"Cải cách GD trong 20 năm qua vẫn quanh quẩn ở nền tảng GD cũ"

14/08/2013 09:23
Nguyễn Viết Công
(GDVN) - "Mọi cải cách, sửa đổi giáo dục trong suốt 20 năm qua xem ra chưa đáp ứng được thực tiễn và vô tình đã làm chúng ta tụt hậu so với bạn bè ngay trong khu vực. Hầu hết mọi cải cách đều chưa xác định rõ những ưu khuyết mà chủ yếu quanh quẩn nền tảng giáo dục cũ để an toàn cho người làm cải cách".
Đó là đánh giá của độc giả Nguyễn Viết Công trước những trăn trở của ông về nền giáo dục của nước nhà. Độc giả đã nhiều lần nhấn mạnh đến cần phải thay đổi tư duy trong quản lý giáo dục và xem đó là một cuộc "cách mạng" thực sự và phải dành được chiến thắng....Báo Giáo dục Việt Nam xin trân trọng đăng tải bài viết của tác giả Nguyễn Viết Công đến với độc giả cả nước.  Hàng năm vấn đề giáo dục cứ nổi sóng để "xả tress". Có rất nhiều ý kiến hay xong những người có trách nhiệm không nhận thức được hoặc không muốn làm sợ tiền mất tật mang. Người cải cách phải dũng cảm, suy nghĩ đây là vấn đề sống còn của dân tộc, hôm nay bắt đầu thì cũng 20-30 năm sau mới bắt đầu thu hoạch chút đỉnh.
Tôi xin đưa vài ý kiến cải cách để bạn đọc cùng suy nghĩ. Giáo dục là đào tạo con người, sản phẩm giáo dục là các các công dân tốt. Con người sống chịu 3 yếu tố chính điều khiển hành vi của mình đó là đạo đức, dư luận và luật pháp. Mọi hành vi tốt xấu do nhận thức con người và mức độ tác động của các yếu tố khác. Nhìn vào các yếu tố này ta thấy ngay đạo đức, con người luôn tự biết để làm chủ hành vi, còn dư luận và pháp luật nhiều khi không biết, không thấy hành vi của chúng ta, nên các hành vi xấu dễ có ở người có đạo đức tồi. Bác Hồ, một vĩ nhân có 5 điều nói với giáo viên dạy các cháu : Yêu tổ quốc, yêu đồng bào/ Học tập tốt, lao động tốt/ Đoàn kết tốt kỷ luật tốt/ Giữ gìn vệ sinh thật tốt/ Khiêm tốn, thật thà, dung cảm. Những lời dạy rất dễ hiểu, nhưng chúng ta dừng lại chút xíu, quan sát trật tự câu mà Bác đã chọn. Yêu tổ quốc là hàng đầu, đến yêu đồng bào, đến học tập, đến lao động, đoàn kết, kỷ luật, môi trường và cuối cùng là các đức tính tốt khác. Như vậy Bác mong muốn giáo dục dạy theo trật tự trên, sản phẩm giáo dục phải có đạo đức, biết yêu thương và có trách nhiệm với tổ quốc, với dân tộc trước khi học và làm việc. Đặc biệt hoàn cảnh chúng ta hiện nay, một bộ phận không nhỏ đang suy thoái đạo đức nghiêm trọng nên chúng ta coi giáo dục đạo đức lúc này là tham gia cuộc chiến, mà phải chiến thắng. Từ trên ta thấy nhiệm vụ giáo dục của các cấp là: - Trau dồi đạo đức không ngừng các cấp - Giảm áp lực học, học căn bản các môn, chỉ học nâng cao để hướng nghề - Phát huy tài năng, để khai thác nhân tài - Định hướng nghề nghiệp, học giỏi nghề mình thích - Hiểu biết luật thiết yếu, giúp ích cuộc sống hàng ngày - Học văn thể mỹ nâng cao chất lượng sống. Nhiệm vụ cấp 1: Học lễ giáo, yêu quý gia đình, bạn bè, giúp đỡ mọi người… Đọc và viết thành thạo, biết làm 4 phép tính. Bộc lộ năng khiếu, đặc biệt các năng khiếu văn thể mỹ.
