Chấm phúc khảo, một con đường tiêu cực

06/08/2018 07:32
KIÊN TRUNG
(GDVN) - Góc khuất, tiêu cực trong chấm phúc khảo ở kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thi trung học phổ thông Quốc gia đã trở thành “bệnh” kinh niên của ngành giáo dục.

LTS: Lâu nay, dư luận xã hội luôn nảy sinh tâm lý hoài nghi: có hay không chuyện tiêu cực trong công đoạn chấm phúc khảo tuyển sinh vào lớp 10 và thi trung học phổ thông quốc gia.

Theo đó, chia sẻ về nỗi lo này, tác giả Kiên Trung đã có bài viết đưa ra quan điểm của mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau khi nhận kết quả, nếu cảm thấy điểm số không đúng với số điểm mà mình chắc chắn, thí sinh tham gia thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi trung học phổ thông quốc gia đều có thể làm đơn phúc khảo để được chấm lại bài thi.

Các thầy cô giáo tham gia công tác chấm thi (Ảnh minh họa: nld.com.vn)
Các thầy cô giáo tham gia công tác chấm thi (Ảnh minh họa: nld.com.vn)

Đối với bài thi trắc nghiệm, việc chấm lại được thực hiện khi có mặt đầy đủ thành viên của tổ chấm phúc khảo và bộ phận giám sát.

Bài thi sẽ được đối chiếu từng câu hỏi đã tô trên phiếu trả lời trắc nghiệm với kết quả tệp đã quét lưu trong máy tính. 

Nếu có sai lệch, tổ chấm phúc khảo sẽ in phiếu chấm (từ phần mềm chấm thi) trước và sau khi sửa để lưu hồ sơ, đồng thời xác định nguyên nhân dẫn đến sự sai lệch. 

Khi điểm chấm lại chênh lệch so với điểm chấm lần trước thì điểm phúc khảo là điểm mới của bài thi.

Đối với bài thi tự luận, các hội đồng thi tổ chức chấm lại theo hướng dẫn, đảm bảo đúng nguyên tắc hai cán bộ chấm độc lập trên một bài thi và phải chấm bằng mực có màu khác với màu mực được dùng chấm trước đó trên bài làm của thí sinh.

Nếu kết quả chấm của hai cán bộ phúc khảo giống nhau thì lấy kết quả đó làm điểm phúc khảo.

Nếu kết quả chấm của hai cán bộ có sự chênh lệch thì rút bài thi giao cho Trưởng ban phúc khảo tổ chức cho cán bộ thứ ba chấm trực tiếp trên bài làm của thí sinh bằng mực màu khác.

Chấm phúc khảo, một con đường tiêu cực ảnh 2Hướng dẫn thí sinh cách phúc khảo bài thi quốc gia

Nếu kết quả chấm của hai trong ba cán bộ phúc khảo giống nhau thì lấy điểm giống nhau làm điểm phúc khảo.

Nếu kết quả chấm của cả ba cán bộ lệch nhau thì Trưởng ban phúc khảo lấy điểm trung bình cộng ba lần chấm làm tròn đến hai chữ số thập phân làm điểm phúc khảo.

Bài thi có điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu (đã công bố) từ 0,25 điểm trở lên thì được điều chỉnh điểm.

Trong trường hợp điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu từ 0,5 điểm trở lên thì hội đồng thi phải tổ chức đối thoại trực tiếp với cán bộ coi thi đợt đầu và cán bộ chấm phúc khảo.

Nếu thấy có biểu hiện tiêu cực, hội đồng thi sẽ xử lý theo quy định.

Tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2017-2018 của tỉnh Thừa Thiên Huế có 331 thí sinh đăng ký phúc khảo.

Trong số này có 69 thí sinh được thay đổi điểm, trong đó có 33 thí sinh được thay đổi kết quả.

Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi vừa công bố kết quả chấm phúc khảo cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2018-2019 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, có 42 bài thay đổi điểm trong 1061 bài thi của thí sinh đề nghị được phúc khảo.

Lý do chủ yếu của việc thay đổi điểm là vì giám khảo chấm sót và cộng nhầm điểm.

Báo chí phản ánh, Hội đồng thi trung học phổ thông Sở Giáo dục và Đào tạo Đăk Lắk vừa công bố kết quả phúc khảo kỳ thi trung học phổ thông quốc gia  năm 2018.

756 thí sinh có đơn phúc khảo đã được Hội đồng thi Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk thực hiện đúng theo quy định.

Rất nhiều thí sinh điểm số đã được thay đổi (mỗi môn nâng từ 0,5 đến hơn 2 điểm), cá biệt có thí sinh điểm thi môn Toán ban đầu là 0,6 điểm, sau khi chấm phúc khảo được nâng lên 7,2 điểm.

Giải thích về việc điểm số của thí sinh (ở các môn thi trắc nghiệm) có sự thay đổi sau khi chấm phúc khảo, ông Nguyễn Hoàng Chương, Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Công nghệ thông tin (Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk) cho biết:

Chấm phúc khảo, một con đường tiêu cực ảnh 3Vì sao thí sinh phúc khảo môn Toán từ 0,6 được chấm lên 7,2 điểm?

