Cấm thầy dạy thêm, nhưng không phụ đạo thì trò đỗ vào trường nào được?

15/10/2014 06:00
PHAN THỊ KIM CHIÊU
(GDVN) - Đến bao giờ ở nước ta học sinh chỉ có học chính mà không có học thêm, không cần học thêm mà chất lượng học tập của học sinh vẫn đảm bảo?.

Đó là những băn khoăn của cô giáo Phan Thị Kim Chiêu, giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi gửi tới Báo Giáo dục Việt Nam và mong muốn được chia sẻ với bạn đọc.

Cô là cô giáo, biết rõ dạy thêm là bị cấm, nhưng chính cô, cũng vẫn phải cho con đi học thêm. Và, cô mong ước, kể mà con cô không phải học thêm thì tốt.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Tôi có con gái học lớp 9 tại một trường THCS thuộc tốp đầu thành phố Quảng Ngãi. Cháu học giỏi tất cả các môn, từ tự nhiên đến xã hội. Năm nay, cháu và bố mẹ dự định sẽ đăng kí cho cháu thi vào trường chuyên của tỉnh; xa hơn còn tính đến những mơ ước sau này, sẽ thi vào một trường đại học chất lượng cao nào đó. Đúng là sự học thật quá gian nan, cứ mãi tiến, không được phép lùi. Đó là một thực tế.

Tôi là một giáo viên nên hiểu rất rõ bệnh thành tích và những hạn chế trong ngành giáo dục. Những định hướng mà bố mẹ đặt ra cho cháu trong quá trình học tập hoàn toàn không mắc bệnh thành tích. Để đạt được những mục tiêu đó, tôi đã cho cháu học thêm một số môn quan trọng, bản thân cháu cũng ý thức được sự cần thiết của việc học thêm nên cũng xin bố mẹ cho học.

Nhiều câu hỏi đặt ra cho tôi và các bậc phụ huynh khác trong trường hợp tương tự đó là: Có nên cho con mình học thêm không? Liệu có gì mâu thuẫn giữa chương trình của Bộ Giáo Dục và nhu cầu học thêm trong thực tế? Và học thêm như thế nào cho hiệu quả?   

Tôi xin khẳng định rằng học thêm là một nhu cầu cần thiết của rất nhiều trường hợp học sinh hiện nay. Học sinh yếu cần học thêm để hiểu bài hơn; học sinh trung bình học thêm để nắm chắc hơn kiến thức; học sinh khá giỏi học thêm là để mở rộng và nâng cao những kiến thức đã học. 

Để đáp ứng những nhu cầu này không ai khác chính là người thầy. Bằng chuyên môn của mình, người thầy có thể “bắt bệnh” từng đối tượng học sinh và “cho thuốc” đúng với từng trường hợp. Câu nói “Không thầy đố mày làm nên” vẫn là một phương ngôn đúng đắn, có giá trị ngay cả với thầy dạy thêm.

Có người sẽ thắc mắc rằng, phải chăng do chương trình của Bộ đặt ra quá nặng để rồi học sinh tải không nổi trong thời gian trên lớp nên phải học thêm?. 

Thắc mắc đó là hoàn toàn có cơ sở. Học sinh nước ta một lúc phải học nhiều môn học, cách dạy của ta nặng về cung cấp lí thuyết hơn là rèn luyện kĩ năng và thực hành, cách kiểm tra đánh giá phần lớn vẫn là học thuộc hơn là tư duy… Bấy nhiêu thứ dẫn đến sự quá tải cho não bộ, thời gian xử lí kiến thức trên lớp không đủ nên cần phải có thêm thời gian ngoài học chính khóa nữa. 

Cấm thầy dạy thêm, nhưng không phụ đạo thì trò đỗ vào trường nào được? ảnh 1Lời gan ruột của thầy giáo dậy cấp 3 góp ý với giáo dục nước nhà

(GDVN) - "Rà soát lại chất lượng các cấp học, giữ cho bằng được cán bộ giáo viên chất lượng" là kiến nghị thầy Bằng muốn gửi tới lãnh đạo ngành giáo dục và chính phủ.

