Cầm tờ giấy khen con đem về mà buồn nhiều hơn vui!

25/05/2016 07:28
Đỗ Quyên
(GDVN) - Tờ giấy khen vốn rất cao quý, vinh dự nhưng được trao một cách quá dễ dàng thì giá trị cũng chẳng còn bao nhiêu.

LTS: Gần kết thúc năm học chính là thời điểm mà cả học sinh và phụ huynh đều háo hức với những “danh hiệu” mà con đạt được. Để con có động lực nỗ lực và phấn đấu làm tốt bài thi cuối học kỳ, không ít phụ huynh đã “treo giải lớn”.

Hiện đã vào tuần cuối của năm học 2015-2016, các trường học rục rịch tổ chức lễ tổng kết năm học. Có thể nói, chưa bao giờ ngành giáo dục - đào tạo lại khen nhiều như hiện nay, nhất là ở bậc tiểu học.

Nhưng những tờ giấy khen ấy đã thực sự xứng đáng hay chưa? Và phụ huynh học sinh đã thực sự vui mừng, phấn khởi với kết quả của con cái họ hay chưa?

Trong bài viết này, cô giáo Đỗ Quyên đề cập tới giá trị của tờ giấy khen. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

Giấy khen cho học sinh là sự ghi nhận, tuyên dương của nhà trường với kết quả học tập của các em học sinh trong suốt năm học. Đó là món quà tinh thần vô cùng quý giá mà bất kể phụ huynh và học sinh nào cũng khát khao đạt được.

Những năm trước đây, khi nhận được tờ giấy khen ai cũng cảm thấy vô cùng vui mừng và tự hào bởi những trong lớp cũng chỉ vài học sinh nhận được vinh dự ấy.

Những tờ giấy khen đem về, được cha mẹ đóng khung, lồng kính treo trên tường, nhiều gia đình còn đùa: “Bụng đói mà nhìn căn phòng tràn ngập giấy khen thế này cũng thấy no rồi”.

Cầm tờ giấy khen con đem về mà buồn nhiều hơn vui! ảnh 1
Cầm tờ giấy khen con đem về mà buồn hơn vui! (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Những năm trở lại đây, giá trị tờ giấy khen đã giảm dần bởi cách khen thưởng của nhà trường cũng có phần dễ dãi. Có những lớp, những trường, học sinh một lớp nhận được giấy khen gần như tuyệt đối. Thế mới có chuyện nghe thì buồn cười nhưng lại là sự thật rằng: “Ai không được nhận giấy khen mới là chuyện lạ”.

Giấy khen không phản ánh đúng năng lực của học sinh

 
Thông tư 30 về cách khen thưởng học sinh tiểu học cũng vô cùng mở. Có ba nội dung để đánh giá việc khen thưởng là học tập, năng lực và phẩm chất. 

Học sinh đạt thành tích nổi trội trong ba nội dung đánh giá trên sẽ được bình chọn vào danh sách khen thưởng. Số lượng học sinh được khen do hiệu trưởng quyết định. 

Cầm tờ giấy khen con đem về mà buồn nhiều hơn vui! ảnh 2

"Loạn xì ngầu" trên tờ giấy khen học trò tiểu học

(GDVN) - Tình trạng “loạn” lời khen như hiện nay, khiến mọi người bị lạc vào “mê hồn trận” khen thưởng mà không thể biết được giá trị đích thực của các lời khen đó.

Do vậy không tránh khỏi một số trường quy định số lượng học sinh được khen cao ngất ngưởng để chứng tỏ “danh hiệu” của mình, cũng như một số giáo viên thích cho lớp mình có nhiều học sinh được khen thưởng để khẳng định mình dạy giỏi. 

Vì thế, cũng đã xảy ra tình trạng “loạn giấy khen” khi một lớp chỉ 30 học sinh nhưng số em được nhận giấy khen đã lên tới hơn 20 em.

Với học sinh trung học phổ thông và trung học cơ sở dù việc xếp loại của các em căn cứ vào điểm số đạt được nhưng khi cho điểm thầy cô không dám thẳng tay ghi điểm thấp cho những em không chịu học bài, khi một số thầy cô dạy thêm mà luôn ra đề kiểm tra na ná những dạng vừa cho các em ôn tập...

Rồi những đợt kiểm tra cuối kì, những đề cương có sẵn khoanh vùng những kiến thức sẽ thi. Những điểm số cao ngất ngưởng như thế, cũng chẳng thể phản ánh trung thực lực học của học sinh. 

Đã có không ít phụ huynh thừa nhận: “Ở nhà dạy cho con thấy nó học còn chậm lắm, vậy mà cuối năm cũng được giấy khen. Cầm tờ giấy khen con đem về mà buồn hơn vui vì sợ con ỷ lại không chịu cố gắng học”.

Từ câu chuyện tờ giấy khen, chợt nhớ đến sự tích “Cá chép hóa rồng” trước kia. Tương truyền, cá chép vượt vũ môn tất sẽ hóa rồng, nhưng bức tường vũ môn quá cao cá chép khó lòng qua được. Loài cá đã tâu với Long Vương xin được hạ thấp vũ môn xuống.

Vậy là tất cả cá chép đều vượt qua một cách dễ dàng và đều hóa rồng. Nhưng cũng chính lúc này, chúng mới nhận ra dù là hóa rồng thì chúng cũng chẳng khác so với lúc trước, có chăng chỉ khác mỗi cách gọi tên.

Tờ giấy khen vốn rất cao quý, vinh dự nhưng được trao một cách quá dễ dàng thì giá trị cũng chẳng còn bao nhiêu.

Đỗ Quyên