Cạm bẫy người và cách dạy trẻ tránh bị người lạ dụ dỗ, lừa gạt

16/10/2016 08:17
Phan Tuyết
(GDVN) - Trong trường hợp trẻ bị người lạ lợi dụng, trẻ nên làm gì? Bố mẹ cần dạy con những gì để các em biết cách phòng vệ trong những trường hợp nguy hiểm?

LTS: Trẻ em luôn là đối tượng dễ bị dụ dỗ, lợi dụng và cần sự quan tâm, giám sát từ phía gia đình, không ít trường hợp các bé gái đã bị dụ dỗ, lừa lấy đồ trang sức.

Những ví dụ trong bài viết của cô giáo Phan Tuyết là lời cảnh tỉnh cho các phụ huynh cần quan tâm, chăm sóc các em nhiều hơn nữa, đồng thời tăng cường cảnh giác với những mối nguy hiểm luôn rình rập xung quanh các em.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Thời gian vừa qua trên địa bàn thị xã La Gi một số trường Tiểu học đã xảy ra tình trạng học sinh bị kẻ lạ mặt dụ dỗ lấy đồ trang sức.

Kẻ gian lợi dụng vào đầu các buổi học, giờ tan trường khi không có giáo viên để hành động.

Cạm bẫy người và cách dạy trẻ tránh bị người lạ dụ dỗ, lừa gạt ảnh 1

Vụ hành hạ trẻ mầm non: “Chấn động lắm!”

Tình trạng này đã xảy ra từ vài năm trước nhưng kẻ gian vẫn chưa bị bắt dù nhiều trường đã báo cáo và công an đã vào cuộc.

Thủ đoạn của những người đàn bà này là lợi dụng sự ngây thơ của trẻ em để hành động.

Đã có nhiều trường hợp các em học sinh lớp 1, lớp 2 thậm chí lớp 5 bị đối tượng lừa lấy hết đồ trang sức và bỏ rơi ở một nơi quá xa trường học khiến các bé hoảng sợ, gia đình bất an.

Em M.H học sinh lớp 1 mếu máo kể lại “Cô ấy nói là mẹ con nói đưa đôi bông cho cô đi đổi cho đôi khác đẹp hơn. Vừa nói, cô ấy vừa lột đôi bông tai của con”.

Em B.C lớp 2 kể, cô ấy nói “Cô là bạn của mẹ con, mẹ nói con đưa đôi bông tai cho cô để bán lấy tiền mua cho B.C (kẻ gian nhìn vào bảng tên để gọi tên cô bé) một bộ đầm mới”. Đứa bé mới khoảng 7 tuổi tin lời và ngoan ngoãn lột bông tai đưa cho kẻ lạ mặt.

Em L. lớp 3 vừa khóc, vừa kể: “Cô nói lên xe cô chở đến chỗ mẹ mua đồ, cô chở con đi xa lắm, lấy bông, dây chuyền xong nói con đứng đợi nhưng con đợi hoài vẫn không thấy cô quay lại”.

Cũng có vài trường hợp khi học sinh không chịu lên xe, đối tượng vừa đánh vừa la lên: “Con cái gì mà lì, nói lên xe hoài mà không lên”.

Theo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004, tất cả công dân Việt Nam dưới 16 tuổi được coi là trẻ em và cần được bảo vệ!.
Theo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004, tất cả công dân Việt Nam dưới 16 tuổi được coi là trẻ em và cần được bảo vệ!.

Người đi đường nhìn thấy ngỡ mẹ đánh con nên cũng chẳng ai có ý kiến gì, thế rồi kẻ gian chở các em ra khỏi địa bàn, lột nữ trang, tẩu thoát để lại cô bé đứng chờ suốt cả buổi sáng vì không biết đường về nhà.

Nhiều em may mắn gặp được người quen đưa về, có em không thuộc số điện thoại của gia đình nên rất khó khăn mới tìm được cha mẹ để đón về.

Trẻ bị kẻ lạ dụ dỗ và tin lời dù với bất cứ lý do gì thì các em cũng thiếu kĩ năng tự vệ. Đây thuộc về lỗi của người lớn, bởi xã hội càng hiện đại, càng tiềm ẩn nhiều mối hiểm nguy, gia đình phải là nơi đầu tiên trang bị cho trẻ kĩ năng này.

Trẻ cần được dạy tuyệt đối không nghe lời người lạ, không tin điều họ nói và không bao giờ được đi theo với bất cứ lý do gì.

Dạy trẻ không được tin lời người lạ, kể cả người nhận là bạn của ba mẹ, thậm chí biết cả tên ba mẹ và tên của bé.

Trường hợp nhận ra họ là hàng xóm hay người quen thì bé hãy vào trường báo cho cô giáo biết rồi nhờ cô gọi cho bố mẹ để xác minh xem có đúng là họ được nhờ đến đón không.

Nếu đã vào trường mà bị người lạ tới làm quen, không được đứng nói chuyện, cần chạy tới nơi có giáo viên, có người lớn trong trường để thông báo.

Không được nhận quà từ người lạ dù đó là món quà mình rất thích, vừa từ chối, vừa đi khỏi nơi ấy, nếu bị đánh mắng và khống chế như trường hợp một học sinh lớp 5 ở trên, cần dạy bé giãy đạp, la hét thật lớn để người xung quanh nhìn thấy giúp đỡ.

Cần cho bé thuộc số điện thoại của ba mẹ, đã có nhiều em đi lạc hoặc khi có việc cần nhưng không thể liên lạc được với gia đình khi trẻ không nhớ số điện thoại của ai trong gia đình.  

Cạm bẫy người và cách dạy trẻ tránh bị người lạ dụ dỗ, lừa gạt ảnh 3

Xin đừng dạy con như thế!

Để rèn cho trẻ kĩ năng tự bảo vệ mình trước người lạ như thế, ngoài cha mẹ dạy dỗ ở nhà, giáo viên cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục các em.

Kĩ năng này được hình thành không phải ngày một ngày hai mà cần có thời gian và sự kiên trì.

Hàng ngày, bố mẹ nên cùng con chơi những trò chơi tình huống, sắm vai, bố mẹ hãy đố con nói gì, làm gì khi ở trong các hoàn cảnh như thế.

Từ những câu chuyện thực tế trong cuộc sống, trên các phương tiện thông tin… ba mẹ sẽ kể cho các bé nghe và giúp con hiểu cách giải quyết để tránh được hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Trên trường, những kĩ năng này luôn có trong những bài học đạo đức, trong nhiều bài giảng của giáo viên.

Sự kết hợp giữa nhà trường và gia đình, hy vọng ngày càng hạn chế những sự việc xảy ra như trên để ngôi trường sẽ là nơi an toàn nhất đối với trẻ.

Phan Tuyết