Nhiệm vụ cấp 2:
​Ý thức và trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội ​Tham gia phong trào xã hội, đặc biệt là từ thiện, môi trường ​Học các môn văn hóa ở mức căn bản đủ để học nghề (bằng tốt nghiệp cấp 2 được học các trường nghề). ​Học luật hôn nhân, bầu cử và quyền con người, các hành vi bị tù tội. ​Phát huy năng khiếu văn thể mỹ, định hướng nghề nghiệp, tTrang bị kỹ năng sống.
Nhiệm vụ cấp 3: ​Ý thức sống nâng cao, trách nhiệm với cộng đồng, với tổ quốc,có đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm với môi trường, tham gia hoạt động xã hội… ​Biết hiến pháp, biết tố cáo, hiểu biết cơ cấu bộ máy nhà nước. ​Ngoài 2 môn bắt buộc trên thì các môn còn lại và văn thể mỹ sẽ học theo nhu cầu tương lai và sở thích. Học sinh không bắt bắt buộc phải học môn không thích. Các môn này sẽ có tín chỉ sau khi hoàn thành, tín chỉ sẽ đánh giá sự hiểu biết về môn đó chứ không đánh giá khả năng học thuộc lòng môn đó. Giáo viên bộ môn sẽ hướng dẫn học sinh cách học và tham khảo tài liệu. Nhiệm vụ trường chuyên nghiệp: ​Nội dung học tập tôi không dám bàn đến. Nhưng tuyển chọn đầu vào tôi xin được góp ý vì liên quan đến học phổ thông. Các trường nên mở nhiều khối thi theo các lĩnh vực để đáp ứng kiểu học tín chỉ. Tiêu chuẩn dự tuyển vào trường là phải có tín chỉ đã qua các môn theo khối thi. Đề thi phải có phần lý thuyết và bài tập thực tiễn, trong bài tập thể hiện các tính nhân văn, xã hội, kinh tế, môi trường…để thí sinh phải có kiến thức tổng hợp. Ngoài ra những thí sinh có giải thưởng văn thể mỹ theo mức độ nên được cộng thêm điểm, những thí sinh này đều có đức tính kiên trì rèn luyện, ý chí phấn đấu, đặc biệt các ngành Công an, Quân đội và những nghề đòi hỏi thể lực thì nên cộng điểm cho thí sinh có thành tích thể dục thể thao. Có khuyến khích văn thể mỹ thực dụng như vậy trong thi tuyển thì đất nước mới phát huy được nhiều nhân tài, vì nhiều học sinh sẽ phát huy năng khiếu của mình. Khuyến khích những học sinh tổ chức các hoạt động xã hội khi học phổ thông, những con người này rất cần cho xã hội. Nhiệm vụ căn bản học sinh: Có đạo đức tốt, yêu bản thân, gia đình, xã hội và tổ quốc. Biết kiến thức căn bản Hiểu kiến thức môn học theo nghề tương lai Có ý thức sống, kỹ năng sống Định hướng nghề nghiệp, phát huy năng khiếu. Nhiệm vụ giáo viên: Hướng dẫn học sinh học và tham khảo tài liệu môn học Bồi dưỡng đạo đức, ý thức sống, kỹ năng sống Tìm phát hiện và phát triển tài năng Định hướng nghề nghiệp Nhiệm vụ lãnh đạo ngành: Sử dụng nhân sự đúng việc để phát huy khả năng. Tạo sự công bằng giữa cống hiến và thu nhập. Thay đổi nội dung đào tạo, phương pháp đạo tạo, chất lượng giáo viên. Thay đổi nội dung và phương pháp thi tuyển Tạo điều kiện học sinh được