Cải tổ giáo dục là "trận đánh" cả đời

01/10/2013 12:21
Vũ Tuấn Anh - Viện Quản lý Việt Nam
(GDVN) - "Cải tổ giáo dục là trận đánh cả đời và lúc nào cũng là quyết định. Để thành công được, chúng ta cần có những cái nhìn rất dài hạn nhưng các quyết sách phải ngắn hạn vì đơn giản nguồn lực chúng ta hạn chế. Tri thức và thành công với thể hệ trẻ chính là ước mơ của mỗi gia đình và mỗi bạn trẻ".


Đó là nhận định của ông Vũ Tuấn Anh - Viện Quản lý Việt Nam khi đề cập tới các vấn đề liên quan đến đề án đổi mới toàn diện giáo dục của Bộ GD&ĐT và công cuộc cải tổ nền giáo dục Việt Nam.

Báo Giáo dục Việt Nam xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông Vũ Tuấn Anh đến với độc giả cả nước.

Năm 1985 tôi vào học lớp chuyên Lý Hà Nội Amsterdam. Lứa học trò đầu tiên của trường chuyên nổi tiếng Hà Nội khi toàn bộ các hệ chuyên được tập trung từ các trường cấp 3 TP Hà Nội về Amsterdam.

Nhớ lại ba năm học 1985-1988, chúng tôi là những học sinh chuyên ưu tú cũng chỉ học 6 buổi một tuần và 6 tiết một ngày. Sau khi về học, có đi học thêm tuần 4 buổi và mỗi buổi 2 tiết. Cho tới năm lớp 12 thì lịch học mới trở nên căng thẳng hơn tuy nhiên không quá mức như bây giờ. Sau 25 năm nhìn lại, hầu hết các bạn bè cùng khóa đều thành công trong và ngoài nước ở các vị trí đáng kể. Bây giờ nhìn vào hiện thực giáo dục đào tạo của chúng ta với lịch học kín mít từ sáng tới chiều.

Nhà nhà đưa đón con đi học chính khóa, học thêm, học anh văn, học tất cả mọi thứ cần có thể học được. Học nhiều như vậy nhưng kết quả như thế nào thì chúng ta cũng có thể cảm nhận được. Có một câu nói vui trong phụ huynh và xã hội “Hiện giờ con cái học nhiều để thành thần đồng tuy nhiên chưa thành thần đồng thì thành thần kinh”. 

Qua hai câu chuyện, tất cả học sinh cấp ba  bình thường hiện tại đều học nhiều hơn những học sinh chuyên Amsterdam 25 năm về trước nhưng kết quả thì không đạt được mong muốn của xã hội, gia đình và bản thân các bạn trẻ.

Ngày hôm nay, khi đọc những dòng tâm huyết của Bộ Trưởng Phạm Vũ Luận, tôi cảm thấy rất mừng vì cuối cùng vị "tư lệnh" của ngành giáo dục cũng nhận thức và chính thức "bấm nút" cho công cuộc cải cách giáo dục tại Việt Nam. Lý do mừng thứ hai là Đảng và Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cải cách giáo dục nhằm đáp ứng phát triển kinh tế và xã hội.

Giáo dục là một trong những lĩnh vực các tổ chức quốc tế như WB, ADB, IFC khuyến cáo Việt nam cải cách và thay đổi. Mừng nhưng cũng có nhiều nỗi lo và trăn trở vì giáo dục là một phạm trù rất rộng liên quan tới toàn bộ xã hội Việt Nam.

Toàn bộ trách nhiệm nặng nề đó đang được đặt trên vai Bộ giáo dục. Nỗi lo thứ hai là kỳ vọng về giáo dục của xã hội Việt Nam rất cao. Một nghịch lý đó là thật sự tổng chi cho giáo dục tại Việt Nam rất lớn nếu như chúng ta tính cho đủ những phần đóng góp của gia đình vào chi tiêu giáo dục tại Việt Nam. 

Dân tộc Việt Nam có truyền thống trọng sự học vì vậy mọi nguồn lực trong gia đình đều tập trung cho con cái học tập. Chúng ta có thể cảm nhận khi gia đình dồn đầu tư như vậy, họ sẽ kỳ vọng như thế nào vào bộ giáo dục và đào tạo

Hệ thống giáo dục và đào tạo trải rộng từ mầm non nhà trẻ tới đại học, cao học và tiến sỹ. Số lượng học sinh trong hệ thống là một con số khổng lồ. Nếu như chúng ta tính hết tất cả những người liên quan thì dự án thay đổi giáo dục này sẽ liên quan tới tất cả 90 triệu dân Việt Nam. Trong trường hợp này, cải tổ toàn bộ hệ thống ngay lập tức sẽ có khả năng thành công ít hơn vì nguồn lực chúng ta ít hơn nhu cầu đòi hỏi. Nên chăng, bộ giáo dục đào tạo cần phải tiến hành từng giai đoạn. 

