Cải thiện môi trường cung ứng dịch vụ giáo dục đại học, đã đến lúc phải thay đổi

16/12/2015 07:28
TS. Đặng Văn Định
(GDVN) - Những khác biệt biểu lộ sự không nhất quán, sự không thống nhất của hành lang pháp luật đang đem đến sự phân tâm cho nhà đầu tư.

LTS: Nhằm cải thiện môi trường cung ứng dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực giáo dục, Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện các nhóm việc.

Bài viết của TS. Đặng Văn Định (Ban nghiên cứu, phân tích chính sách - Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) sẽ đưa ra một góc nhìn với giải pháp cải thiện môi trường cung ứng dịch vụ giáo dục đại học.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Các nhóm công việc gồm: Thứ nhất, rà soát, hoàn thiện các thủ tục, điều kiện thành lập, hoạt động đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các trường đại học hàng đầu quốc tế mở cơ sở đào tạo ở Việt Nam.

Đặc biệt là các cơ sở hoạt động không vì mục đích lợi nhuận; bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ các thủ tục, điều kiện bất hợp lý, không còn cần thiết; bổ sung, sửa đổi và đơn giản hóa, giảm chi phí tuân thủ đối với các thủ tục, điều kiện còn lại theo hướng khuyến khích và tạo thuận lợi hơn cho tư nhân trong nước, nước ngoài và các tổ chức xã hội tham gia cung ứng dịch vụ giáo dục, đào tạo.

Thứ hai là mở rộng quyền tự chủ tuyển sinh, tự chủ tài chính, tự chủ về chương trình, nội dung đào tạo và khảo thí cho các cơ sở giáo dục, đào tạo; tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung ứng dịch vụ giáo dục, đào tạo theo cơ chế thị trường gắn với việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng và đầu ra [1].

Những việc trên, có việc chỉ cần tiếp nhận phản hồi từ  các trường đại học, cao đẳng và tổ chức xử lý, nhưng không ít việc đòi hỏi phải nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, đưa ra những giải pháp mang tính hệ thống và khả thi.

Cuối năm nay Cộng đồng kinh tế ASEAN (Asian Economic Community) ra đời. Một thị trường đơn nhất với năm yếu tố được lưu chuyển tự do là hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động. 

Ảnh tư liệu.
Ảnh tư liệu.

Việc chuyển dịch lao động trong ASEAN gắn với đào tạo nhân lực, với chuyên môn và ngoại ngữ, nhất là đào tạo ở trình độ đại học. Những chương trình đào tạo  theo chuẩn mực khu vực là hộ chiếu để người lao động Việt Nam làm việc ở các nước ASEAN khác. 

Tuy vậy, chất lượng đào tạo nhân lực của Việt Nam đang rất nan giải. Thách thức này chỉ có thể giải quyết khi chúng ta chấp nhận các quy luật khách quan, dám nhìn thẳng vào sự thật, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hoàn chỉnh một hệ thống đảm bảo chất lượng ở cấp quốc gia theo theo thông lệ quốc tế, đảm bảo một môi trường cạnh tranh lành mạnh. 

Chìa khóa của việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực giáo dục là tự chủ tài chính. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhà trường đồng thời huy động các nguồn lực của xã hội cho phát triển con người, cơ sở vật chất là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục đại học. 

Năm 2014, Chính phủ ra nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (NQ-19) [1], tiếp dó là nghị quyết về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017 (NQ-77) [2]. 

Năm 2015, Chính phủ ban hành nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (NĐ-16) [3], quyết định về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần (QĐ-22) [4]. 

Theo đó, các trường đại học công lập được Nhà nước giao toàn bộ tài sản sẵn có của Nhà nước để nhà trường tự chủ toàn diện với điều kiện tiên quyết là “tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư” [2]. 

Mặt khác, quy định “đối với các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo thì đẩy mạnh hoạt động theo cơ chế tự chủ, tiến tới tự chủ hoàn toàn, hạch toán như doanh nghiệp” [4]. 

Một lộ trình tính giá dịch vụ công gắn với các mốc thời gian 2016, 2018 và 2020 được quy định, trong đó nói rõ đến năm 2020 các đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có các trường đại học, cao đẳng) phải “tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định” vào giá sản phẩm của nhà trường [3].