học và chơi sao cho phát triển văn thể mỹ và sáng tạo Xây dựng quy chế khen thưởng cho học sinh và giáo viên. Nhiệm vụ chính phủ: Lập ban đổi mới giáo dục, các tiểu ban cải cách. Tiểu ban bồi dưỡng giáo viên, sinh viên sư phạm, tiểu ban cải cách nội dung kiến thức học, tiểu ban thi tuyển, tiểu ban chế độ khen thưởng, tiền lương, tiểu ban… Cải cách tiền lương cụ thể ngoài lương ngạch bậc thì giáo viên uy tín lương cao hơn, dạy nhiều giờ lương cao hơn. Uy tín giáo viên tiểu học do phụ huynh chọn, uy tín giáo viên bộ môn do học sinh chọn, giáo viên tiểu học uy tín sẽ bốc thăm lớp nếu nhiều phụ huynh chọn quá. Giáo viên bộ môn uy tín được dạy hết công suất. Thêm lương uy tín lại thêm lương theo giờ chắc chắn sẽ là cuộc đua của các thầy cô. Định hướng đổi mới, lộ trình đổi mới, mục tiêu đổi mới Định hướng đạo tạo theo ngành nghề Việt nam phù hợp với đất nước, con người hoặc có lợi thế khí hậu địa lý như hàng hải, thủy hải sản, nông nghiệp,lâm nghiệp, du lịch, y tế và đào tạo nhân lực. Kiến nghị quốc hội sửa đổi luật giáo dục cho phù hợp cải cách, kiến nghị quốc hội định hướng ngành ưu tiên để phối hợp với đạo tạo và đầu tư chiều sâu. Kiến nghị quốc hội tăng đại biểu chuyên trách giáo dục để thực hiện cách mạng. Cải cách phương pháp chọn nhân sự ngành như sau: - Giáo viên chọn hiệu trưởng, hiệu phó. - Hiệu trưởng chọn trưởng phòng giáo dục. - Hiệu trưởng cấp 3 và trưởng phòng giáo dục chọn giám đốc sở. - Giám đốc sở và hiệu trưởng các trường chuyên nghiệp chọn bộ trưởng. - Nhiệm kỳ bầu lại hàng năm theo danh sách ứng cử, đề cử. Nếu không bầu lại hàng năm thì những người lãnh đạo thường xong kỳ 5 năm là nghỉ hưu nên họ không tâm huyết và động não. Tôi tin phương pháp giáo dục trên sẽ thỏa mãn các tiêu chí: - Không áp lực học, không áp lực thi, cấp 3 học theo nhu cầu. - Phát hiện và bồi dưỡng mọi nhân tài. - Giáo viên các bộ môn đều được cống hiến hết khả năng - Thu nhập bình đẳng, giáo viên giỏi nhiệt huyết sẽ thu nhập xứng đáng mà không cần dạy thêm. - Hạn chế dạy thêm vì học theo hướng tự nghiên cứu tài liệu - Không phải tổ chức thi tốt nghiệp PTTH - Học sinh cấp 3 học theo tín chỉ và chọn thầy cô nên có nhiều thời gian nghiên cứu, lao động giúp gia đình và phát triển văn thể mỹ. - Sản phẩm giáo dục sẽ có đạo đức, ý thức hiểu biết pháp luật tốt hơn, hiểu chuyên môn sâu hơn. - Giáo viên và lãnh đạo luôn phấn đấu để giữ ghế và thu nhập của mình, rất thực tế. Hy vọng sau vài chục năm nền giáo dục của đất nước sẽ hồi sinh. Giáo dục là nền tảng phát triển xã hội, nó làm ra con người có ích, con người làm ra mọi vấn đề chính trị, kinh tế…
Độc giả đóng góp ý kiến xin gửi về báo Giáo dục Việt Nam theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Nguyễn Viết Công