Chân dung nhà giáo giàu

19/11/2018 06:22
Nhật Duy
(GDVN) - Ngoài giờ dạy ở trường, phần đông giáo viên phải kiếm thêm nghề tay trái. Người bán hàng online, người chạy xe, cắt tóc, chăn nuôi, làm ruộng, phụ vợ bán hàng…

LTS: Tiếp tục đưa ra những quan điểm và góc nhìn về vấn đề tiền lương của giáo viên, tác giả Nhật Duy đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nhà giáo có giàu không? Chắc chắn là có nhưng số lượng giáo viên giàu có thì không nhiều. Vậy, nhà giáo bây giờ có nghèo không? Chắc chắn là nhiều và số lượng này nhiều lắm.

Nhưng, có lẽ đa phần giáo viên vẫn có thể “sống được” bởi phần đông thầy cô giáo hiện nay đang phải làm thêm nghề “tay trái” của mình.

Bởi, không làm thêm thì đồng lương giáo viên hiện nay không thể nào đủ sống, nhất là đối những thầy cô có tuổi nghề ít hoặc đang dạy các môn được xem là môn “phụ” ở các nhà trường.

Những nhà giáo được xem là giàu

Những nhà giáo mà có “của ăn của để” phần lớn là những người có vợ hoặc chồng làm ở ngành nghề khác.

Hoặc phải là giáo viên ở các đô thị lớn, giáo viên dạy các môn chính ở cấp trung học phổ thông, trung học cơ sở và giáo viên chủ nhiệm ở tiểu học, giáo viên làm cán bộ quản lý ở các nhà trường.

Lương giáo viên hiện nay còn thấp (Ảnh minh họa: TTXVN).
Lương giáo viên hiện nay còn thấp (Ảnh minh họa: TTXVN).

Những thầy cô dạy các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tiếng Anh ở các thành phố hiện nay luôn có một lượng học sinh rất đông đảo. Thường là các thầy cô này dạy kín lịch các ngày nghỉ, các buổi tối trong tuần.

Bởi vì giá học phí ở các lớp học thêm thường rất cao nên các thầy cô dù vất vả nhưng đổi lại là luôn có nguồn thu nhập cao và ổn định.

Vì vậy, cuộc sống những thầy cô này luôn có điều kiện để phát triển kinh tế và chăm sóc gia đình cũng như đầu tư cho con em của họ được chu tất.

Nhưng, số lượng giáo viên giàu không đáng bao nhiêu so với hàng triệu giáo viên hiện nay.

Cái giàu của thầy cô cũng chỉ là có điều kiện hơn với các giáo viên còn lại nhưng so với ngành nghề khác thì cái giàu của giáo viên cũng đang còn rất nhiều chênh lệch.

Những nhà giáo nào nghèo?

Nhà giáo nghèo hiện nay thì nhiều lắm, nhất là giáo viên trẻ hoặc những giáo viên đang dạy các môn phụ ở tất cả các cấp học.

Nếu như giáo viên trẻ mà không được gia đình giúp đỡ ban đầu thường có cuộc sống tương đối vất vả bởi thực tế lương giáo viên không cao mà liên tục phải đầu tư cho việc giảng dạy của mình hàng ngày.

Những giáo viên năm đầu tiên công tác được hưởng 85% lương, hệ số người tốt nghiệp trung cấp là 1.86, cao đẳng là 2.10, đại học là 2,34.

Chân dung nhà giáo giàu ảnh 2Lương đủ sống, giáo viên mới toàn tâm, toàn ý dạy học được

Từ năm thứ 2 đến hết năm thứ 4 được hưởng 100% lương bậc 1 thì được nhận khoảng trên 3 triệu đồng đối với hệ đại học, dưới 3 triệu đồng đối với cao đẳng và trung cấp.

Số tiền đó mà không phải đóng góp hàng tháng cho rất nhiều các loại quỹ thì chia nhỏ ra mỗi ngày trên dưới 100.000 đồng.

Những giáo viên công tác xa nhà hay phải thuê nhà trọ chắc chắn số tiền đó rất khó khăn. Đó là chưa kể rất nhiều khoản tiền phát sinh xảy ra hàng tháng mà đối với ngành giáo dục thì chuyện ủng hộ, hỗ trợ, đóng góp thì hình như tháng nào cũng có.

Những giáo viên dạy các môn được xem là môn phụ thì tuổi nghề có nhiều cũng có cuộc sống khá vất vả với đồng lương giáo viên. Tuy nhiên, giáo viên môn phụ hiện nay ở các trường cũng khá nhiều.

Cấp tiểu học có giáo viên Nhạc, Họa, Thể dục, cấp trung học cơ sở thêm một số môn nữa như Công nghệ, giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý, thậm chí là tất cả các môn đối với những trường ở quê.

