"Cấm cửa" tại chức: Oan cho những người học nghiêm túc

10/09/2012 09:14
Theo PL. TPHCM
Nên quy định học sinh mới tốt nghiệp THPT không được học hệ tại chức.
Hiện nay nghĩ đến học ĐH tại chức là người ta chỉ nghĩ đến học theo kiểu lên lớp nghe giảng bài, rồi làm bài kiểm tra, bài thi, “đủ điểm” thì tốt nghiệp và cầm cái bằng trong tay để tăng sức nặng trong khi chọn việc, chọn ghế. Hiểu như vậy là chưa đúng.
Hệ tại chức đang bị biến dạng
Hệ tại chức là loại hình học tập mà người học không phải bỏ nơi làm việc suốt một thời gian dài để theo học. Ngược lại, họ có thể vừa làm việc vừa học theo một thời gian biểu phù hợp với công việc làm của mình. Đối tượng học của hệ tại chức là người đang đi làm. Đây là loại hình học tập rất hay, cần thiết cho người lao động.
Nhưng hiện nay hệ tại chức bị một số trường ĐH lợi dụng nên đã biến dạng. Có không ít trường ĐH tuyển học sinh phổ thông thi rớt ĐH, chưa có việc làm vào học. Vậy là chọn sai hoàn toàn đối tượng. Có trường nhập cục gần cả chục tiết liền của một bộ môn để giảng viên dạy một lèo rồi chạy sô qua điểm tại chức khác. Người học làm sao có thể tiêu hóa kiến thức khi bị nhồi cấp tốc như thế. Đó là chưa kể chương trình bị cắt xén, đề thi và điểm thi đều được châm chước khiến cho ai đã lên lớp nghe giảng (còn hiểu hay không là chuyện khác) thì đều tốt nghiệp.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hơn ai hết, giảng viên các lớp tại chức nhận biết có một bộ phận không nhỏ SV hệ này theo học không vì nâng cao trình độ mà chỉ để hợp thức hóa tấm bằng. Không ít trường ĐH lợi dụng cái quyền được cấp bằng để chỉ lo đến “nồi cơm” của trường mà quên mất trách nhiệm xã hội của hệ tại chức, bỏ qua chất lượng đào tạo.
Điều này giải thích tại sao nhiều địa phương dị ứng với tấm bằng ĐH tại chức. Thật oan uổng cho người theo học tại chức một cách thật sự, với động cơ trong sáng, có trình độ không thua kém SV tốt nghiệp hệ chính quy. Cũng thật oan cho các trường ĐH dạy SV tại chức một cách nghiêm túc. Oan luôn cho một phương thức học rất hay, bổ sung rất tốt cho phương thức đào tạo chính quy.
Thi cùng đề chính quy
Trong tương lai xa, không riêng gì hệ tại chức mà cả hệ chính quy của nhiều trường ĐH đều phải đổi hướng, chuyển dần qua khuynh hướng “thả đầu vào, siết đầu ra”. Muốn học chính quy hay tại chức là do người học chọn, sao cho phù hợp với hoàn cảnh của mình. Còn tốt nghiệp nổi hay không là chuyện khác vì phải qua các cuộc sàng lọc.
Trước mắt, Bộ GD&ĐT có thể quy định ai muốn theo học hệ tại chức cũng phải tham gia thi tuyển trong đợt tuyển sinh hệ chính quy. Người trúng tuyển vào tại chức phải là người đang đi làm, điểm trúng tuyển có thể thấp hơn điểm sàn hệ chính quy (khoảng 75% chẳng hạn), sau đó phải qua một năm học dự bị ĐH tại chức rồi chuyển qua học ĐH.
Như vậy người học tại chức được sàng lọc qua nhiều giai đoạn. Điều này sẽ chấm dứt tình trạng học giả để có bằng thật, trật tự và uy tín của hệ tại chức sẽ được thiết lập, người sử dụng sẽ tin tưởng vào tấm bằng của hệ tại chức.
Có thể thấy trước là cách làm này sẽ vấp phải sự phản đối của những người quen đi vào cửa hậu mà cũng ra cửa chính như ai. Có người hỏi: “Làm riết róng vậy thì SV hệ tại chức sẽ rơi rụng nhiều, hoài phí công sức thời gian của họ và của giảng viên”. Xin trả lời: Rơi rụng sẽ cao nhưng kiến thức thu được thì không uổng vì đó là thực học. Và xã hội đỡ phải dùng hàng giả.
Trong xã hội học tập, ai cũng đều học, học ở mọi lứa tuổi. Do vậy, hệ tại chức vẫn sẽ phát triển, lo cho nhu cầu học suốt đời của người lao động. Việc học là không có điểm dừng, vì thế mà một nhà tương lai học đã cảnh báo rất chí lý rằng: Trong thế kỷ 21, người thất học là người không biết cách học.
Theo PL. TPHCM