Theo quan điểm của tôi, chúng ta nên cải tạo từ dưới đi lên cải tiến cho cấp 1 trước tiên. Hệ giáo dục và mầm non coi như là tạm ổn và để cải tiến sau cùng. Cứ mỗi cấp – cấp 1, cấp 2, cấp 3, đại học- cao đẳng- nghề sẽ là một dự án riêng biệt với thời gian triển khai là 3 năm.

Như vậy ít nhất chúng ta sẽ phải cần 12 năm và 3 năm cho các hệ mầm non và nhà trẻ. Giáo dục là trận đánh cả đời  như Bác Hồ có nói –vì lợi ích trăm năm trồng người. Để đảm bảo dự án trăm năm thành công, chúng ta phải đi từ từ chắc từng bước một.

Vấn đề thứ hai đó là vai trò của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) trong dự án cải cách giáo dục này như thế nào. Bộ LĐTB&XH đóng một vai trò rất quan trọng vì đây là nơi tiếp nhận các lao động trưởng thành – sản phẩm của bộ giáo dục và đào tạo.

Một dự án cải cách giáo dục sâu rộng dứt khoát phải có tiếng nói có trọng lượng từ bộ LĐTB&XH. Tiếng nói của bộ LĐTB&XH có tầm quan trọng đặc biệt tới hệ giáo dục cấp 3, đại học, trung cấp, cao đẳng. Các bài toán đặt ra cho bộ giáo dục và đào tạo hầu hết có nguồn gốc và nguyên  nhân từ đòi hỏi lao động trong xã hội.

Tại đây có một cộng đồng rất quan trọng nhưng bị bỏ quên trong các quyết sách về giáo dục và đào tạo. Đó chính là cộng đồng các chuyên viên nhân sự trong các doanh nghiệp trên toàn quốc. Các chuyên viên nhân sự chính là những người quản lý, phát triển và đào tạo lực lượng lao động trên toàn quốc.

Một cá nhân có thời gian học là 22 năm cho tới bậc đại học. Tuy nhiên họ sẽ có 25-30 năm làm việc dưới sự quản lý của chuyên viên nhân sự. Học sinh có thể thi cho thành tích, giảng viên chạy sô dạy đại học, trường đại học mở ra vì kinh doanh giáo dục nhưng chốt chặn cuối cùng là doanh nghiệp- phòng nhân sự sẽ chọn lựa thật và loại ngay những “sản phẩm“ kém phẩm chất của hệ thống giáo dục.

Tiếng nói của cộng đồng chuyên viên nhân sự cùng với Bộ LĐTB&XH sẽ giúp đầu đề bài toán cho bộ giáo dục và xã hội rõ ràng và chi tiết hơn.

Vấn đề thứ ba trong dự thảo đó là bộ giáo dục và đào tạo cần phải nghiên cứu xây dựng được một cơ chế để tích hợp toàn bộ các nguồn lực trong xã hội từ gia đình, các tổ chức quốc tế như ADB, các đầu tư tư nhân trong xã hội- hệ thống giáo dục ngoài công lập và các tổ chức và cá nhân vì cộng đồng.

Bộ giáo dục và đào tạo cần đứng cao hơn nữa, hoạch định dài hơn nữa và thể hiện vai trò nhạc trưởng trong dàn nhạc giao hưởng giáo dục thay vì là một nhạc công chính trong dàn nhạc này. Các chính sách và các chương trình hành động cần chú ý nhằm kêu gọi và phối hợp thật hiệu quả các nguồn lực xã hội.

Một vấn đề đặt ra ở đây đó là tầm quan trọng của bộ giáo dục và đào tạo đó là cần phải tận dụng được các nguồn lực từ các chuyên gia trong và ngoài nước đóng góp phục vụ tốt cho giáo dục nước nhà. Nguồn lực miễn phí từ các chuyên gia trong và ngoài nước nếu được tận dụng sẽ giúp cho giáo dục việt nam chúng ta rất nhiều .

Vấn đề thứ tư đó là phản biện xã hội. Có lẽ bộ giáo dục và đào tạo nên tổ chức mội chương trình “Hội Nghị Diên Hồng Trong Giáo Dục" để đón nhận những ý kiến phản biện và đóng góp của toàn dân, toàn trí thức trong và ngoài nước. Tuy nhiên cũng cần loại trừ một số ý kiến của các cá nhân có vị trí trong ngành giáo dục tuy nhiên họ phát biểu nhằm trục lợi cho cá nhân hay tổ chức họ đại diện.

Cải tổ giáo dục là trận đánh cả đời và lúc nào cũng là quyết định. Để thành công được, chúng ta cần có những cái nhìn rất dài hạn nhưng các quyết sách phải ngắn hạn vì đơn giản nguồn lực chúng ta hạn chế. Tri thức và thành công với thể hệ trẻ chính là ước mơ của mỗi gia đình và mỗi bạn trẻ.

Toàn xã hội rất sẵn lòng chung tay, chung sức cùng với bộ giáo dục và đào tạo trong dự án cải tổ giáo dục tại Việt Nam. Với  nguồn lực đó, tâm huyết đó cộng với trí thông minh sẵn có của tuổi trẻ Việt Nam, chúng ta sẽ thành công trong sự nghiệp trồng người.

Vũ Tuấn Anh - Viện Quản lý Việt Nam