Như vậy, chính sách “khoán quản” đối với giáo dục đại học được Chính phủ hoạch định chi tiết. Tuy nhiên, trong Nhiệm vụ trọng tâm của khối đại học, cao đẳng năm học 2015-2016 Bộ GD&ĐT mới chỉ nhắc các trường “cần xây dựng lộ trình tự chủ tài chính để có nguồn thu chi trả tiền lương và chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, chi phí khấu hao”, chưa thấy những con số ấn định nội dung cụ thể phải đạt vào cuối năm 2016 [5].

Những khác biệt biểu lộ sự không nhất quán, sự không thống nhất của hành lang pháp luật đang đem đến sự phân tâm cho nhà đầu tư. 

Đọc Luật Gíao dục (Luật GD), Luật Gíao dục nghề nghiệp (Luật GDNN) và một số văn bản liên quan cho phép nhận ra rằng quyền sở hữu tài sản tại Luật GD (Điều 67) bị điều chỉnh bởi Luật GDĐH (Điều 66), những định chế về tài chính, quản trị đối với trường đại học công có chung nguyên lý như đối với trường đại học tư thục và rất khác biệt với Luật doanh nghiêp. 

Trong khi đó Chính phủ quy định “chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công sang đơn vị sự nghiệp ngoài công lập hoặc doanh nghiệp” và “đơn vị sự nghiệp công bảo đảm chi thường xuyên được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp” [3]. 

Trên diễn đàn Quốc hội ngày 18/11/2015 một lần nữa Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh “chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp và chuyển từ cơ chế cấp phát sang đặt hàng, từ hỗ trợ cho các đơn vị cung ứng sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách được thụ hưởng” [6]. Một môi trường đầu tư tin cậy không thể thiếu sự nhất quán.

Vấn đề chưa bình đẳng giữa các đơn vị công lập và đơn vị ngoài công lập còn đậm nét.

Những ai quan tâm đến giáo dục đều thấy: (i) Trường công, trường tư đều làm một nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho xã hội, nhưng hoạt động này của trường tư phải chịu thuế; (ii) “Cơ sở giáo dục đại học công lập khi cam kết tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện” [2], trong khi 88 trường đại học cao đẳng tư thục đã “tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư” thì chưa được thụ hưởng quyền lợi tương ứng.

Mới đây, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, bằng công văn số 116 /HH-BNC&PTCS góp ý về cải thiện mội trường đầu tư trong giáo dục đã đưa ra bốn kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo [7]:

Kịp thời tổng hợp ý kiến đóng góp của các trường đại học cao đẳng, các cơ quan có liên quan, phân tích tiếp thu và theo thẩm quyền bãi bỏ các thủ tục, điều kiện bất hợp lý, không còn cần thiết. 

Tăng cường quán triệt tinh thần NĐ-16 và NQ-77 của Chính phủ kịp thời xây dựng Đề án đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc bộ theo tinh thần hai văn bản trên, đưa tỷ lệ trường đại học công thực hiện NQ-77 lên ít nhất 20% vào cuối 2017; làm rõ lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công đối với các cơ sở giáo dục đại học theo Điều 10 của NĐ-16, xem đây là nhiệm vụ bắt buộc.

Nghiên cứu, quy định các tiêu chí cần thiết, thực hiện công khai minh bạch năng lực tự chủ và trao quyền tự chủ “về thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học”  cho các  các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập theo tinh thần  NQ-77.

Chỉ đạo tập trung nghiên cứu đối chiếu các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực giáo dục với chủ trương của Đảng, các luật liên quan (Luật dân sự, Luật Doanh nghiệp vv..) từng bước hoàn thiện các mô hình quản trị đại học gắn với đầu tư và sở hữu, bảo đảm minh bạch, cạnh tranh bình đẳng cho các trương đại học, cao đẳng ”.

Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm môi trường cung ứng dịch vụ giáo dục là quá trình lập đi lập lại các khâu: ban hành các văn bản quy phạm pháp luật - thực hiện - phản hồi - tiếp thu và ban hành văn bản mới. Người dân chỉ có thể thực hiện và phản hồi, điều quan trọng là những tham góp của họ được cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe, chắt lọc./.

Tài liệu tham khảo

[1] Nghị quyết số 19/NQ-CP  ngày 18/3/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

[2] Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2015 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017.

[3] Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015  quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

[4] Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015  về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

[5] Tài liệu Hôi nghị tổng kết năm học 2014-2016 và nhiệm vụ trọng tâm năm học 2015-2016 khối đại học, cao đẳng.

[6] Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII ngày 18/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Chinhphu.vn.

[7]  Công văn số 116/HH-BNC&PTCS ngày 26/11/2015 về cải thiện môi trường đàu tư trong giáo dục. 

TS. Đặng Văn Định