"Cáo gửi chân" vào Sữa học đường?

25/03/2019 14:41
Hồng Thủy
(GDVN) - Chính phủ quyết định dùng sữa tươi cho Sữa học đường vì sức bật của giống nòi và phát triển chăn nuôi bền vững, nhưng một số địa phương đang làm trái quy định.

Về vụ ngộ độc sau khi uống sữa Fami Kid tại Thái Nguyên ngày 15/3/2019, Cổng thông tin điện tử Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên (thainguyen.gov.vn) cùng ngày cho biết:

Sau khi điều trị ban đầu tại Trạm Y tế xã, 02 học sinh đã bình phục, sức khoẻ ổn định được gia đình đưa về nhà tiếp tục theo dõi, còn 23 em học sinh khác được đưa đi điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Phú Bình. 

Theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa huyện Phú Bình, đến 16h cùng ngày sức khoẻ của các cháu học sinh đã cơ bản ổn định. 

Sản phẩm "sữa đậu nành học đường Vinasoy" tại Trường Tiểu học Nhã Lộng, Phú Bình, Thái Nguyên. Ảnh: Tùng Dương.
Sản phẩm "sữa đậu nành học đường Vinasoy" tại Trường Tiểu học Nhã Lộng, Phú Bình, Thái Nguyên. Ảnh: Tùng Dương.

Qua xác minh thông tin, Trường tiểu học Nhã Lộng sử dụng sữa đậu nành Vinasoy (Famikid) theo chương trình Sữa học đường cho học sinh tiểu học năm học 2018 - 2019 do Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên, Phòng giáo dục và đào tạo huyện Phú Bình triển khai.

Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tiếp tục phối hợp trong công tác xác minh, tìm nguyên nhân và xử lý vụ việc theo quy định. [1]

Tuy nhiên, báo cáo số 57/BC-UBND ngày 17/3/2019 của Ủy ban nhân dân huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên về công tác chỉ đạo và xử lý vụ việc một số học sinh trường Tiểu học Nhã Lộng có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm, không có nội dung nào về việc điều tra, tìm nguyên nhân ngộ độc để xử lý.

Đến nay đã 10 ngày trôi qua từ khi xảy ra vụ việc, không có thông tin nào về kết quả xác minh nguyên nhân gây ngộ độc cho 29 học sinh sau khi uống sữa Fami Kid cũng như hình thức xử lý được công khai cho cha mẹ học sinh và dư luận biết.

Nhưng qua vụ ngộ độc sau khi uống sữa Fami Kid tại Trường Tiểu học Nhã Lộng, đã có nhiều vấn đề đặt ra về việc triển khai Chương trình Sữa học đường tại một số địa phương không đúng với Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế.

Một số tỉnh để Sữa học đường biến tướng thành kênh bán hàng vào trường học?

Chương trình Sữa học đường được Chính phủ triển khai từ ngày 8/7/2016 theo Quyết định số 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng.

"Cáo gửi chân" vào Sữa học đường? ảnh 2

Cần ngăn chặn ngay việc đưa sữa bột pha lại vào Sữa học đường

Trước khi xảy ra vụ ngộ độc nói trên, ngày 28/2/2019 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Chương trình Sữa học đường tỉnh Thái Nguyên.

Theo đó, sau Quyết định 1340/QĐ-TTg, tỉnh Thái Nguyên đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức xây dựng kế hoạch thực hiện theo lộ trình.

Theo báo cáo nhanh, thời gian qua chương trình đã được triển khai tại một số trường mầm non và tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh.

Tuy nhiên kinh phí cơ bản là nguồn xã hội hóa, tài trợ của doanh nghiệp và phụ huynh đóng góp. [2]

Sau vụ ngộ độc của 29 học sinh Trường Tiểu học Nhã Lộng, ngày 22/3/2019, Ban chỉ đạo Chương trình Sữa học đường tỉnh Thái Nguyên họp dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trịnh Việt Hùng.

Tại hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung đánh giá kết quả thực hiện các chương trình sữa đưa vào trường học đã triển khai trong thời gian vừa qua.

Tính đến tháng 11-2018, tại Thái Nguyên, đã có 184/229 trường mầm non, 91/228 trường tiểu học triển khai chương trình sữa học đường, với tổng số trẻ được uống sữa ở cấp mầm non là trên 58 nghìn trẻ (đạt tỷ lệ 80,34%), ở cấp tiểu học là trên 41 nghìn trẻ (đạt tỷ lệ 39,9%). 

