Câu chuyện phi lợi nhuận và khung pháp lý xây dựng mô hình

25/03/2016 09:04
Phương Thảo
(GDVN)-Câu hỏi ở Việt Nam, giáo dục đại học có phi lợi nhuận hay chưa vẫn là dấu hỏi mà nhiều người đặt ra cho các trường từng tuyên bố hoạt động không vì lợi nhuận.

Trường phi lợi nhuận có hiện thực?

Quyết định 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014, chính phủ khai sinh ra một mô hình đại học tư mới với tên gọi đại học tư không vì lợi nhuận, có chủ sở hữu nhưng lợi nhuận được phép chia cho cổ đông nhưng không vượt quá mức lãi trái phiếu của chính phủ. 

Như vậy cho đến nay, bên cạnh khu vực đại học “tư trong công”, Việt Nam đang tồn tại ba loại hình đại học ngoài công lập: đại học tư vì lợi nhuận, đại học tư không vì lợi nhuận, đại học dân lập (một trường vẫn chưa chuyển đổi mô hình hoạt động thành đại học tư theo Quyết định 122/2006/QĐ-TTg).

Lên tiếng về vấn đề này, ông Lê Trường Tùng –Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Đại học FPT từng nói rằng, để một trường đại học là phi lợi nhuận, trước hết nó phải là một tổ chức phi lợi nhuận như nhiều tổ chức phi lợi nhuận khác.

Hiện nay Việt nam không có quy định riêng về việc thành lập và quản lý hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận, cho nên cũng chưa có nền tảng pháp lý rõ ràng cho việc này. 

Cũng theo quan điểm ông Tùng, Việt Nam hiện nay cũng không ít người có tài sản cá nhân hàng trăm triệu – thậm chí hàng tỷ USD, và ông Tùng tin rằng không thiếu người có tâm với đất nước, không thiếu người có tâm với giáo dục.

Ảnh minh họa trên Giaoduc.net.vn
Ảnh minh họa trên Giaoduc.net.vn

Chính việc thiếu một khung pháp lý mạch lạc là một trong các nguyên nhân hạn chế tiến trình hình thành các trường đại học tư phi lợi nhuận thực sự tại Việt nam từ các nguồn quyên góp, hiến tặng.

“Việc chuyển đổi các trường tư hiện nay (cả dân lập và tư thục) ở Việt Nam thành đại học phi lợi nhuận nói chung là không tưởng.

Chỉ có thể xảy ra hoặc là tại các trường được quản lý hoàn toàn bởi một cá nhân, một gia đình – để việc chuyển đổi không gây mâu thuẫn với các cổ đông khác - hoặc tìm ra ai đó đứng ra mua lại toàn bộ một trường đại học hiện có rồi chuyển nó sang phi lợi nhuận.

Nhưng ngay cả tìm được người bỏ tiền thì việc mua cổ phần của từng cổ đông cũng là việc đau đầu vì cổ đông có người muốn bán có người không, giá cả thế nào, bộ máy quản lý sắp tới ra sao, sẽ làm nản lòng ai đó có tiền và có tâm” ông Tùng nói.

Nói là không thể có trường phi lợi nhuận, nhưng ông Tùng vẫn còn tin tưởng có thể “lách luật” để có thể thành lập một trường đại học phi lợi nhuận đảm bảo đồng thời được các mong muốn: Có cơ chế huy động được các khoản đóng góp, hiến tặng - các khoản hiến tặng của tổ chức, cá nhân kể cả sau khi trường đã hoạt động đều được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc thuế thu nhập cá nhân; 

Câu chuyện phi lợi nhuận và khung pháp lý xây dựng mô hình ảnh 2

Sắp Hội thảo đào tạo tín chỉ giữa các trường Cao đẳng Y – Dược

(GDVN) - Thông báo này phát đi từ Văn phòng Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam ngày 24/3/2016.

Hoạt động phi lợi nhuận thực sự, tức không còn cơ chế chia lợi nhuận cho cổ đông; Có cơ chế quản lý theo dạng Hội đồng bình đẳng, dân chủ; Nguồn hiến tặng và tài sản của trường được quản lý không bị tư nhân hóa ngược lại sau này, thậm chí ngay cả khi giải thể trường vì một lý do nào đó; Có nền tảng để phát triển với định hướng tốt và có bộ máy lãnh đạo, lực lượng giảng viên tâm huyết.

