"Cần phải có một lòng quyết tâm lớn để thực hiện đổi mới giáo dục"

31/01/2014 07:00
Xuân Trung - Tư Khương
(GDVN) - “Dù sao năm 2014 là năm đầu thực hiện đổi mới giáo dục, phải bày tỏ được quyết tâm trước, có một khí thế để đi vào công cuộc đổi mới này”.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho biết về quan điểm đổi mới giáo dục sẽ được thực hiện từ năm 2014. Trong buổi trả lời phỏng vấn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đầu năm 2014, bà Nguyễn Thị Bình liên tục nhấn mạnh, phải có quyết tâm thực hiện đổi mới thì đổi mới mới thành công. 

Đầu tháng 11/ 2013, Trung ương đã ban hành Nghị quyết về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đào tạo, trong đó Đảng và Nhà nước xác định mục tiêu của đổi mới lần này là: Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Bình đang trò chuyện với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. Ảnh Xuân Trung
Bà Nguyễn Thị Bình đang trò chuyện với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. Ảnh Xuân Trung

Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Vì sao phải có Nghị quyết TƯ 8? Bà Nguyễn Thị Bình cho biết, đó là để triển khai một chủ trương đổi mới giáo dục được chính thức hơn, tuy nhiên cần phải có một lòng quyết tâm lớn để thực hiện. 

“Đây là một công cuộc đổi mới không đơn giản, mà rất quan trọng. Vì vậy tôi rất mong chúng ta phải xác định được yêu cầu của đổi mới, phải có một cách làm, phải có một quyết tâm thì mới làm được. Dù sao năm 2014 là năm đầu thực hiện, mong muốn phải bày tỏ được quyết tâm trước, có một khí thế để đi vào công cuộc đổi mới này” bà Bình bày tỏ suy nghĩ.

Là người đã từng là “tư lệnh” của ngành giáo dục, cho tới khi chuyển công việc nhưng không lúc nào bà Nguyễn Thị Bình không quan tâm, tìm hiểu về giáo dục nước nhà. Những trăn trở của bà đã được báo chí nói nhiều. Nhưng với năm 2014 này, đây là năm đánh dấu mốc quan trọng trong ngành giáo dục – năm đầu thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục. Một nhiệm vụ trọng đại của ngành, của nhân dân, của từng phụ huynh và học sinh.

Nói với Báo Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh, quan trọng nhất trong công cuộc đổi mới lần này là mọi người phải có được nhận thức đúng về tầm quan trọng, vai trò của giáo dục và đào tạo trong sự phát triển của đất nước.

Bà Bình cho biết, Đảng và Nhà nước đã quán triệt “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhưng qua theo dõi và tìm hiểu bà Bình nhận định giáo dục vẫn chưa được “là quốc sách hàng đầu”. Và bà khẳng định lại, bây giờ là điều kiện để đổi mới phải thể hiện được điều đó.

“Việc này là của Đảng, của Nhà nước nhưng đồng thời cũng là của nhân dân. Nhưng làm sao để cho nhân dân ta cũng có nhận thức mới, hiểu được mục đích mới của giáo dục. Báo chí nên tuyên truyền vấn đề này nhiều hơn” nguyên Phó Chủ tịch nước cho hay.

Trong những năm qua, khi nhận xét về tình hình giáo dục nước nhà, bà Nguyễn Thị Bình cho biết, đúng là giáo dục có nhiều khuyết điểm, nhưng bên cạnh đó dư luận xã hội cũng gây áp lực lên ngành giáo dục rất nhiều. Do đó, xã hội, trực tiếp là phụ huynh phải hiểu được mục đích của bản thân, của đất nước, tạo cho  thanh niên có một năng lực lao động, năng lực làm việc, đem lại cuộc sống tốt đẹp cho mình, chứ không chỉ là bằng cấp như lâu nay chúng ta hay hướng tới.

Nguyên Phó Chủ tịch nước cũng nói thêm, tư tưởng của dân mình cái gì cũng vào đại học, tư tưởng này cần phải nghĩ lại. Người dân cần đồng thuận với ngành giáo dục, với Đảng, với Nhà nước để làm thế nào thực hiện cho đúng, để cho sự nghiệp giáo dục là yếu tố quyết định tới sự nghiệp phát triển của đất nước.

Bà Nguyễn Thị Bình cũng chia sẻ thêm, không phải ai cũng cần học đại học, nếu trong xã hội thầy nhiều hơn thợ thì không còn là xã hội nữa. Thay vào đó, hãy lựa chọn ngành nghề theo năng lực của mình để đóng góp cho đất nước, đó là điều tốt nhất.

Gần đây, số liệu được nhiều tỉnh thành công bố tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường không xin được việc làm. Theo bà Bình, chuyện đó có xảy ra, một mặt do kinh tế gặp khó khăn, nhưng một mặt do chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được, có ngành cần nhân lực thì không có người làm, có ngành không cần thiết thì quá đông người vào.

“Nhà nước phải dự báo tốt về yêu cầu nguồn nhân lực cho rõ hơn, lúc đó sẽ giúp cho ngành đào tạo sát hơn với nhu cầu của xã hội” bà Bình cho biết.

Nhân dịp xuân Giáp Ngọ, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình gửi lời chúc tới sự nghiệp giáo dục và đào tạo nói chung và cán bộ, nhân viên, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nói riêng. Đối với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bình tin tưởng tờ báo tuy trẻ nhưng sẽ ngày một vững mạnh, đáp ứng nhanh nhạy những thông tin về giáo dục  có chất lượng, ngày càng nhiều độc giả yêu mến.
Xuân Trung - Tư Khương