Chàng trai 10 năm đánh giày nuôi ước mơ đại học

06/11/2012 06:56
Theo Người đưa tin
Sinh ra trong một gia đình đông anh em, bố mất sớm, mẹ phải gồng mình nuôi 5 anh em ăn học, nhưng Nguyễn Văn Phúc (xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội) không hề tự ti, chán nản.
Ước mơ cháy bỏng
Bố Phúc là thương binh. Ông mất sớm vì bệnh tiểu đường. Lúc đó, Phúc mới 11 tuổi. Kinh tế gia đình Phúc ngày một sa sút. Khoản nợ mà gia đình vay để chữa trị cho bố bạn ngày một tăng lên đến hàng trăm triệu đồng. Một mình mẹ phải cáng đáng mọi việc để nuôi 5 đứa con. Vì thế mà, các anh chị của Phúc lần lượt nghỉ học để phụ giúp gia đình trả nợ và nuôi em ăn học.
Phúc là con út trong nhà nên có phần được ưu ái và học cao hơn so với các anh chị. Tuy không phải nghỉ học nhưng Phúc cũng dần làm quen với hộp xi, bàn chải đánh giày để kiếm tiền.

Hai năm trước một người bạn báo cho Phúc đỗ đại học khi Phúc đang đi đánh giày.
Hai năm trước một người bạn báo cho Phúc đỗ đại học khi Phúc đang đi đánh giày.

HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

Phúc bùi ngùi nhớ về những ngày cơ cực đã qua. Ước mơ của cậu bé đánh giày đã dần trở thành hiện thực. Cậu học sinh cấp 2 với dáng người gày gò xin làm "lơ xe" cho xe khách để được đi miễn phí mỗi lần từ quê ra nội thành Hà Nội đánh giày.
Nguyễn Văn Phúc kể: "Mới đầu mẹ lo lắng lắm vì sợ mình sẽ sa vào con đường cờ bạc hay nghiện hút như nhiều bạn khác. Nhưng lúc đó, mình không đi thì chắc đã phải nghỉ học. Mẹ dặn dò, mình là niềm hi vọng duy nhất và lớn nhất của mẹ, vì thế đã đi làm để có tiền ăn học thì không được chơi bời. Nhiều lần, nhất là khi học cấp 3, mình muốn tập trung vào học nhưng vẫn phải đi làm.
Mình muốn tự lo cho mình và để mẹ đỡ vất vả. Đi từ nhà lên trung tâm Hà Nội, mình phải làm "lơ xe" để được miễn phí vé. Xe khách hồi đó không chỉ chở người mà còn chở cả hàng hóa. Nào là cá, thịt lợn, gà vịt, tất tần tật cái gì cũng có thể cho lên xe. Khi hàng của khách đến, mình phải nhanh tay cho lên xe và cả việc nâng bổng xe đạp qua đầu cho phụ xe đón trên thùng xe là chuyện bình thường.
Hồi đầu, mình "bám trụ" chủ yếu ở khu vực chợ Phùng Khoang, Hà Đông, đặc biệt là khu đô thị Văn Quán, nơi có nhiều quán cà phê. Lên cấp 3, mình chuyển lên các khu vực đường Nguyễn Chí Thanh, phố Nguyên Hồng, đường Huỳnh Thúc Kháng”.
Sống xa nhà, trăm thứ phải chi tiêu từ tiền nhà trọ, tiền ăn học nên Phúc phải tiết kiệm từng đồng để làm sao cuối tháng không phải xin mẹ. Phúc kể: "Khát nước mình không vào quán trà đá mà hái quả trứng cá ăn cho đỡ khát. Lúc đó một cốc trà đá chỉ có giá khoảng 1.000 đồng, nhưng mình nghĩ tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy".
Để thực hiện ước mơ đến giảng đường, Phúc ở trọ với 3 bạn cùng ôn thi khác thay vì phải đi đi về về mất rất nhiều thời gian như trước. Phúc cho biết: "Đánh giày bận rộn nhất từ 7 - 9h sáng và từ 11h đến quá trưa khi mọi người đi ăn. Buổi chiều thường vắng khách nên mình đến lớp ôn thi đại học. Tối về phòng trọ, sau khi ăn cơm và nghỉ ngơi một lúc, mình ngồi học một mạch đến khoảng 4h sáng mới đi ngủ. Đến 5h30’, mình đã phải dậy đi đánh giày. Sở dĩ, mình kiên trì như thế là vì mình nghĩ và hy vọng vào tương lai".
Phúc kể tiếp: "Ngày mới đến khu vực đường Huỳnh Thúc Kháng, mình bị "đối thủ cạnh tranh" chặn đánh và bị ốm mất gần một tuần. Trong khi đó, 3 người bạn ôn thi cùng phòng đi bán hàng thuê đến tối mịt mới về. Ở phòng trọ một mình, mình phải tự lo cho mình. Nhưng cũng may những lúc như thế có chị hàng xóm tốt bụng giúp đỡ, coi mình như em trai. Dù ốm đau mình cũng phải cố gắng ngồi dậy học bài bởi để thời gian trôi đi thì tiếc lắm. Nhiều người mắng mình rằng, đã ốm rồi còn học hành làm gì, nghỉ ngơi cho khỏe đã, nhưng chỉ còn vài tháng nữa là đến ngày thi nên mình không nằm yên được.
Gần đến ngày thi, mình không đi làm mà tập trung vào ôn tập bài vở. Tiền hết, mì tôm hết, cả phòng chỉ còn ít gạo đủ ăn trong vài ngày nên mình đành nấu cháo loãng bằng nồi cơm điện và rắc bột canh mì tôm ăn cũng qua được một tuần".
"Đại học là con đường ngắn nhất"
Nguyễn Văn Phúc chia sẻ về cuộc sống hiện tại: "Hiện mình đang học năm thứ ba, khoa Phát thanh -Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), nhưng ngay từ năm đầu mình đã đi làm thêm để tự lo cho bản thân. Hiện tại, gia đình mình cũng bớt khó khăn hơn, các chị đã lập gia đình. Ngay từ khi học năm thứ nhất, mình đã làm cộng tác viên cho kênh VTV6 - Đài truyền hình Việt Nam.
Sáng mình đến đài làm việc, gần trưa về ăn cơm, nghỉ ngơi một lát, chiều lên giảng đường học. Ngoài ra, mình cũng làm cộng tác viên cho một trang báo điện tử, nên vào những ngày nghỉ mình thường đi viết bài. Mình đang thực hiện viết loạt bài phóng sự về chính những người đi đánh giày".

