Cần lên tiếng trước những sai phạm trong giáo dục

15/05/2012 11:20
Độc giả Quốc Vỹ
(GDVN) - Các trường thì cố tình vi phạm, cố tình “lách” luật, “lách” quy chế mà điển hình là việc “9 năm nghiên cứu sinh vẫn được bảo vệ Tiến sỹ” ở Trường ĐH Bách Khoa.

Giáo dục nước nhà luôn được toàn xã hội quan tâm và đó là điều đáng mừng. Sự quan tâm ấy cũng đi kèm với những đòi hỏi, những kỳ vọng chính đáng về một nền giáo dục sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai gần của rất nhiều người.

NCS Phạm Xuân Khánh bị tố làm luận án quá thời hạn
NCS Phạm Xuân Khánh bị tố làm luận án quá thời hạn

Tuy nhiên, nhiều sự việc gần đây diễn ra đã làm không ít người lo lắng. Nhiều nhà giáo dục lên tiếng, nhiều lãnh đạo Bộ giáo dục phải vào cuộc để chấn chỉnh, xử lý. Và như vậy, thời gian để quan tâm đến những vấn đề vĩ mô lại bị “xé” ra rất nhiều. Các trường thì cố tình vi phạm, cố tình “lách” luật, “lách” quy chế mà điển hình là việc “9 năm nghiên cứu sinh vẫn được bảo vệ Tiến sỹ” ở Trường ĐH Bách Khoa.

Từ việc miễn thi ngoại ngữ trong các kỳ thi đầu vào cao học cho đến đào tạo nghiên cứu sinh đều có những quy định rõ ràng. Chắc chắn các trường đều có những thông tin cụ thể về các vấn đề này nhưng khi bị “phát hiện” thì lại cho rằng quy chế không rõ ràng! Lẽ nào, các trường không thể phản hồi lại nếu chưa hiểu rõ các công văn của Bộ giáo dục? Chống chế sao được khi đâu phải tất cả các trường đều áp dụng sai và hiểu sai?

Đọc bài phát biểu của các lãnh đạo Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng mình làm đúng quy chế và việc tố cáo Nghiên cứu sinh thực hiện đề tài đến 9 năm là do những thù hằn cá nhân, tôi hoàn toàn không đồng ý với cách phát biểu như thế. Nếu không có những phát hiện, những tố cáo thì mọi việc sẽ lấp liếm và “cho qua”? Và khi những sai sót không được phát hiện kịp thời, không được xử lý nhanh chóng hoặc “chìm xuồng” thì những tấm bằng Tiến sỹ ấy hoặc những người học sau đại học không biết gì về ngoại ngữ sẽ ra sao?

Đến lúc này, nhiều người có quyền đặt câu hỏi: Phải chăng đó chỉ là có bằng cấp để “thăng quan tiến chức” còn năng lực thật sự, trình độ thật sự của một người học cao thì không thể xác định được?

Lên tiếng trước một sự việc đang diễn ra trong xã hội là hết sức cần thiết và đáng hoan nghênh. Tất cả các lĩnh vực chứ không riêng gì giáo dục đều cần những phản biện. Cho dù là thư nặc danh hay chính danh cũng đều đáng được trân trọng, cảm ơn. Nếu thiếu phản biện trong giáo dục thì sẽ ngày càng có nhiều người có bằng cấp cao, nhưng xã hội thì đang ngày một “lùn”.

Quan trọng hơn cả trong lúc này là những giải quyết rõ ràng của nhà trường vì lãnh đạo Bộ đã chỉ ra những việc làm sai trái này.

Mọi thông tin phản ánh, khiếu nại tiêu cực trong giáo dục, mời bạn đọc gửi về địa chỉ email của tòa soạn:
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hom-thu-bay-to-y-kien-to-giac-tieu-cuc-trong-giao-duc/161144.gd
Độc giả Quốc Vỹ