Phát biểu tại cuộc họp này, ông Trịnh Việt Hùng chỉ đạo:

Giao trách nhiệm cho Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính nghiên cứu đảm bảo nguồn kinh phí khi chương trình đưa vào triển khai; 

Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp tham mưu và triển khai xuống các trường bộ tiêu chuẩn, chủng loại sữa được phép đưa vào chương trình; tiếp thu ý kiến, điều chỉnh báo cáo và kế hoạch triển khai thực hiện. [3]

Ông Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình Sữa học đường tỉnh Thái Nguyên chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo ngày 21/3/2019. Ảnh: thainguyen.gov.vn.
Ông Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình Sữa học đường tỉnh Thái Nguyên chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo ngày 21/3/2019. Ảnh: thainguyen.gov.vn.

Từ những thông tin nói trên có thể thấy Thái Nguyên chưa bố trí được ngân sách cho Chương trình Sữa học đường và để các doanh nghiệp cung cấp sữa vào trường học tiếp thị, bán sữa (có trợ giá) dưới danh nghĩa Chương trình Sữa học đường.

80% số trẻ mầm non, 40% số học sinh tiểu học trên địa bàn Thái Nguyên đã được uống "sữa học đường", nhưng không phải sữa tươi theo Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lẫn Quyết định 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế?

Đã hơn 2 năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ phát động Chương trình Sữa học đường, đến bây giờ tỉnh Thái Nguyên mới chỉ đạo Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp tham mưu và triển khai xuống các trường bộ tiêu chuẩn, chủng loại sữa được phép đưa vào chương trình;

Vậy phải chăng 2 năm qua các loại sữa không phải sữa tươi đưa vào trường học ở Thái Nguyên dưới danh nghĩa Chương trình Sữa học đường là bất hợp pháp?

Có hay không tiêu cực trong triển khai Chương trình Sữa học đường ở Thái Nguyên?

Ngày 19/3/2019, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc làm việc với ông Phùng Văn Xuyên - Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên.

Ông Phùng Văn Xuyên cho biết, Trường Tiểu học Nhã Lộng, huyện Phú Bình tổ chức cho học sinh toàn trường uống sữa theo Kế hoạch số 233/KH-SGDĐT ngày 19/2/2019 của Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Nguyên triển khai chương trình (sữa đậu nành học đường Vinasoy), năm học 2018 - 2019.

"Cáo gửi chân" vào Sữa học đường? ảnh 4

Nghịch lý Hà Nam bán sữa tươi cho Vinamilk, mua sữa bột pha lại cho con trẻ

Ông Nguyễn Đức Thịnh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên cho biết: 

Các em học sinh của 61 trường Tiểu học tại 3 huyện là Đại Từ, Phú Bình và thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) được uống sữa theo chương trình Sữa đậu nành học đường Vinasoy" do Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo.

Vậy Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh - Trưởng ban chỉ đạo Chương trình Sữa học đường tỉnh Thái Nguyên có biết việc này, có chỉ đạo đưa chương trình "sữa đậu nành học đường Vinasoy" vào các trường mầm non, tiểu học ở 3 huyện? Nếu có, thì dựa vào cơ sở pháp lý nào?

Ngày 21/1/2019, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Nguyên tỉnh Thái Nguyên có Công văn số 58/GDĐT gửi các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn;

Công văn này yêu cầu các trường phối hợp để Công ty Cổ phần Sữa chuyên nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm và tham gia chương trình Sữa học đường cho trẻ mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn thành phố Thái Nguyên.

Theo tinh thần Công văn số 58/GDĐT nói trên, việc này là để thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên trong Công văn số 4708/UBND-KGVX ngày 16/11/2018 về việc triển khai Chương trình Sữa học đường;

Công văn số 129/SGDĐT-CTTT ngày 17/1/2019 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên về việc giới thiệu Công ty Cổ phần Sữa chuyên nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm và tham gia chương trình Sữa học đường.

Đại diện Công ty Cổ phần Sữa chuyên nghiệp Việt Nam (VP Milk) trao quà cho học sinh trường Mầm non Nam Thành, thành phố Ninh Bình tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Báo Ninh Bình.
Đại diện Công ty Cổ phần Sữa chuyên nghiệp Việt Nam (VP Milk) trao quà cho học sinh trường Mầm non Nam Thành, thành phố Ninh Bình tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Báo Ninh Bình.

Điều đáng nói là Công văn số 58/GDĐT nói trên của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Nguyên cũng viện dẫn Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ;

Tức các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên biết rất rõ rằng phải sử dụng sữa tươi cho Chương trình Sữa học đường, dù ngân sách địa phương có hỗ trợ hay không.

Nói cách khác, sản phẩm không phải là sữa tươi thì không được đưa vào Chương trình Sữa học đường.

Nhưng phải chăng các cơ quan này đã phớt lờ Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ, khi cho phép đưa sữa đậu nành Fami Kid và giới thiệu một doanh nghiệp không sản xuất sữa tươi tham gia Chương trình Sữa học đường?

