ sở giáo dục phải có quyền tự chủ, đều phải được tự chủ theo đúng phân cấp của Chính phủ.

LTS: Hiện nay quản lý các cơ sở giáo dục đào tạo, Đảng, nhà nước, Bộ GD&ĐT đã có nhiều văn bản để phát huy dân chủ trong các nhà trường. Và theo quy luật kinh tế thị trường mỗi cơ sở giáo dục đào tạo phải được tự chủ như các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế, các cơ sở giáo dục thực hiện dân chủ, tự chủ hiệu quả ở mức độ nào?

Hôm nay, trong bài viết này, TS.Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội có đôi điều bàn luận về vấn đề này. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Thế nào là tính dân chủ trong các cơ sở giáo dục?

Trong giáo dục, dân chủ là thể hiện cao nhất sự tôn trọng con người. Giáo dục không trên cơ sở tôn trọng con người, không khuyến khích con người cống hiến, con người tự tin, tự trọng, tự chủ trong mọi việc làm của mình thì nền giáo dục đó không thể coi là nền giáo dục có chất lượng. 

Chất lượng giáo dục là chất lượng cuộc sống của con người được đáp ứng, được thỏa mãn những nhu cầu bậc cao.

Nói đến chất lượng của giáo dục trước hết học sinh phải được giải phóng về tinh thần, tự do phát triển nhân cách theo cách riêng của mỗi người. 

Cán bộ quản lý của mỗi nhà trường phổ thông hiện nay phải nhận thức sâu sắc vấn đề này để chuyển hóa thành những phương pháp quản lý dựa trên dân chủ và quản lý để đạt yêu cầu của dân chủ. 

Tuy nhiên, hiện nay, tính dân chủ trong các nhà trường thực hiện chưa đáng là bao. 

Vậy lỗi tại đâu? 

Các trường phổ thông hiện nay đã thực sự dân chủ, tự chủ chưa? (Ảnh: Báo Vietnamnet)
Các trường phổ thông hiện nay đã thực sự dân chủ, tự chủ chưa? (Ảnh: Báo Vietnamnet)

Trước hết các cấp quản lý giáo dục đào tạo chưa coi đây là biện pháp quan trọng để buộc các nhà trường tự thay đổi theo đúng nhu cầu nguyện vọng của người học, do đó không chỉ đạo đến nơi đến chốn. 

Hệ thống quản lý trong các nhà trường không thấy được cái lợi của quản lý theo dân chủ, chỉ quen quản lý theo mệnh lệnh. 

Trong khi chỉ có quản lý dân chủ thì các cơ sở giáo dục đào tạo mới tạo ra được động lực cho thầy, trò sáng tạo trong giảng dạy, học tập.  

Đồng thời, mỗi nhà trường phổ thông hiện nay phải xây dựng được “văn hóa học được” mà muốn có “văn hóa học đường” thì trước hết phải có dân chủ trong mỗi nhà trường. 

Công tác tổ chức và tài chính là hai khâu then chốt để thực hiện tự chủ

Tự chủ trong các nhà trường (cơ sở giáo dục) là xu thế chung của các nền giáo dục tiên tiến. 

Trong Nghị quyết 29-NQ/TW cũng khẳng định, các cơ sở giáo dục đào tạo phải được trao quyền tự chủ và dân chủ. 

Tự chủ là các nhà trường được tự quyết định, tự chịu trách nhiệm xã hội về kết quả giáo dục về thực hiện mục tiêu, chương trình giáo dục…

Các trường phổ thông hiện nay đã có sự tôn trọng con người chưa? ảnh 2

Những vấn đề cần điều chỉnh về quản trị giáo dục đại học trong khung cơ cấu mới

(GDVN) - Hiện nay nước ta đang vướng hai trở ngại lớn cản trở việc xây dựng một hệ thống giáo dục quốc dân tốt.

Theo kinh nghiệm quốc tế (SBM) nhà trường tự chủ là nhà trường phân cấp và được trao các quyền chủ yếu sau: 

Một là, trao quyền hiệu trưởng được dẫn dắt thầy và trò đổi mới để có kết quả đầu ra tốt hơn trong dạy và học. 

Hai là, trao nhà trường được quyền kiểm soát nguồn lực để thúc đẩy đổi mới phù hợp với quy định về phân cấp quản lý cho mỗi nhà trường.
 
Ba là, tăng cường quan hệ đối tác với chính quyền và cộng đồng địa phương về đầu tư nguồn lực để nhà trường tự chủ chỉ đạo tốt hơn. 

Bốn là, tích cực đổi mới chương trình giáo dục với đổi mới quản lý để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. 

Nói về tự chủ trao cho các trường phổ thông hiện nay, trước hết các nhà trường phải được phân cấp triệt để về công tác tổ chức và tài chính. 

Nếu các nhà trường không được tự chủ về 2 khâu then chốt thì không thể gọi là tự chủ. 

Luật tự chủ toàn diện không chỉ có ở các trường đại học mà mỗi cơ sở giáo dục đào tạo vẫn phải có quyền tự chủ, đều phải được tự chủ theo đúng phân cấp của Chính phủ. 

Còn các trường không đủ điều kiện để giao tự chủ lại là vấn đề khác, chúng ta phải đào tạo, huấn luyện để các trường làm đúng vai trò của mình. 

Về tài chính các nhà trường phải được công kiểm soát và tính đếm đến hiệu quả của nói và phải được quản lý theo hướng “công khai minh bạch” mới bảo vệ quyền lợi người học.

Có vậy họ mới có thể yêu cầu các nhà trường phải đáp ứng chất lượng tương xứng với đồng tiền đóng góp của dân và nhà nước đầu tư. 

Để quản lý nhân sự tài chính công khai, minh bạch, các cơ sở giáo dục đào tạo phải tiến hành đầy đủ các bước: 

- Xây dựng quy chế chi tiêu, quy chế quản lý tài chính, quy chế tổ chức của mỗi nhà trường. Quy chế này phải được thông qua Hội đồng giáo dục, công khai trước cán bộ giáo viên, công nhân viên nhà trường đầu năm học. 

- Xây dựng kế hoạch tài chính, kế hoạch sử dụng nhân lực theo phân bổ tài chính hàng năm đã được cấp trên phê duyệt. Kế hoạch này cũng phải được công khai trước Hội đồng sư phạm mỗi nhà trường. 

- Xây dựng kế hoạch thu chi phần ngân sách cha mẹ học sinh đóng trong năm học. Kế hoạch này phải được công khai trước Hội đồng sư phạm và đại diện cha mẹ học sinh.

- Hàng năm hệ thống thanh tra tài chính của nhà trường do thanh tra nhân dân mỗi nhà trường phải hoạt động thường xuyên và cứ 3 năm phải có kiểm toán nhà nước kiểm tra một lần, cấm tuyệt đối giáo viên chủ nhiệm không được đưa ra bất cứ một khoản thu nào khác ngoài các khoản thu đã thống nhất giữa Ban giám hiệu và Hội cha mẹ học sinh đầu năm. 

Đây là hai yếu tố quan trọng trong quản lý. Các nhà trường phổ thông hiện nay cần được tự chủ, không hình thành nề nếp quản lý này sẽ khó có chất lượng bền vững. 

Do vậy, tự chủ ở các trường phổ thông là phải làm được việc cốt yếu “hiệu trưởng được quyền dẫn dắt thầy và trò đổi mới để có đầu ra tốt hơn trong dạy và học”, “được quyền kiểm soát mọi nguồn lực để thúc đẩy đổi mới phù hợp với phân cấp quản lý của nhà nước trao”.

TS.Nguyễn Tùng Lâm