Cậu bé tạo cầu nối giữa hải quân Mỹ với học sinh Việt

09/10/2017 07:34
An Nguyên
(GDVN) - Trên trang facebook của mình, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius đã đăng hình ảnh cậu học trò với khả năng kết nối những người lính Mỹ với học sinh Việt.

Đó là em Đặng Gia Khánh, học sinh lớp 12 Trường trung học phổ thông SKY - LINE Đà Nẵng, người 2 lần được vinh dự làm MC, người phiên dịch trong các buổi giao lưu giữa Hải quân Hoa Kỳ và học sinh Đà Nẵng.

Hai lần làm MC của những chương trình hòa bình

Khi nhắc đến Khánh, các bạn trong trường đều “ngả mũ” trước khả năng tiếng Anh đỉnh cao cùng phong cách dí dỏm, đáng yêu.

Bức ảnh MC Đặng Gia Khánh trên facebook cá nhân của ngài Đại sứ Mỹ Ted Osius.
Bức ảnh MC Đặng Gia Khánh trên facebook cá nhân của ngài Đại sứ Mỹ Ted Osius.

Tháng 7 năm 2016, khi đến tham dự chương trình đối tác Thái Bình Dương (PP16), các thủy thủ tàu bệnh viện SNS Mercy (T-AH19) của Hải quân Hoa Kỳ đã có chuyến giao lưu với học sinh Đà Nẵng.

Và Khánh được nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ làm MC, phiên dịch cho cuộc hội ngộ ngày hôm ấy.

Cậu bé tạo cầu nối giữa hải quân Mỹ với học sinh Việt ảnh 2

Tàu viễn chinh Hạm đội 7 của Mỹ tới Đà Nẵng

“Trước đó một đêm, em cùng cô Vân (Hiệu phó nhà trường) cùng nhau lên kịch bản. Trong đó, có một số tiết mục như: nấu ăn, chơi một số trò chơi, giao lưu ca nhạc...

Khi nghe thông báo có cả ngài Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cũng đến tham dự, em đã rất lo lắng, hồi hộp. Suốt đêm hôm đó, em không thể nào chợp mắt”.

Khánh chia sẻ, lần đầu làm MC của một chương trình giao lưu với hải quân nước ngoài, em muốn truyền tải một thông điệp yêu chuộng hòa bình của người Việt đến bạn bè thế giới.

Nên trước giờ giao lưu, MC chính đã phải đọc kịch bản hàng trăm lần để ghi nhớ những nội dung chính, những thông tin cần diễn giải.

“Khi chương trình bắt đầu, Khánh tự tin bước lên sân khấu dẫn dắt câu chuyện hoàn toàn bằng tiếng Anh và phiên dịch câu chuyện của ngài Đại sứ Mỹ ra tiếng Việt”, cô giáo của Khánh cho hay.

“Dù có chút hồi hộp nhưng em vẫn cố gắng để dịch sát nghĩa nhất, truyền đạt đến mọi người câu chuyện của ngài Đại sứ”, Khánh nói.

Trong cuộc trò chuyện giữa 40 người lính Hải quân Mỹ với các bạn học sinh hôm ấy, Khánh được xem như chiếc cầu nối khi làm phiên dịch cho hai bên hiểu nhau, chia sẻ với nhau những câu chuyện.

“Những người lính Mỹ, họ có gốc gác từ nhiều quốc gia khác nhau như: Úc, Mexico hay Philipin.

Họ là những người bạn thân thiện, cởi mở, sẵn sàng chia sẻ những câu chuyện thú vị ở những vùng đất mà họ đã đi qua. Họ cũng lắng nghe rất kỹ và tỏ ra thích thú với nét văn hóa của người Việt”, Khánh cười nói.

Kết thúc cuộc giao lưu hôm đó, Khánh đã có thêm một danh sách những người bạn hải quân Mỹ.

Đặng Gia Khánh (thứ 3 từ phải sang) trong chương trình giao lưu.
Đặng Gia Khánh (thứ 3 từ phải sang) trong chương trình giao lưu.

“Em rất ấn tượng với một chú hải quân trên tàu Mercy bởi khả năng nhiếp ảnh độc đáo. Chú ấy có những góc chụp hình rất đẹp và em được chú ấy chia sẻ một vài thao tác”.

Cô giáo của Khánh vui vẻ khoe, ngài Đại sứ Ted Osius đã dành những lời cảm ơn và khen ngợi bạn MC tài năng, hóm hỉnh.

“Ngài ấy cũng đã chia sẻ bức ảnh của Khánh lên facebook cá nhân của mình như một người bạn nhí năng động, tự tin kết nối với bạn bè khắp năm châu”, cô giáo cho hay.

Tháng 5 vừa qua, tàu hải quân Hoa Kỳ USNS Fall River (T-EPF-4) cập cảng Đà Nẵng, tham gia chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2017 (PP2017).

Và lần này, MC Đặng Gia Khánh đã chững chạc và kinh nghiệm hơn. Khánh vừa hướng dẫn các bạn chơi trò chơi, nấu ăn cùng lính hải quân Mỹ, vừa giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam với những người bạn mới.

“Các chú lính hải quân Mỹ hỏi em về những điều thú vị ở Việt Nam. Em đã giới thiệu với họ về Sơn Trà, về bãi biển đẹp Mỹ Khê, về thánh địa Mỹ Sơn...

Họ tỏ ra thích thú và nói sẽ trãi nghiệm nhiều hơn đến Việt Nam bằng một chuyến đi khác, sau ngày hôm nay”, Khánh kể lại.

Ước mơ trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin

Chia sẻ về bí quyết học tiếng Anh của mình, Khánh nói bắt đầu tiếp xúc với ngôn ngữ này từ năm ba tuổi.

Giao lưu giữa Hải quân Hoa Kỳ và học sinh Đà Nẵng. Ảnh: AN
Giao lưu giữa Hải quân Hoa Kỳ và học sinh Đà Nẵng. Ảnh: AN

“Ngày bé, em thích xem phim hoạt hình bằng tiếng Anh vì không có phụ đề. Em vừa nghe câu thoại vừa phỏng đoán ý nghĩa của nó.

Lớn lên một chút, em vừa học tiếng Anh ở trường vừa tìm tòi sách vở để học thêm”, Khánh nói.

Cậu bé tạo cầu nối giữa hải quân Mỹ với học sinh Việt ảnh 5

Chương trình Đối tác Thái Bình Dương sắp diễn ra tại Đà Nẵng

Khánh cũng chia sẻ thêm, để học tốt tiếng Anh thì không nhất thiết phải chăm chăm ghi nhớ từ vựng hay ngữ pháp.

“Em chơi các trò chơi điện tử mà trong đó mình có thể vừa học tiếng Anh vừa giải trí. Rồi nghe nhạc nước ngoài, xem phim không có phụ đề... Những thứ đó sẽ dần thấm vào trí nhớ của mình tốt hơn là cưỡng ép nhớ một cách thụ động và máy móc”, Khánh nói.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, gần cuối cấp 2 thì cả nhà chuyển vào Đà Nẵng sinh sống. Gia đình có một khách sạn nhỏ nên Khánh kiêm luôn nhiệm vụ hướng dẫn viên, phiên dịch cho khách nước ngoài.

“Hàng ngày, em có nhiều cơ hội tiếp xúc, nói chuyện với người nước ngoài nên tạo cho mình sự tự tin”.

Khánh cho biết, với số điểm IELTS 8.0, em có dự định sẽ đi du học để thực hiện ước mơ trở thành một Kỹ sư Công nghệ thông tin.

An Nguyên