Nếu khẳng định của Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Đức Thịnh là chính xác, thì tại sao Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên lại chỉ đạo đưa các sản phẩm không đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế vào chương trình Sữa học đường?

Có hay không tiêu cực trong chuyện này? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm với 29 học sinh bị ngộ độc sau khi uống sữa Fami Kid ở Trường Tiểu học Nhã Lộng?

"Cáo gửi chân" vào Sữa học đường?

Kế hoạch số 233/KH-SGDĐT ngày 19/2/2019 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên triển khai chương trình "Sữa đậu nành học đường Vinasoy" năm học 2018 - 2019 không dựa trên bất kỳ cơ sở pháp lý nào.

"Cáo gửi chân" vào Sữa học đường? ảnh 6

Bộ Y tế nên chỉ đạo thu hồi xác nhận hợp quy sữa dinh dưỡng học đường Vinamilk

Bản kế hoạch này chỉ đạo cấp phát sữa Fami Kid hộp 125 ml cho 45 ngàn học sinh tiểu học thuộc 3 huyện Đại Từ, Phổ Yên và Phú Bình, mỗi em 10 hộp, dự kiến uống tại trường từ 11/3/2019 đến 22/3/2019, tương ứng 2 tuần đi học.

Sau đó, là "cấp phát sữa trợ giá từ Vinasoy và nguồn thu từ phụ huynh", dự kiến thí điểm 7 tuần liên tục từ ngày 01/4/2019 đến 18/5/2019 và sẽ tiếp tục mở rộng thực hiện lâu dài nếu phụ huynh có nhu cầu.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên giao Phòng Chính trị - Tư tưởng chủ trì việc triển khai chương trình đến các phòng giáo dục và đào tạo, chỉ đạo các phòng tạo điều kiện để Vinasoy làm việc với các trường và phụ huynh học sinh.

Như vậy, phải chăng Chương trình Sữa học đường nhân văn và thiết thực của Chính phủ đã bị biến thành một chương trình tiếp thị sữa đậu nành vào trường học, khi triển khai ở Thái Nguyên?

Thư ngỏ của Nhà máy sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy thuộc Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi do Giám đốc Ngô Văn Tụ ký, gửi phụ huynh học sinh mà Trường Tiểu học Nhã Lộng cung cấp, cho biết:

Chương trình Sữa học đường đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.

Với vai trò là người dẫn đầu ngành hàng sữa đậu nành, Vinasoy luôn cổ súy và tiên phong thực hiện chương trình sữa học đường từ rất sớm...

Trong học kỳ I năm học 2018 - 2019, Vinasoy đã triển khai thí điểm cấp sữa học đường trợ giá (giảm từ 35% đến 100%) cho học sinh tại Yên Bái và Hải Dương.

Tổng cộng 20.721 học sinh của 68 trường đã mua tổng cộng 916.718 hộp sữa đậu nành Fami Kid...

Có thể nói chương trình sữa học đường của Vinasoy đã mang lại hiệu quả thiết thực cho các em. Tuy nhiên, do nguồn tài trợ còn hạn chế nên chỉ một số em được uống sữa.

Kế hoạch sữa đậu nành học đường Vinasoy của Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Thái Nguyên triển khai, đối tượng được áp dụng là học sinh tại các trường Tiểu học ở 3 huyện Đại Từ, Phú Bình và Phổ Yên với khoảng 45 nghìn học sinh. Ảnh: Tùng Dương.
Kế hoạch sữa đậu nành học đường Vinasoy của Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Thái Nguyên triển khai, đối tượng được áp dụng là học sinh tại các trường Tiểu học ở 3 huyện Đại Từ, Phú Bình và Phổ Yên với khoảng 45 nghìn học sinh. Ảnh: Tùng Dương.

Để các em được uống sữa nhiều hơn nữa, Vinasoy mong muốn được quý phụ huynh cùng đồng hành chung tay mua và cấp phát sữa cho các em...

Sữa đậu nành Fami Kid hộp 125 ml, hạn sử dụng trên 4 tháng, giá thị trường 3.500 đồng / hộp, giá bán buôn cho đại lý 3.333 đồng / hộp. Vinasoy sẽ hỗ trợ giá 35% trên giá bán buôn nên phụ huynh chỉ thanh toán 2.166 đồng / hộp.

Phải chăng thư ngỏ của Vinasoy đang lạm dụng Chương trình Sữa học đường của Chính phủ bằng cách viện dẫn Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016, nhưng lại lờ đi quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế sử dụng sữa tươi cho chương trình?

Chương trình Sữa đậu nành học đường Vinasoy phải chăng là kế hoạch tiếp thị và bán sản phẩm vào trường học dưới danh nghĩa "Sữa học đường" tại 3 tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái và Hải Dương?