Theo ông Tùng, phương thức để thực hiện việc này là thành lập một Quỹ Xã hội, có thể lấy tên “Quỹ Đại học Phi lợi nhuận Việt Nam” – và vận động đóng góp hiến tặng cho quỹ này. 

Quỹ sẽ được thành lập theo Nghị định số 30/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/4/2012 về tổ chức hoạt động của các quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Tiền có thể do cá nhân, tổ chức đóng góp, hiến tặng - với mục tiêu ban đầu là đủ tiền để thành lập một trường đại học và đưa vào hoạt động.

Với suy nghĩ trường hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận mới bền vững, GS. Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng, Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, thành lập trường đại học phải có vốn, vốn này huy động từ các cá nhân, các tổ chức ngoài nhà nước. Khi thành lập cũng sẽ có hai lựa chọn: hoặc theo lợi nhuận hoặc theo phi lợi nhuận.

Để bền vững các trường đại học nên chuyển sang phi lợi nhuận, nhưng điều này có dễ dàng. GS. Trần Phương cho rằng, nguyên tắc để đảm bảo là trường phi lợi nhuận thì Hội đồng trường phải thống nhất được hai nguyên tắc cơ bản: 

Thứ nhất, đã góp vốn vào trường là không được chia lợi nhuận, chỉ được hưởng lãi suất hàng năm bằng lãi suất của tiền tiết kiệm gửi vào ngân hàng. 

Từ năm 2013 theo Luật giáo dục đại học, lãi suất vốn góp vào trường được điều chỉnh bẳng lãi suất trái phiếu Chính phủ. Theo GS. Phương thỏa mãn được điều kiện này thì tính chất phi lợi nhuận của trường được pháp luật thừa nhận.

Thứ hai, mỗi cổ đông/một phiếu biểu quyết, để trở thành cổ đông mức góp tối thiểu là 10 triệu đồng. GS. Trần Phương nói rằng, với mức góp này là phù hợp với đại đa số cán bộ, nhân viên của trường, bởi đã là cổ đông không phân biệt số vốn góp nhiều hay ít.

Nhìn nhận ở điểm mạnh, yếu của trường lợi nhuận và phi lợi nhuận, GS. Trần Phương cho rằng, trường lợi nhuận có điểm mạnh là trường do các nhà đầu tư sáng lập, nên ngay từ đầu loại trường này sẵn có một nguồn vốn lớn. Còn điểm mạnh của trường phi lợi nhuận là không có tranh giành quyền lực giữa các nhà đầu tư. 

Quan hệ giữa các cổ đông là quan hệ dân chủ. Nhờ chế độ dân chủ và tập trung dân chủ, đoàn kết thống nhất giữa các cổ đông, giữa các cơ quan lãnh đạo của trường với các cổ đông.

Điểm yếu của trường hoạt động vì lợi nhuận là quyền quyết định phụ thuộc vào những người có vốn lớn, khó tránh khỏi sự tranh chấp quyền lực, điều này khiến cho nội bộ thiếu ổn định. Còn điểm yếu của trường hoạt động phi lợi nhuận là vốn hoạt động trong những năm đầu tương đối hạn chế.

Đại học ở Việt Nam có lợi nhuận hay không lợi nhuận?

Mâu thuẫn nội bộ tại Trường Đại học Hoa Sen trong thời gian qua là một minh chứng rõ nhất cho câu chuyện đại học lợi nhuận hay không lợi nhuận. Mâu thuẫn nội bộ càng căng thẳng khi một bên khẳng định hoạt động không vì lợi nhuận và bên kia nói chia cổ tức, tức là vì lợi nhuận.

Đầu tháng 11/2015 Bộ GD&ĐT đã khẳnh định: Trường Đại học Hoa Sen được thành lập theo quyết định 247/2006 ngày 30/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Điều 3 của quyết định này đã nêu rõ: Trường Đại học Hoa Sen hoạt động theo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường Đại học tư thục, ban hành theo Quyết định số 14/2005 ngày 17/1/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học tư thục, ban hành theo quyết định số 14/2005 của Thủ tướng Chính phủ, thì không có khái niệm “Trường Đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận”.

