Cấp phép dạy thêm học thêm lại cần… chính chủ

02/12/2012 06:05
Theo tuoi tre
Sau khi ban hành Thông tư 17, có vẻ bị dư luận phản ứng quá nhiều nên Sở GD-ĐT Hà Nội, đã có dự thảo cho phép dạy thêm 3 buổi/tuần là tối đa. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân không phải (giáo viên hưởng lương) được cấp phép tổ chức dạy thêm.
Sáng 28/11, Sở GD-ĐT Hà Nội tiếp tục tổ chức hội thảo, góp ý để hoàn chỉnh dự thảo quy định dạy thêm, học thêm. Cụ thể, theo dự thảo mới nhất sắp trình thành phố phê duyệt, Hà Nội quy định đối với học sinh tiểu học đã được học hai buổi/ngày tại trường không được dạy thêm, học thêm nữa.
Còn tại các trường phổ thông, mỗi tuần chỉ được bố trí tối đa 3 buổi dạy thêm đối với lớp có sĩ số 45 học sinh trình độ tương đương (nếu trình độ không tương đương thì không biết có nằm trong diện được học thêm không và sẽ xử trí thế nào, đánh giá ra sao, ai thông qua thế nào là…tương đương).
Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân (không phải giáo viên hưởng lương của đơn vị sự nghiệp) thì được cấp phép tổ chức dạy thêm ở địa điểm bên ngoài nhà trường, công khai tại nơi dạy trước và trong khi thực hiện. Quy định điều này khiến ai cũng dễ dàng nhận ra là nếu thầy cô trong trường muốn dạy thêm thì lại phải nhờ người đứng tên hộ để xin phép mở cơ sở học. Vì thế, quy định này hóa ra chỉ mang tính hình thức chứ chưa giải quyết được vấn đề  và cũng không nhìn nhận thẳng thắn nhu cầu dạy thêm, học thêm là có thực của cả thầy lẫn trò.
Không biết sau khi ban hành quy định này mà vẫn không giải quyết được vấn nạn dạy thêm học thêm, các “cảnh sát giáo dục” có tổ chức đi kiểm tra giấy phép các cơ sở dạy thêm, học thêm để lôi ra chuyện đứng tên giấy phép không chính chủ như đối với ô tô xe máy hay không. Có vẻ như các ban ngành chức năng đang luẩn quẩn với những gì mang tên “chính chủ”, nên cứ áp dụng từ ngành này sang ngành khác để mọi chuyện rối như tơ vò, càng gỡ càng khó.
Theo tuoi tre