Tôi còn nhớ có ai đó đã nói rằng “Văn hóa là những gì còn lại sau khi chúng ta đã quên hết…”. Phải chăng cái còn lại đó mới chính là của người học, đó phải là cái cần nhớ, cần biết, cần hiểu, cần vận dụng của việc học. Nếu như chương trình của Bộ Giáo dục & Đào tạo, người viết sách giáo khoa và cách dạy của các thầy cô mà tinh lọc được những “cái cần” này thì …nhẹ cho các em học sinh quá.

Một lí do nữa khó có thể không cho con học thêm chính là chuyện thi cử. Yêu cầu đặt ra đối với thi hết lớp hay thi tốt nghiệp THPT thì không cao, tức là học sinh chỉ đạt mức trung bình trở lên. Thế nhưng với kì thi tuyển sinh đại học thì không hẳn thế. Nhiều trường đại học uy tín, chất lượng cao trong nước ta tuyển với mức điểm rất cao. Đại học Y khoa Hà Nội tuyển sinh năm 2013 với mức điểm 27,5 điểm cho ngành Bác sĩ đa khoa, những sĩ tử 27 điểm phải đau đớn chịu cảnh hỏng đại học với mỗi môn trung bình 9 điểm. 

Rõ ràng để đỗ vào những trường như thế này học sinh không thể lấy kiến thức trung bình của phổ thông, của những giờ học đại trà trên lớp. Đa số học sinh đỗ đại học đều trải qua các lớp học thêm của những thầy cô giỏi, có kinh nghiệm. Những lớp học này là để củng cố, nâng cao kiến thức, luyện giải các dạng đề, đảm bảo cho hiệu quả cao nhất, vượt trội nhất của một kì thi tuyển chọn.

Điều băn khoăn nhất còn lại đối với các bậc phụ huynh đó là làm sao cho con học thêm đúng mục đích và có hiệu quả. Thực tế cho thấy tình trạng dạy thêm đã trở nên tràn lan trên đất nước ta do đó không tránh khỏi những tiêu cực. Những chuyện ở trường này, trường nọ, thầy này, cô kia tìm mọi cách “quay” học trò, ép chúng phải đi học thêm; hiện tượng mớm đề, lộ đề kiểm tra và đề thi có nguồn gốc từ các lớp dạy thêm không phải là chuyện hiếm.

Bao nhiêu chuyện bi hài từ những lớp dạy thêm mà lí do chủ yếu là thu nhập bất chính từ phía người dạy và việc chạy theo thành tích khiến một người trong nghề như tôi không khỏi cảm thấy xấu hổ. Bởi thế với kinh nghiệm của mình tôi luôn chọn thầy cho con học. 

Những thầy nào thật có trách nhiệm với trò, có đầu tư thực sự vào chuyên môn, không vướng những tiêu cực của chuyện dạy thêm thì phụ huynh nên chọn. Cũng cần phải nói thêm rằng, học thêm cũng chỉ là phần hỗ trợ thêm, nếu học sinh chỉ biết lệ thuộc vào học thêm mà không phát huy tính tự học thì cũng không bao giờ đưa lại hiệu quả cao trong học tập.

Viết đến đây tôi bỗng giật mình: Vậy ra, đối với học sinh ta có muôn vàn lí do để học thêm. Thế tại sao nền giáo dục nước ta vẫn bị đánh giá là yếu kém? Bản thân tôi và nhiều bậc phụ huynh không có tư tưởng chạy theo thành tích nhưng sao vẫn phải chạy đua …cho con học thêm? Xin nhường câu trả lời này cho những người đã và đang thiết kế, vận hành bộ máy giáo dục nước nhà.

Còn hiện tại đối với những trường hợp như con em chúng tôi, chúng tôi vẫn thấy việc học thêm là cần thiết, mặc dù tiền của, công sức, thời gian của các em học sinh và các bậc phụ huynh bỏ ra không hề nhỏ. 

Chúng tôi chỉ đang ước rằng: Đến bao giờ ở nước ta học sinh chỉ có học chính mà không có học thêm, không cần học thêm mà chất lượng học tập của học sinh vẫn đảm bảo, và nền giáo dục nước ta vẫn phát triển như các nước khác trong khu vực và trên thế giới.                             

PHAN THỊ KIM CHIÊU