Cặp sách của học sinh Tiểu học ngày càng nặng hơn

21/10/2016 07:19
Phan Tuyết
(GDVN) - Vẹo cột sống có thể ảnh hưởng đến các khớp, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ về hình thể, dẫn đến khung xương, cột sống xiêu vẹo, hậu quả rất nặng nề.

LTS: Chuyện cặp sách học sinh Tiểu học và chương trình học ngày càng nặng đang trở thành mối bận tâm của nhiều gia đình phụ huynh khi lượng đồ dùng, sách vở trong chiếc ba lô các em phải mang đến lớp dường như đang “quá tải”.

Làm sao để giảm tải được khối cân nặng này cho học sinh tránh tình trạng vẹo xương sống, gù lưng cho các em, cô giáo Phan Tuyết có bài viết góp ý về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Mỗi sáng đến trường, hình ảnh được thấy nhiều nhất là nhiều phụ huynh cầm cặp sách của con vào lớp. Nhưng cũng có không ít em tự mình gò lưng mang chiếc cặp nặng đến dăm ki-lô-gam chúi đầu bước từng bước nặng nề.

Như cố tình nói cho tôi nghe, một phụ huynh lên tiếng: “Càng cải cách trẻ càng khổ. Thời xưa, vài ba cuốn sách cũng nên người, bây giờ trong cặp lúc nào cũng có hàng chục cuốn sách vở, con mang gù cả lưng”.

Những cuốn Sách giáo khoa VNEN khổ to gấp rưỡi Sách giáo khoa bình thường.

Trong cặp của các em thường có sách Toán, Tiếng Việt, có hôm thêm cuốn Tự nhiên và Xã hội.

Hôm nào học Anh văn có thêm 2 cuốn sách Anh văn và sách bài tập, cuốn nào cuốn nấy để cao bằng chiếc cặp; chưa kể đến một số cuốn sách khác như đạo đức, kĩ thuật, vở luyện viết, tập viết và 5, 6 cuốn vở ghi bài tập.

Rồi đất nặn, màu nước, hộp bút… đôi khi sữa, nước uống… phần lớn các trường học đã hạn chế gánh nặng sách vở cho các em khi buổi trưa quy định để cặp sách lại trường.

Nếu như trước đây, một bộ Sách giáo khoa bình thường ở Tiểu học chưa tới 100.000 đồng, phụ huynh thường mua cho con 2 bộ sách.

Những chiếc ba lô nặng nề (Ảnh: tuoitre.vn).
Những chiếc ba lô nặng nề (Ảnh: tuoitre.vn).

Một bộ để trên trường học, bộ khác để ở nhà; nhưng với những cuốn sách VNEN, giá đến vài trăm nghìn đồng một bộ, học sinh buộc phải đem về nhà vừa bảo quản sách vở cho mình, vừa có tư liệu để ôn bài.

Vì thế, sách vừa dài vừa nặng đã làm nhiều học sinh vất vả khi phải đeo cặp sách nặng trĩu trên vai.

Chưa nói đến một số phụ huynh là tác nhân gây thêm gánh nặng cho chiếc cặp của con, do cha mẹ ít quan tâm đến việc học của con mình ở nhà nên không hướng dẫn các bé cách soạn sách vở theo thời khóa biểu.

Thế là có cuốn sách, cuốn vở nào, các em đều bỏ hết vào cặp mang theo hết ngày này đến ngày khác.

Cặp sách của học sinh Tiểu học ngày càng nặng hơn ảnh 2

Chiếc ba lô học sinh Tiểu học và chuyện bài tập về nhà

Bác sĩ Hoàng Xuân Đại (Nguyên chuyên viên cao cấp, Bộ Y tế) cho biết: “Đeo cặp sách quá nặng trong thời gian dài sẽ dẫn đến vẹo cột sống, ảnh hưởng đến tim mạch, tim phải làm việc nặng hơn có thể dẫn đến suy tim”.

Vẹo cột sống có thể ảnh hưởng đến các khớp, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ về hình thể, dẫn đến khung xương, cột sống xiêu vẹo, hậu quả rất nặng nề.

Giáo sư Trần Ngọc Ân (Nguyên trưởng khoa Xương khớp, Bệnh viện E) nhận định:

Đối với học sinh Tiểu học, đeo cặp sách nặng quá 5 kg sẽ dẫn đến bị gù lưng. Những học sinh này sẽ trở thành những “ông bà còng” chỉ sau một vài năm học”.

Theo các chuyên gia, để đảm bảo an toàn cặp sách của trẻ không quá 10% trọng lượng cơ thể, nhiều học sinh Tiểu học cân nặng khoảng 20 kg thì trọng lượng tối đa của cặp không được nặng hơn 2 kg nhưng thực tế các em đang phải mang chiếc cặp gấp đôi trọng lượng quy định.

Để hạn chế tình trạng này, các bậc phụ huynh cũng cần hướng dẫn con soạn sách vở theo thời khóa biểu vào mỗi buổi tối; hạn chế bỏ đồ ăn, thức uống vào cặp để tăng trọng lượng, có vậy mới bảo vệ được con tránh được những căn bệnh mà các chuyên gia đang cảnh bảo.

Phan Tuyết