Phúc "đánh giày" đang làm cộng tác viên tại Đài truyền hình Việt Nam.
Phúc "đánh giày" đang làm cộng tác viên tại Đài truyền hình Việt Nam.
Phúc tâm sự về ngành học mà bạn mơ ước, theo đuổi trong suốt những ngày tháng rong ruổi trên các vỉa hè, con phố "kiếm ăn" và ôn thi: "Mình rất thích làm báo. Từ lúc vào trường báo đến nay mình đã viết khá nhiều bài. Mình hay viết về những mảnh đời, thân phận con người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Họ rất cần tiếng nói của báo chí để những người tốt biết đến và giúp đỡ phần nào. Trong số những bài báo mình đã viết, có một bài mình thấy rất ý nghĩa và cảm động. Đó là hai mẹ con nghèo khổ trong bài báo mà mình phản ánh đã nhận được sự giúp đỡ từ độc giả. Họ đã khóc và gọi điện cho mình để cám ơn. Ngoài ra, mình cũng rất mê viết phóng sự và đặc biệt rất thích đọc những bài phóng sự hay của những tác giả tên tuổi".
Mơ ước bước chân vào cánh cửa đại học của Phúc "đánh giày" đã thành hiện thực. Theo nhà báo tương lai này, cánh cửa đại học không phải là con đường duy nhất, bởi rất nhiều người thành công trong cuộc sống mà không có bằng đại học. Tuy nhiên, đại học là con đường ngắn nhất để đi đến thành công. Phúc bảo, vào được đại học vẫn chưa nói lên được điều gì bởi ra trường lại là chuyện khác, hơn nữa sinh viên tốt nghiệp đại học bây giờ nhiều lắm. Bởi vậy, ngay từ năm đầu mới vào trường Phúc đã tích cực tham gia các hoạt động của trường và các hoạt động xã hội.
Bất cứ có việc gì liên quan đến ngành báo chí, Phúc cũng xin làm cộng tác viên, để khi ra trường bước chân vào nghề không bỡ ngỡ. Hơn ai hết, anh chàng điển trai đánh giày này luôn trân trọng những gì mình đang có, bởi cố gắng bước đầu của bạn đã được đền đáp. Còn chặng đường dài phía trước bạn đang cố gắng hoàn thành mong ước của bản thân và kỳ vọng của mẹ.
"Đi đánh giày thực sự là một nghề có ý nghĩa và dạy mình nhiều điều. Đánh giày giúp mình có tiền để sống, cho mình biết cái khó, cái khổ và cả sự nhẫn nhịn để cố gắng vươn lên, nhìn thấy tệ nạn xã hội mà tránh xa và gặp những người thành đạt để noi gương họ", Phúc tâm sự. Không những thế, đối với Phúc, dù không còn "gắn bó" với hộp xi, bàn chải đánh giày như trước nữa, nhưng những hoàn cảnh, con người bạn gặp, những trải nghiệm thực tế ngoài cuộc sống phần nào sẽ giúp ích cho công việc làm báo của bạn sau này.
Biết chuyện của Phúc nhiều bạn bè, anh em đã dành những lời tán thưởng và khâm phục. Nhưng theo Phúc, ở vào hoàn cảnh như Phúc, ai cũng có thể làm như thế và thậm chí còn làm tốt hơn. "Sau này ra trường, mình vẫn muốn làm cả hai mảng báo viết và truyền hình nếu có thể. Trước mắt, ngoài việc cố gắng học thật tốt để ra trường, mình sẽ học và làm thêm những việc sẽ giúp ích cho mình sau này", Phúc chia sẻ.

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

 Tâm sự ứa nước mắt của cô sinh viên về quê sau trận bão

Thủ khoa ĐH Xây dựng nuôi ước mơ xây nhà cao ốc

Tôi cảm thấy có lỗi vì đã đi gia sư

Cậu bé nghèo từ cõi chết trở về, thi đỗ hai trường đại học

"Hãy nghĩ đến Ireland nếu có quyết định đi du học"

 Clip hot: Sinh viên nhảy Gangnam Style đón Halloween kinh dị

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Theo Người đưa tin