Còn về Công ty Cổ phần Sữa chuyên nghiệp Việt Nam (VP Milk), chúng tôi được biết ngày 10/01/2019, VPMilk với nhãn hàng Grow+ đã có mặt tại buổi lễ trao tặng sữa cho các trường mầm non và tiểu học tại tỉnh Ninh Bình nhằm hưởng ứng Chương trình Sữa học đường 2019 của Chính phủ.

Ngày 26/2/2019 VP Milk tổ chức lễ trao tặng sữa VPMilk Grow + cho gần 5.000 trẻ tại 9 trường mầm non trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, nhằm hưởng ứng Chương trình Sữa học đường 2019 của Chính phủ.

Ngày 26/2/2019 VP Milk tặng sữa cho gần 5.000 trẻ em tại 9 trường mầm non tỉnh Vĩnh Phúc nhằm hưởng ứng chương trình Sữa học đường của Chính phủ. Ảnh: VTV.vn.
Ngày 26/2/2019 VP Milk tặng sữa cho gần 5.000 trẻ em tại 9 trường mầm non tỉnh Vĩnh Phúc nhằm hưởng ứng chương trình Sữa học đường của Chính phủ. Ảnh: VTV.vn.

Theo thông tin ghi trên bao bì, sản phẩm VPMilk Grow + là sữa bột pha lại, không phải sữa tươi. Website của VP Milk cho đến hiện nay không thấy giới thiệu bất kỳ sản phẩm sữa dạng lỏng nào sản xuất từ sữa tươi.

Vậy tại sao tỉnh Thái Nguyên lại giới thiệu cho VP Milk đến các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố Thái Nguyên giới thiệu sản phẩm và tham gia chương trình Sữa học đường?

Phải chăng Thái Nguyên đang biến trường học thành nơi tiêu thụ sản phẩm (trái quy định của Chính phủ) cho doanh nghiệp? 

Những ai sẽ được lợi khi các doanh nghiệp này bán được hàng chục ngàn sản phẩm vào trường học mỗi ngày? 

Các thầy cô giáo đang trở thành nhân viên tiếp thị bất đắc dĩ bởi chỉ đạo khép kín của ngành dọc, trong khi công việc của thầy cô là dạy học;

Khi xảy ra mất an toàn vệ sinh thực phẩm như vụ ngộ độc sau khi uống sữa Fami Kid, thì chính thầy cô và nhà trường lại phải đứng mũi chịu sào trước phụ huynh mà không thấy những người chỉ đạo đưa sản phẩm này vào nhà trường nhận trách nhiệm.

Rõ ràng thực trạng triển khai Chương trình Sữa học đường trái Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 đang có những chệch choạc.

Doanh nghiệp lớn như Vinamilk cũng đưa sữa bột pha lại vào Chương trình Sữa học đường tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam và Khánh Hòa;

Thương hiệu sữa bột pha lại mới xuất hiện như VPMilk Grow + hay sữa đậu nành Fami Kid cũng đang tìm kiếm những đơn hàng từ trường học thông qua sự giới thiệu và giúp đỡ của chính quyền một số địa phương.

Nếu tình trạng này cứ tiếp tục mà không được kiểm tra, giám sát, đình chỉ các sản phẩm không đúng quy định, Sữa học đường vốn rất nhân văn, thiết thực có thể biến tướng thành một chương trình bán hàng thuần túy; mục tiêu tốt đẹp ban đầu bị phá sản.

Ở đó, các thầy cô giáo phải kiêm thêm nghề tiếp thị sữa bột pha lại, sữa đậu nành dưới danh nghĩa Chương trình Sữa học đường của Chính phủ, học sinh uống vào nếu xảy ra vấn đề gì như ở Trường Tiểu học Nhã Lộng, Phú Bình, Thái Nguyên, ai chịu trách nhiệm?

Tài liệu tham khảo:

[1]http://thainguyen.gov.vn/tin-hoat-dong-cua-don-vi/-/asset_publisher/L0n17VJXU23O/content/huyen-phu-binh-23-em-hoc-sinh-bi-nghi-ngo-oc-do-uong-sua?inheritRedirect=true

[2]http://thainguyen.gov.vn/thong-bao/-/asset_publisher/L0n17VJXU23O/content/hop-ban-chi-ao-chuong-trinh-sua-hoc-uong

[3]http://thainguyen.gov.vn/vi_VN/tin-hoat-dong-cua-don-vi/-/asset_publisher/L0n17VJXU23O/content/cho-y-kien-vao-ke-hoach-trien-khai-thuc-hien-chuong-trinh-sua-hoc-uong

Hồng Thủy