Mỗi năm, chỉ có giáo viên lớp 9 là dạy được 1-2 tháng dạy thêm trước khi các em thi tuyển sinh 10 nhưng số tiền nhận được cũng chỉ mang tính tượng trưng hỗ trợ tiền xăng xe.

Nói thật, chỉ có đồng lương chính thì giáo viên sống khó khăn vô cùng.

Vẫn biết, khi đất nước còn nhiều khó khăn, những thầy cô giáo cũng hiểu rằng mình không thể đứng ngoài sự khó khăn đó và chắc cũng chẳng mấy ai đòi hỏi gì nhiều về chế độ lương bổng của mình. Nhưng, có lẽ nhiều thầy cô cũng hay chạnh lòng về cuộc sống của mình…

Những năm qua, khi mà nhân lực của ngành sư phạm bão hòa. Sinh viên ra trường chỉ có một vài người xin được việc ở quê còn phần lớn là phải làm trái nghề hoặc phải đi thật xa.

Tất nhiên, những giáo viên xin việc ở xa quê không chỉ là tốn kém tiền xin việc mà còn tốn thêm tiền trọ hàng tháng và cái gì cũng phải mua.

Vài năm tằn tiện, tích cóp được số tiền ít ỏi mà về quê một chuyến là khi vào lại làm lại từ đầu, thậm chí còn phải vay mượn.

Vì thế, sau một năm tập sự là gần như giáo viên bắt đầu làm quen và “gắn bó” với nợ ngân hàng. Chưa trả xong đợt này lại đáo hạn để vay đợt khác.

Lúc đầu thì dùng để trả nợ tiền xin việc, rồi đến tiền cưới hỏi, rồi những đứa con ra đời rồi…và bao nhiêu những nỗi lo khác nữa nên nhiều thầy cô cứ mải miết trong vòng xoáy nợ nần.

Còn nhớ, ngày chúng tôi mới vào đại học, thầy giáo hỏi lớp vì sao mà các em lại thi và học sư phạm?

Chân dung nhà giáo giàu ảnh 3Giáo viên làm nghề tay trái “nuôi” nghề giáo

Nhiều bạn trả lời vì thích trẻ, vì yêu môn học của mình, vì tránh được những xô bồ ở bên ngoài, vì nghề giáo được mọi người đề cao, coi trọng…Lúc đó, có rất nhiều lí do mà đám sinh viên năm nhất chúng tôi đưa ra.

Thầy chỉ cười và đọc mấy câu ca dao chế với lớp: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hy vọng đừng yêu nghề thầy/ Có danh mà chẳng có cây/ Lương tháng chỉ đủ mười ngày cơm rau”.

Đám sinh viên chúng tôi lúc ấy chỉ biết cười với thầy mà chưa nghĩ rằng cuộc đời của người thầy sẽ có nhiều hoàn cảnh éo le sau này.

Giáo viên phần lớn đang làm nghề tay trái

Nếu nhìn qua thì giáo viên ai cũng thấy… sang trọng, lên lớp ai cũng lượt là áo quần đẹp mắt. Nhưng, có lẽ phần đông các thầy cô giáo mỗi khi đi làm chỉ có thể thủ sẵn một số tiền ít ỏi trong túi để phòng hư xe, tiền xăng và ăn uống khi ở lại trường cả ngày.

Ngoài giờ dạy ở trường, phần đông giáo viên phải kiếm thêm nghề tay trái. Người bán hàng online, người chạy xe, cắt tóc, chăn nuôi, làm ruộng, phụ vợ bán hàng…

Nhìn vào các trang Facebook bây giờ, đa phần thấy giáo viên bán hàng online và quảng cáo rầm rộ. Nhiều khi chúng tôi tâm sự với bạn bè của mình về chuyện bán hàng qua mạng.

Đa phần các giáo viên nói là cũng chẳng biết làm gì kiếm thêm thu nhập nên bán như vậy được đồng nào hay đồng đó để trang trải thêm cho cuộc sống gia đình.

Có lẽ đã từ lâu lắm rồi, chuyện “giáo viên sống được bằng lương” đã được nhiều cấp, nhiều người bàn luận…Thế nhưng, sau mỗi lần như vậy chỉ thấy rằng phần lớn giáo viên hiện nay vẫn đang còn khó khăn lắm.

Dù biết rằng viết những điều tế nhị này ra sẽ có thể lại càng chạnh lòng thêm nhưng hàng ngày thấy bên mình rất nhiều đồng nghiệp đang tất bật ngược xuôi…lòng bỗng nhiên lại thấy buồn buồn.                                                 

Nhật Duy