Cảnh báo ‘đại ca’ trong lớp học

05/12/2012 13:00
Theo ANTĐ
Vừa đón con ở trường mầm non về, chị Hoàng Tú Mai, ở phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hoảng hốt khi nhìn thấy trên cổ con nhiều vết xước và thâm tím. Gặng hỏi mãi cô bé mới nói là bị bạn ở lớp đánh, nhưng nhất định không chịu nói tên vì sợ.

“Phấp phỏng” đến lớp học

Sau khi biết chuyện, chị Mai đã gọi điện thông báo với cô giáo để kịp thời tìm ra “thủ phạm”. Chị Mai cho hay: “Cô giáo đã liên hệ với phụ huynh của cháu bé bắt nạt con tôi để hai bên có thể ngồi nói chuyện và tìm ra nguyên nhân. Do cậu bạn cùng lớp có tính cách ngang ngược, thích gây sự với các bạn nên không chỉ con tôi mà những cháu khác cũng từng bị cậu bé này đánh. Tuy nhiên, do bị bạn dằn mặt nếu mách cô sẽ bị đánh tiếp nên các cháu cứ lẳng lặng chịu đòn...”.

Cũng theo chị Mai, sau khi được cô giáo và các bậc phụ huynh phân tích, bố mẹ cậu bé đã kịp thời chỉnh đốn con mình, giúp con sửa chữa tính hung hăng và có thái độ tôn trọng hơn với các bạn trong lớp.

Tương tự trường hợp của chị Mai, anh Hoàng Tuấn Anh có con 4 tuổi, đang học mầm non ở một trường công lập quận Ba Đình cho biết, cứ vài ba hôm đi học về, anh lại thấy con gái có những vết xước ở chân, tay do chơi đùa với bạn hoặc bị bạn đánh.

Mới đầu, anh Tuấn Anh chỉ nghĩ đơn giản trẻ con mải chơi, trầy xước tay chân là chuyện thường. Nhưng sau khi tìm hiểu nguyên nhân, anh Tuấn Anh mới tá hoả những vết thương của con anh là do bị bạn trong lớp đánh.

Theo lời con gái anh, ở lớp học có một cậu bạn tên là Bốp, chỉ cần nghe tên là bạn nào trong lớp cũng sợ. Thậm chí, các bạn còn phải nộp bim bim, kẹo,… cho Bốp, ai mà làm cho Bốp phật ý thì chỉ còn cách chịu trận.

Bị bạn bắt nạt ở trường không phải là chuyện hiếm gặp. Thực tế, việc đánh nhau giữa những đứa trẻ vẫn thường xảy ra. Cô Trần Phương Liên, giáo viên mầm non một trường tư thục cho biết, đối với trẻ ôn hoà và có tính cách ổn định, chúng thường chơi với nhau rất hòa thuận. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có một vài em có tính cách cá biệt, luôn trêu chọc và đánh bạn.

Đây là những bé được liệt vào hàng “đại ca” trong lớp học. Những đứa trẻ này thường có tính cách lì lợm, thích lãnh đạo và hay sai bảo các bạn. Nhiều phụ huynh lo ngại, việc các bé đánh bạn ở trường là bạo lực không thể chấp nhận được và họ thực sự bất an khi để con học chung với những “đại ca nhí” như thế. Và giải pháp mà các bậc phụ huynh đưa ra là chuyển trường cho con.

Giáo dục trẻ cách đối diện

Với những bậc phụ huynh có con được liệt vào dạng cá biệt trong lớp thì tính cách ngang ngược, thích đánh đấm của những đứa trẻ này ít nhiều cũng làm họ đau đầu.

Chị Phan Hồng Linh, mẹ của một cậu bé có tính cách ưa bạo lực than thở: “Có những thời điểm ngày nào tôi cũng nhận được cuộc gọi của cô giáo chủ nhiệm lớp con trai mình với lý do cháu đánh nhau với bạn. Nhiều lúc tôi thấy xấu hổ khi luôn phải gặp các bậc phụ huynh khác để xin lỗi, giải thích vì con tôi đã có hành động không đúng”.

Cũng theo chị Linh, vợ chồng chị đã dùng mọi cách từ nói chuyện, khuyên bảo đến đưa ra những hình phạt nghiêm khắc nhưng vẫn liên tục nhận được những lời phàn nàn của cô giáo và các bậc phụ huynh. Nhiều người còn đến gặp trực tiếp chị Linh nói rằng, nếu không dạy dỗ được, họ sẽ đánh con chị để biết cảm giác bị đánh như thế nào…

Trên thực tế, nhiều phụ huynh và giáo viên khi nghe các em phản ánh việc bị bắt nạt đã có những câu nói đại loại như: “Con đã làm gì sai nên bạn mới đánh con phải không?”, “Bao nhiêu bạn trong lớp không sao cả mà sao chỉ có con bị đánh?”... Thậm chí, có người còn có hành động nóng nảy, la mắng.

Trong khi đó, học sinh bị bắt nạt luôn có những biểu hiện ngần ngại khi đi học hay tham gia các hoạt động ngoại khóa, có em còn nằng nặc đòi bố mẹ cho chuyển trường, chuyển lớp…

Qua quá trình tư vấn cho nhiều bậc phụ huynh, bà Lê Thị Tuý - chuyên gia tư vấn tâm lý tuổi trẻ gia đình Việt Nam nhận xét, trẻ bị bắt nạt thường ít nói với cha mẹ hay giáo viên vì xấu hổ và sợ bị la mắng. Một số em có biểu hiện không muốn cha mẹ đưa đi học vì sợ cha mẹ phát hiện và sợ những bạn ức hiếp sẽ cho rằng các em đã báo sự việc cho người lớn.

Trong trường hợp đã biết chính xác con bị bắt nạt, phụ huynh không nên nóng vội la mắng mà nên bình tĩnh tìm cách khuyến khích trẻ nói ra sự thật.

Để sớm phát hiện và ngăn chặn tình trạng con em bị bắt nạt ở trường, phụ huynh cần thường xuyên liên lạc với nhà trường, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm để theo dõi quá trình học tập và sinh hoạt của con em mình tại trường. Cùng với đó là quan sát những thay đổi trong cuộc sống của con, nếu phát hiện những dấu hiệu khác lạ, cần liên hệ ngay với nhà trường để phối hợp giải quyết.

Những câu hỏi đại loại như “Hôm nay con làm gì ở trường?”, “Có điều gì làm con thích hay không thích?”,… sẽ tạo điều kiện cho trẻ nói ra những điều mà cha mẹ cần biết.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên khuyến khích trẻ mời bạn thân về nhà để học bài hay chơi chung một trò chơi nào đó. Thông qua đó, phụ huynh có thể hình dung các mối quan hệ của con ở trường.

Mặt khác, khuyến khích trẻ học thêm một số khóa học như học đàn, học võ hay tham gia câu lạc bộ thể dục nhịp điệu nhằm giúp các em tự tin hơn về bản thân…

Theo ANTĐ