Sau khi nhận được đơn phúc khảo của các thí sinh, Sở tiến hành lập Hội đồng phúc khảo để rà soát soát lại kết quả làm bài của thí sinh.

Qua kiểm tra cho thấy, nhiều thí sinh tô mờ vào phần đáp án trên phiếu trả lời trắc nghiệm nên máy chấm trắc nghiệm không quét nhận diện được kết quả”.

Ông Chương giải thích thêm: “Hội đồng chấm phúc khảo đã tiến hành chấm lại toàn bộ các bài thi của thí sinh có đơn phúc khảo bằng phương pháp thủ công và chấm trên bài thi gốc của thí sinh.

Kết quả đã có sự thay đổi như Sở đã đã thông báo công khai”.

Dẫn chứng ra 3 kết quả chấm phúc khảo trong thi trung học phổ thông Quốc gia và tuyển sinh vào lớp 10 ở ba địa phương khác nhau để bạn đọc nhận thấy rằng có thi là có phúc khảo, có phúc khảo là có thay đổi kết quả điểm và có không ít trường hợp thay đổi kết quả thi từ hỏng thành đỗ, từ trúng nguyện vọng 2 thành trúng nguyện vọng 1.

Dư luận và phụ huynh từng đặt nhiều nghi vấn về quá trình chấm phúc khảo, nhất là các môn thi tự luận, có hay không chuyện tiêu cực, “chạy” điểm?

Đồng ý rằng trong một thời gian ngắn (5-6 ngày), số lượng bài thi lớn, thời tiết nắng nóng, bài làm của nhiều thí trình bày không cẩn thận, rối rắm, chữ viết nguyệch ngoạc… làm sao tránh khỏi việc một số giám khảo chấm chưa chính xác hoặc cộng nhầm điểm.

Song không thể chấp nhận con số, tỉ lệ bài thi do cộng nhầm điểm và chấm sót lại nhiều như một số địa phương đã từng công bố kết quả phúc khảo.

So với phúc khảo thi trung học phổ thông Quốc gia thì phúc khảo tuyển sinh vào lớp 10 ở các địa phương thường nhộn nhịp và phức tạp hơn nhiều.

Thực tế cho thấy, những thí sinh đề nghị phúc khảo mà không thuộc quen biết, có quan hệ gì với những người trong hội đồng chấm phúc khảo của Sở Giáo dục và Đào tạo thì kết quả phúc khảo thường không thay đổi so với kết quả đã công bố trước đó.

Còn những thí sinh đề nghị phúc khảo thuộc diện 4C (con ông cháu cha), thành phần cán bộ, giáo viên… có quan hệ, biết đường đi nước bước thì kết quả phúc khảo thường rất khả quan, tốt đẹp, từ hỏng thành đỗ, từ trúng nguyện vọng trường bình thường thành trúng nguyện vọng trường tốt.

Chấm phúc khảo, một con đường tiêu cực ảnh 4Phúc khảo lạ lùng và nguồn cơn nhức nhối

Anh T.  một phụ huynh học sinh, là chỗ bạn bè từng thổ lộ riêng với tôi:

Cháu nó bảo học được, thi vào lớp 10 chắc chắn đỗ nên tôi có phần chủ quan, không lo “chạy” khúc coi thi.

Khi biết kết quả, cháu nó bị hỏng cả hai nguyện vọng 1 và 2, tôi tá hỏa, tìm đường “binh” ở khúc phúc khảo.

May gặp được người quen ở trên ấy, lại sốt sắng, nhiệt tình nên mọi việc xong xuôi, chót lọt. Tất nhiên phải tốn chi phí, lo nước non cho họ.

Thời bây giờ cái gì cũng phải “chạy”, phải có bạc, có tiền, mới được việc”.

Góc khuất, tiêu cực trong chấm phúc khảo ở các kỳ thi quan trọng như tuyển sinh vào lớp 10, thi trung học phổ thông Quốc gia đã trở thành “bệnh” kinh niên của ngành giáo dục từ nhiều năm nay. Địa phương nào cũng có, mức độ ít hay nhiều mà thôi.

Vụ tiêu cực, gian lận sửa điểm thi trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 ở Hà Giang, Sơn La gây chấn động dư luận cả nước, khiến cho niềm tin của nhân dân vào môi trường giáo dục hôm nay bị xóa mòn nghiêm trọng.

Lãnh đạo quản lý các cấp của ngành giáo dục và đội ngũ nhà giáo cả nước không thể thờ ơ, vô cảm mãi trước nhiều vụ việc gian lận, tiêu cực bị phát hiện và chưa bị phát hiện mà cần phải nhìn thẳng vào sự thật, chung vai, trách nhiệm, tự khắc phục những tồn tại, yếu kém của ngành mình.

Luôn nói không với bệnh thành tích và giả dối đang hoành hành, tàn phá giáo dục nước nhà.

KIÊN TRUNG