Câu chuyện phi lợi nhuận và khung pháp lý xây dựng mô hình ảnh 3

Đại học Bình Dương sẵn sàng tiếp nhận giảng viên của Đại học Hùng Vương

(GDVN) - Ngày 21/3, trường Đại học Bình Dương gửi công văn số 32/ĐHBD nhằm hỗ trợ tiếp nhận giảng viên của Đại học Hùng Vương.

Do vậy, cho đến nay, trường Đại học Hoa Sen vẫn là trường Đại học tư thục. Để chuyển sang loại hình hoạt động trường Đại học tư thục không vì lợi nhuận như Hiệu trưởng Bùi Trân Phượng thì Trường Đại học Hoa Sen phải tiến hành các thủ tục theo quy định tại mục 4, chương II Điều lệ trường Đại học, ban hành kèm theo Quyết định số 70/2014 ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Từ trước đến nay, chưa có một cơ quan quản lý nào, từ UBND TP. HCM đến Bộ GD&ĐT, và nay là Thủ tướng Chính phủ công nhận rằng, trường Đại học Hoa Sen là trường Đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Vậy thế nào là phi lợi nhuận? Hiểu một cách chính xác thì lợi nhuận sinh ra không phân chia cho các chủ sở hữu, cổ đông, mà chỉ được sử dụng ấy cho mục tiêu của tổ chức - đó là mô hình hoạt động của một tổ chức phi lợi nhuận. Nói cách khác, phi lợi nhuận là phần kinh doanh có lời nhưng không chia cho một hoặc một vài cá nhân nào.

Trước đây, nhiều người đã có hiểu lầm rằng, phi lợi nhuận tức là không tạo ra lợi nhuận, nhưng trên thực tế thì không phải vậy, mà bản chất của phi lợi nhuận chính là sự ứng xử của tổ chức với khoản lợi nhuận thu được – một khi nó được phân chia cho các cổ đông thì chắc chắn là “có lợi nhuận” - như trường hợp của Đại học Hoa Sen.

Nhìn nhận vấn đề này, PGS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT một lần nữa lên tiếng, ông cho rằng, cho tới nay ở Việt Nam chưa xây dựng các tiêu chí để phân rõ trường lợi nhuận và không vì lợi nhuận, thậm chí cả khái niệm lợi nhuận - không vì lợi nhuận hay vụ lợi - bất vụ lợi vẫn còn nhiều ý kiến. 

Thực tế khái niệm bất vụ lợi khác với khái niệm không vì lợi nhuận. Có thể các trường hoạt động vẫn có lợi nhuận, nhưng lợi nhuận đó lại phục vụ lại cho nhà trường chứ không phục vụ cho nhà đầu tư (bất vụ lợi).

PGS. Nhĩ đề nghị, từ những khái niệm, các tiêu chí để xây dựng mô hình, mô hình phi lợi nhuận hay lợi nhuận đòi hỏi phải rõ ràng và đi tới có một Quy chế riêng (cho trường lợi nhuận và không vì lợi nhuận), tuy nhiên đây còn là một tiến trình đang xây dựng.

PGS. Nhĩ cho rằng, sự việc của Trường Đại học Hoa Sen đã cho chúng ta một cái nhìn bao quát của các trường hoạt động theo mô hình lợi nhuận hay không vì lợi nhuận.  Cũng theo PGS. Nhĩ ở Việt Nam đã có trường chọn hướng đi không vì lợi nhuận, nhưng việc hiểu khái niệm này thật đầy đủ là chưa có, chính chỗ này phải giải thích rõ. 

“Đồng tiền không phải là mục tiêu chi phối hoạt động nhà trường mà mục tiêu chính của nhà trường là mục tiêu đào tạo, đó là mục tiêu cao cả. Đó là những điều khác nhau giữa trường lợi nhuận và không vì lợi nhuận” PGS. Trần Xuân Nhĩ cho hay.

Còn tiếp…

Phương Thảo